- Cuộc đời của chàng trai đi biển luôn đối diện với bao tai ương, bão bùng. Bám biển can trường là vậy nhưng đằng sau nghị lực vươn khơi là bao nỗi lòng lo âu của những người ở lại.

Tiếp tế những chặng ra khơi

Thật vậy, lâu nay nhiều người nghĩ làm vợ dân biển chỉ quanh quẩn trong nhà, chăm con, rồi “vắt chân” chờ chồng đem tiền sau mỗi chuyến đi. Nhưng có dịp trò chuyện mới biết, chẳng bao giờ có chuyện nhàn hạ đến vậy.

{keywords}

Những nữ ngư dân thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn lại tất tả với công việc phân loại cá, trao đổi sản phẩm với thương lái sau mỗi chuyến biển, tàu thuyền cập bờ.

Chị Đào Thị Lan, 42 tuổi, ở xóm 5, thôn Trường An 2, xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn kể: "Ngoài việc nhà cửa, con cái, phụ nữ có chồng đi biển, nhất là những nhà chủ ghe, còn phải lo chuẩn bị phí tổn cho chuyến ra khơi tiếp theo.

Thấy vậy chứ, một con trăng tới nhanh lắm! Đến ngày tàu chồng cập bến là chị em chúng tôi trực nguyên ngày, nguyên đêm ở bến cá. Cũng mệt mỏi, vất vả đâu kém công việc đồng áng, tảo tần bán buôn của những chị em khác".

Nói rồi, chị bấm đốt ngón tay đếm thử ngày hai chiếc ghe của nhà mình vô bờ. Chị nói: "Mấy bữa trước, ảnh (chồng chị - PV) có gọi thông báo qua máy đường dài cần mua thêm lưới mới. Tôi đã chuẩn bị đủ. Lần này, ghe cập bến ở cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), nên không đầy chục ngày nữa là tôi phải khệ nệ lưới chài cùng đồ ăn, thức uống vào đó…

Đến nơi là túi bụi với hàng tá việc. Nào là phụ phân loại hải sản, vá lưới, rồi sắm sửa đồ cúng ghe, lương thực thực phẩm, trà, cà phê, thuốc lá, vài liều thuốc chữa các bệnh thông dụng...".

{keywords}

Những tấm lưới bị rách tã sau chuyến biển, chị em lại phụ chồng vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt tiếp theo (ảnh chụp tại cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát).

Làm vợ người quanh năm lênh đênh trên sóng nước cũng có nghĩa là chấp nhận phần cô đơn, nhận về mình những thiệt thòi. Không có chồng ở bên cạnh, vợ ngư phủ đảm đương luôn vị trí người cha.

Việc chỉ bảo con cái học hành, cách sống, rồi lúc các con ốm đau, bố mẹ hai bên trở bệnh... cũng một tay các chị xoay xở, chứ không nói cho chồng biết tránh chuyện người ở ngoài biển thêm lo.

Phút bình yên, nhiều niềm vui nhất của ngày thường là lúc ngồi cạnh máy icom. Chỉ cần nghe âm thanh rồ rồ của máy là cả nhà chị Đỗ Thị Phượng, 43 tuổi, ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương, Hoài Nhơn, lại tập trung lại.

Cha con, vợ chồng được hỏi han nhau, kể cho nhau nghe một vài chuyện của hôm nay, để biết chồng mình khỏe mạnh, an toàn và để đỡ nhớ.

{keywords}

 Phút bình yên, nhiều niềm vui nhất của ngày thường ở gia đình chị Phượng là lúc ngồi cạnh máy icom.

Sinh ra ở mảnh đất bao đời gắn với biển, việc chọn lấy một người chồng làm biển, được cùng bám biển đã trở thành “điều đương nhiên” trong lối nghĩ của những người phụ nữ như chị Phượng.

Sau 25 năm cùng chồng can trường đạp sóng ra khơi, giờ anh chị đã có hẳn một cơ ngơi tương đối, với ngôi nhà trị giá 3 tỉ đồng và 4 chiếc thuyền.

Cơ ngơi khiến nhiều người ở làng biển Ca Công phải mơ ước này có một phần không nhỏ công sức của người vợ chịu thương chịu khó, giỏi gói ghém, chắt chiu.

