- Nhiều năm nay, ở Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), đi biển không còn là “độc quyền” của người đàn ông. Trên chiếc ghe lênh đênh cùng chồng giữa muôn trùng sóng nước, những người phụ nữ miệt mài cho cuộc sống mưu sinh. Với họ tia sáng hy vọng về cuộc sống yên bình nơi đảo nhỏ vẫn luôn lấp lánh.

Khi phụ nữ đi biển

Buổi sáng, bờ biển Nhơn Lý nhộn nhịp cảnh ghe, thúng cập bờ, mua bán, trao đổi hàng hóa. Dọc theo mép sóng, gần chục đôi vợ chồng đang cùng nhau gỡ lưới, chuẩn bị cho lần thả lưới mới vào buổi chiều.

Xa xa, ở bãi đậu ghe gần đó, vài đôi vợ chồng khác đang gỡ cá, rôm rả bắt chuyện với nhau. Chuyện về mẻ lưới, về thời tiết mấy hôm nay, chuyện giá cả… cứ miên man, không dứt.

{keywords}

Chị Đào Thị Hương đang tranh thủ vá lại lưới trong lúc chồng chỉnh sửa máy.

Phụ nữ đi ghe dù là điều tối kỵ trong quan niệm của người đi biển, nhưng ít năm trở lại đây đã trở nên quen thuộc với người dân xã đảo Nhơn Lý.

Trước thực trạng đi biển xa bờ ngày một mạo hiểm, thường xuyên thất thu, những đàn ông quyết định đổi hướng sang đánh lưới gần bờ. Nhưng khoản thu nhập lại quá ít ỏi, nếu đem chia sẻ với bạn thì chẳng còn là bao nên họ đưa vợ theo ghe để nguồn thu tựu về một mối.

Theo ông Nguyễn Bính, 52 tuổi, chuyện những người phụ nữ đi ghe đã xuất hiện ở đây từ hơn 15 năm trước. “Ngày ấy, vợ chồng tôi và 2 cặp vợ chồng khác lần đầu tiên cùng nhau đi biển. Nhà tôi đi lưới ba màn đã 27 năm.

Sau khi cha mất, vợ tôi đồng ý đi biển cùng tôi bởi nếu kêu bạn, ăn chia xong thì chẳng còn bao nhiêu để nuôi 5 đứa con ăn học. Hồi đó, tôi cũng chẳng kiêng cữ gì. Ghe của mình mà!”, ông Bính kể lại.

Chị Đào Thị Hương, 36 tuổi, rời quê Phước Sơn (huyện Tuy Phước) về làm dâu xứ biển đã 14 năm. Chồng chị, anh Bạch Xuân Thương, đã đầu tư gần 20 triệu để sắm một chiếc ghe nhỏ đi lưới gần bờ sau nhiều năm đi bạn.

Chuyện đi biển, chèo thúng, thả lưới… vốn chẳng dễ dàng gì với những người phụ nữ sinh ra ở biển và trở nên khó khăn gấp bội với chị nhưng chị vẫn quyết tâm đi ghe cùng chồng.

{keywords}

Đôi khi, chị Hương cũng cầm lấy tay lái để chồng yên tâm đảm đương các công việc khác.

"Lần đầu tiên ra biển, tôi nằm bẹp trên sàn ghe, tưởng chừng có thể chết đi vì say sóng. Phải mất 4 - 5 lượt ghe ra vào, tôi mới thoát khỏi cảm giác nôn nao. Quen được với sóng thì lại thấy mình chậm chạp, yếu ớt khi bắt tay vào việc.

Thương chồng, một lúc xoay sở với hàng trăm thứ việc giữa biển, tôi cố gắng rèn luyện. Bây giờ, chưa đầy một năm, tôi đã có thể làm được rất nhiều việc: kéo - thả lưới, vá lưới, tát nước, lái ghe…", chị Hương chia sẻ.

Cùng hướng về biển lớn

Phụ nữ làng biển hôm nay đã chủ động, mạnh mẽ, luôn sát cánh cùng chồng giữa mênh mông sóng gió. Trên biển, vợ một việc, chồng một việc, đồng tay đồng chân. Khi cần thiết, họ cũng là “thuyền trưởng”, cầm lấy tay lái để chồng yên tâm đảm đương các công việc khác.

{keywords}

Buổi sáng ở xã Nhơn Lý, dọc theo bờ biển, có gần chục đôi vợ chồng cùng nhau gỡ lưới.

Nói về sức vóc, sự lanh lẹ cần có trên biển, phụ nữ không thể bằng đàn ông. Trong các lượt ghe đi thu lưới vào buổi sáng và thả lưới vào buổi chiều, người chồng thường phải đảm đương hết 70% công việc.

Tuy nhiên, thiếu đi 30% còn lại của bàn tay người vợ thì không thể hoàn thành công việc. Lâu dần, vợ chồng hiểu ý nhau, làm gì cũng cùng nhau nhịp nhàng nên công việc tiến triển nhanh lẹ hơn”, anh Bạch Xuân Thương tâm sự.

Lênh đênh trên biển với những công việc nặng nhọc, vốn chẳng dành cho mình, đôi bàn tay của những người phụ nữ trở nên chai sạn với nhiều vết trầy xước, nước da sạm lại. Thế nhưng, niềm hạnh phúc vì được đồng hành cùng chồng, được san sẻ với người bạn đời từng công việc, dù là nhỏ nhất, mới là quan trọng nhất.

Nói như chị Hương, “có ra khơi mới thấm thía và hiểu từng đồng tiền mà chồng đem về trước đây là cả mồ hôi và nước mắt. Bây giờ thì tôi và các chị ở đây còn thích được đi biển cùng chồng chứ không sợ ra biển như trước kia nữa”.

Những đồng tiền cùng kiếm được từ biển, mặn vị biển và cả mồ hôi, đã được những người phụ nữ chắt chiu, chuyển thành cơm áo, sách vở, học phí cho con. 15 năm đi biển cùng chồng, bà Nguyễn Thị Tâm, vợ ông Nguyễn Bính, cho biết: "Niềm vui lớn nhất là con cái thấy mình vất vả mà ham học. Đứa lớn đã tốt nghiệp đại học, ba đứa giữa đang học cao đẳng, đứa út thì học lớp 8. Cả 5 anh em nó đều đang ở Sài Gòn.

Năm ngoái, vợ chồng tôi đã mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh cho con. Khoảng tháng 9,thời gian ngừng đi biển, chúng tôi sẽ vào ở cùng các con để chăm lo thêm cho tụi nhỏ".

Huyền Trang