Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bệnh Sốt xuất huyết do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nghiêm trọng được xếp vào nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 12/2013 tới 31/7/2014 đã ghi nhận 1.201 trường hợp nhiễm vi rút Ebola (trong đó có 672 trường hợp tử vong tại 03 nước vùng Tây Phi) gồm: Guinea (427 trường hợp), Liberia (249 trường hợp) và Sierra Leone (525 trường hợp).
Đội ngũ thầy thuốc không biên giới mang thức ăn cho bệnh nhân bị cách ly tại khu vực điều trị ở
Sierra Leone (Ảnh: Reuters) |
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh Ebola tại các nước vùng Tây Phi, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cung cấp thông tin và khuyến cáo một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola để người dân chủ động phòng chống.
Theo đó, bệnh do vi rút Ebola là một bệnh bệnh truyền nhiễm
cấp tính, nguy hiểm.
Vi rút Ebola lây sang người thông qua tiếp xúc với máu, chất tiết, bộ phận cơ
thể hoặc dịch thể khác của người, động vật bị nhiễm bệnh.
Triệu chứng khi nhiễm vi rút Ebola gồm: sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng hoặc có thể có nôn, tiêu chảy, phát ban, chảy máu.
Những người có khả năng mắc cao là những người có tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người hoặc động vật bị bệnh.
Hiện nay bệnh chưa có vắc xin dự phòng. Để phòng bệnh cần thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…), Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó.
Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời
Khẩn trương phòng chống dịch tiêu chảy cấp
Ngày 31/7, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị tăng cường chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tích cực các hoạt động phòng chống bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa.
Trong năm 2014, dịch tả diễn biến phức tạp tại một số nước: Nam Sudan, CuBa, Cộng hòa Dominica, Haiti, Mexico. Riêng tại Nam Sudan từ tháng 5/2014 đến nay đã có ít nhất 2.340 trường hợp mắc và 63 trường hợp tử vong.
Còn tại Việt Nam, vụ dịch tả gần đây nhất xảy ra vào năm 2007-2009 tại 24 tỉnh, TP. Sau 6 năm liền không ghi nhận ổ dịch, mới đây, nước ta cũng đã bắt đầu ghi nhận ổ dịch tiêu chảy cấp do E. Coli tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) nguyên nhân do điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, thiếu nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Để chủ động phòng dịch, Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế trên cả nước đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra chất lượng nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng.
C.Quyên