Ghé thăm chị những ngày này, nghe chị kể loay hoay chuẩn bị mọi thứ cần thiết theo lời chồng để gửi theo ghe bạn ra khơi.

Hai trăng rồi biển đói, ghe mình vẫn chưa thể cập bờ bởi lo không đủ chia cho anh em. Cần chuẩn bị thêm để lúc nào ghe bạn xuất phát là gửi ké theo. Ở trong bờ, việc có thể làm của chúng tôi là luôn sẵn sàng chu đáo vật dụng, lương thực để “tiếp tế” kịp thời cho các anh yên tâm bám biển”, chị Phượng kể.

Sóng ở trong lòng

Mỗi chuyến biển, những người đàn ông mang theo mình hy vọng sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang để trang trải giấc mơ ấm no cho gia đình.

Khi những chiếc thuyền mang theo giấc mơ ấy cưỡi lên sóng tiến ra giữa trùng khơi, cũng là lúc những đợt “sóng” lòng ào ạt kéo về với người phụ nữ của quê nhà.

Biển giàu có thật đấy nhưng lắm khi cũng bạc bẽo với người bám biển. Phận người vì thế mà chênh chao theo từng con sóng.

{keywords}

Những người chồng bám biển khơi xa.

Có người đi biển rồi đi luôn không về. Người ở thôn Trường Xuân Đông, xã Tam Quan Bắc thương anh Nguyễn Minh Cường, mất tích giữa biển vào dịp Tết bao nhiêu lại càng thương vợ, hai đứa con và mẹ anh gấp bội.

43 tuổi, người đàn ông của biển ra đi giữa biển. Trên bờ, mẹ già, vợ và con anh đau đến quặn lòng. Nhìn đứa con trai 9 tuổi đội khăn tang, ruột gan chị Hồ Thị Hồng Kiều - 34 tuổi, vợ anh - như đứt ra cùng với sóng quật, gió quất ngoài kia. Xót xa hơn, đứa con trai thứ 2 chưa kịp chào đời đã phải quấn khăn tang từ trong bụng mẹ.

Gia đình 2 bên lo chị suy sụp, ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Vậy mà, 2 ngày sau đám tang anh, chị mạnh mẽ đương đầu với cuộc vượt cạn. Đứa bé kháu khỉnh, giống cha như đúc. Người mẹ dằn lòng đau thương để lo cho con.

Chị bảo: “Không thể gục ngã vào lúc này được. Ảnh đi chuyến biển ấy là muốn kiếm thêm thu nhập để lo cho con lúc chào đời. Tâm nguyện không thành chắc do số phận. Chỉ biết, giờ mình phải cố gắng để lo cho hai con”.

Con đường chị đi còn gian nan lắm. Ước vọng sẽ có một ngôi nhà riêng để rước anh về thờ chứ không phải gửi nhờ nhà bố mẹ chồng còn xa vời vợi.

Nhắc đến đứa con trai út vừa mất trên biển cách đây 5 tháng, bà Lê Thị Rạng, 52 tuổi, ở thôn Trường An 2, xã Hoài Thanh đôi mắt lại đỏ hoe, ầng ậng nước chực vỡ thành từng giọt.

Giờ nhắc đến biển là bà lại giật mình. Nhà có 3 đứa con trai đều đi biển. Nhờ biển, bà đã sơn sửa lại ngôi nhà gạch, sắm một số vật dụng cần thiết. Nhưng biển lại lấy đi của bà tài sản lớn quá!

{keywords}

Sau những chuyến biển, thành quả mà những người chồng mang lại là những khoang thuyền đầy ắp cá.

Những ngày này, khi hai con trai đang đi bạn cho các thuyền đánh bắt ở Trường Sa, Hoàng Sa, đêm nào bà cũng hoang mang, khắc khoải. Nhiều đêm, bà thức dậy thắp hương cầu trời khấn Phật cho gió yên biển lặng, để trăng này, trong đoàn người trở về có hai con trai của mình.

Thỉnh thoảng, bà nghĩ đến việc ngăn không cho con đi biển...

"Nhưng “dân biển mà không làm biển thì biết làm gì mà sống? Tụi nó không chữ nghĩa, không bằng cấp, đâu dễ kiếm được việc khác". Và người mẹ ấy tin, chỉ biển là bao dung đón nhận những đứa con ít học nhưng vạm vỡ, khỏe mạnh của mình.

Huyền Trang

(còn nữa)