- Nếu không được tận mắt chứng kiến, sẽ không ai dám tin những xưởng sản xuất kem mà “kem đi đến đâu ruồi bâu đến đấy”. Những cơ sở sản xuất kem bẩn đang “đầu độc” một bộ phận không nhỏ các thượng đế nhí ở vùng nông thôn!

Công nghệ… kem mút

Cách Thủ đô chưa đầy 30km, Văn Phúc và Xuân Phú - hai xã thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã có tới 4 xưởng kem “gia công”. 

Không chỉ cung cấp cho thị trường trong huyện, bốn xưởng kem này mỗi ngày cho ra lò hàng chục vạn chiếc đưa đến các huyện lân cận như Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất…

{keywords}
Công đoạn "sản xuất" kem sữa bằng công nghệ tại gia.
  
{keywords}
 
{keywords}
Mẻ kem ra lò!

Điểm chung của những xưởng sản xuất “tại gia” này là máy móc, thiết bị nhà xưởng được xây dựng ngay trong khuôn viên của hộ gia đình, và chỉ hoạt động theo mùa.

Xưởng kem S.T - thôn Cựu Lục (xã Văn Phúc) nằm sát ngay con đường liên xã lúc nào cũng bụi mù mịt.

Hai người phụ nữ cặm cụi chế biến nguyên liệu thô cho những chiếc kem dừa sắp sửa ra lò. Cả hai cùng không mang khẩu trang, bao tay và quần áo bảo hộ vệ sinh.

Nguyên liệu sản xuất kem dừa đương nhiên là những trái dừa được lột vỏ chỉ còn trơ cùi. Tuy nhiên, chúng được vứt lăn lóc dưới đất, ruồi bu đen đặc.

Một trong hai chị hồn nhiên: “Để vừa có cảm giác sần sật, vừa có mùi vị của dừa bắt buộc phải trộn thêm cùi dừa và hương liệu. Vì trong xưởng nhiều ruồi đến bu quá, bọn em mang ra lề đường chế biến cho đỡ… bẩn!!!”. 

{keywords}
 
{keywords}
Dụng cụ chứa bột làm kem, các can hương liệu để ra được bất kỳ loại kem nào theo ý muốn.
{keywords}
Bên trong một xưởng sản xuất "kem bốn mùa".

Chị còn hồn nhiên: "Chẳng hiểu sao ruồi nó thích bu dừa đến thế. Chúng em nạo dừa đến đâu là ruồi bu đến đấy. Khi kem ra lò, có những chiếc kem dính cả ruồi chết chẳng có gì ngạc nhiên cả".

Ngay sát khu vực nạo dừa, cơ số những tấm bẫy ruồi theo kiểu bẫy dính được trải la liệt. Nền xưởng quanh đó cũng la liệt xác ruồi chết.

“Đánh bả như thế cũng không ăn thua. Mỗi ngày tụi em phải đi quét xác ruồi chết, mỗi lần cũng được lưng chiều gàu hót rác nhỏ” – sự chân thật của chị nhân công nơi đây.

600 đồng/chiếc "kem bốn mùa"!

Giá giao bán của một chiếc kem dao động từ 1.000đ - 1.500đ/chiếc. “Mức giá đó mới có lãi, vì tất cả các yếu tố cộng vào, từ nguyên liệu, tiêu hao điện, tiền thuê nhân công… để làm ra một que kem cũng ngót nghét hơn 1.000đ” – chủ xưởng sản xuất kem ở Phúc Thọ cho biết.

{keywords}
Bể chứa nước dùng để sản xuất kem tại một cơ sở 'kem bẩn'.

Thế nhưng, có những ông chủ “phá giá” cung cấp kem 600đ/chiếc. Đương nhiên, đó là những xưởng ở vùng sâu, vùng xa, và “thượng đế” của họ cũng là những người dân ở vùng sâu, vùng xa hơn.

Chúng tôi cũng chứng thực tận mắt công nghệ làm kem bốn mùa, kem vani, kem hoa quả của một chủ xưởng kem tại Bắc Giang.

Gọi là xưởng, nhưng nhếch nhác: không biển hiệu, không giấy phép, nhà xưởng tồi tàn và tối om. Nước thải ngập lênh láng. Hàng chục nhân công cởi trần trùng trục dưới mái tôn nóng hầm hập của buổi trưa hè.

{keywords}
 
{keywords}
Những cơ sở sản xuất kem theo mùa này, mỗi mẻ kem đã "đầu độc" hàng vạn các "thượng đế" nông thôn khuất mắt trông coi.

Giữa xưởng là một bể nước làm lạnh dùng để ngâm kem đục ngầu màu gỉ sắt. Ngay sát thành bể là rãnh thoát nước thải. Khu bếp để nấu bột ở cuối xưởng, với đủ thứ xoong nồi, máy trộn, khuôn kem bằng tôn lâu ngày đã rỉ sét.

Những bao tải nguyên liệu làm kem, sữa bột, bột năng, que cắm kem và những hương liệu chất đống.

Tất cả những bao tải, can đựng này đều không hề có nhãn mác.

Công thức và quy trình pha chế nguyên liệu được chủ xưởng này “công khai” giữa thanh thiên bạch nhật: nước giếng khoan hoặc nước ao được xử lý qua bể lọc thủ công bơm thẳng xuống xưởng pha chế. Bột năng được trộn với sữa bột, hương liệu, đường… theo tỉ lệ rồi đưa lên bếp nấu chín.

Tùy loại kem đưa ra thị trường là kem va-ni, kem dâu tây, kem đậu xanh hay kem dừa… mà chọn loại hương liệu, phẩm màu có mùi tương tự để pha chế. Bột sau khi nấu chín sẽ được đưa vào đánh nhuyễn, để nguội rồi đóng vào từng vỉ khuôn 20 chiếc làm bằng tôn.

Công đoạn tiếp theo là gắn que đưa vào bể lạnh. Sau thời gian chừng hơn một giờ đồng hồ, chiếc kem sẽ đông cứng. Những vỉ kem được gắp ra, nhúng vào bể nước lã để rã đông.

Một bộ phận khác sẽ rút kem ra khỏi khay, vứt vào một ngăn tủ trữ lạnh chờ người mua mang thùng xốp đến đóng đưa đến tận tay... người tiêu dùng.

Từ những lò sản xuất kem theo “công nghệ tại gia” này, mỗi ngày, hàng vạn que kem được đóng túi ni-lon theo các “nhà phân phối” cung cấp kem cho các nơi…

Khuất mắt trông coi, những khách hàng ở các vùng nông thôn xa lắc không thể nào biết được, quy trình sản xuất của những “lò kem” này như thế nào.

Tiến sỹ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo: Sử dụng kem bẩn có nguy cơ lây nhiễm rất cao với nhiều loại bệnh, đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu thì nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn.

Chỉ nói về nguồn nước mà các xưởng kem tự phát sử dụng đa phần đều không đảm bảo, có thể tồn tại trong đó nhiều kim loại nặng hay thậm chí cả chất độc như Asen (thạch tín) hay Dioxin.

Nguy cơ ô nhiễm các loại vi sinh vật gây hại từ môi trường hay từ chính những người làm kem là rất lớn. Đó là chưa kể tới các nguy cơ tiềm ẩn khác như sản phẩm có sử dụng các chất hóa học không được phép hoặc được phép nhưng lại quá liều lượng như các chất tạo xốp, chất tạo ngọt, phẩm màu...

Kiên Trung