- Sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ bất đắc dĩ, nhiều cô gái ở các tỉnh ĐBSCL không chấp nhận tủi nhục, bí mật lên kế hoạch chạy thoát khỏi ‘địa ngục trần gian” và được lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam giải cứu.
Chiêu cũ người mới
Theo tài liệu vụ án, chiều ngày 15/2, một tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đang tuần tra tại khu vực biên giới xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng thì phát hiện 2 người phụ nữ nhập cảnh trái phép từ bên kia biên về Việt Nam.
Cả 2 cô gái bước đầu khai nhận, một người tên là Thương (SN 1982, trú tại xã Thuận Yên, TX.Hà Tiên, Kiên Giang) và một người tên là Hoa (SN 1990, trú ở xã Châu Thành, huyện Châu Thành, An Giang) bị một số người phụ nữ khác lừa đi làm, sau đó bán làm vợ cho người đàn ông nghèo ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Lực lượng bộ đội Biên phòng Việt Nam tuần tra biên giới. |
Thương cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Thuận Yên, trong gia cảnh khó khăn. Cuối tháng 12/2012, Thương gặp Phan Thị Duyên (SN 1955, trú ở ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên). Nghe Thương than thở gia đình khó khăn, không có việc làm nên được Duyên chỉ cách đổi đời.
Nhớ lại lúc đó, Thương ngậm ngùi xót xa, cô đã nghe lời Duyên vẽ ra viễn cảnh. Duyên bảo lương mỗi tháng từ 12-13 triệu đồng, mọi thủ tục đi lại, ăn ở đều có người bao lo từ quê đến sang tận Trung Quốc. Chỉ cần chăm chỉ, chịu khó là sớm có tiền về quê giúp gia đình…
Do thiếu hiểu biết, nhận thức kém khiến Thương và em ruột tên Thảo bị ‘hớp hồn’ theo lời nói của Duyên. Theo Duyên, Thương đã nhận được 500 ngàn đồng đầu tiên để làm hộ chiếu.
Đầu năm 2013, Duyên dẫn 2 chị em Thương đến gặp Nguyễn Thị Hồng Phượng (SN 1975, trú ở khóm Châu Quới 2, P.Châu Phú B, TP.Châu Đốc, sau này bị bắt trong một chuyên án khác).
Phượng đặt vé xe đưa 2 chị em Thương và 3 người phụ nữ khác lên TP.HCM. Không lâu sau đó, nhóm 5 cô gái chân quê đã đáp chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội. Theo đường bộ các cô xuống Quảng Ninh tập kết chờ ngày sang Trung Quốc.
Cũng giống như Thương, chị Hoa cũng bị mê hoặc bởi những lời giới thiệu đi làm ở Trung Quốc có thu nhập từ 12-16 triệu đồng/tháng.
Vào đầu năm 2013, chị được một người đàn ông giới thiệu đi làm ở Trung Quốc lương cao. Mấy ngày sau thì gặp Nguyễn Thị Hường (tức Tám Hường) đến nhà dụ dỗ: “Sẽ có một nơi làm việc nhẹ nhàng, lương cao. Cứ 6 tháng có đãi ngộ về thăm nhà một lần. Đặc biệt là mọi chi phí ăn ở, đi lại đều có người bao lo…”.
Đến ngày 23/3/2013, Hường đã đưa Hoa đến gặp Phượng và 7 người khác ở Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang xuất cảnh qua cửa khẩu Móng Cái bằng hộ chiếu phổ thông sang Đông Hưng, Trung Quốc.
Năm tháng ê chề
Bước qua cửa khẩu chưa xa, các cô gái được gom tất cả vào một căn phòng tồi tàn ở xã Trương Lầu, huyện Nhữ Nam (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Ở đây mỗi buổi đều có người tận tình lo cơm nước.
Tuy nhiên, đây cũng là thời khắc “định mệnh” khi hàng loạt đàn ông Trung Quốc mỗi ngày đến xem mặt, ngã giá các cô gái.
Chị Thương là một trong 2 nạn nhân đầu tiên khai nhận, tố giác hành vi kẻ bán mình qua Trung Quốc. |
Lần lượt các cô gái miền Tây bị bán cho nhiều thanh niên Trung Quốc về làm vợ không hôn thú. Trước lúc theo chồng, Phượng tuyên bố cấm tiệt chị em điện báo về cho người thân. Nếu không nghe lời thì sẽ 'không có đường về'.
Cũng như bao cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc, chính ngôn ngữ bất đồng đã khiến Thương rơi vào bế tắc. Cuộc sống vợ chồng, gia đình ở bản xứ làm cho các cô dâu ‘bất đắc dĩ’ hứng cú sốc nặng nề.
Thậm chí, Thương còn bị đánh đập, một mình làm việc nhà đến tận khuya mới được dùng cơm.
Không hơn gì Thương, chị Hoa tâm sự, bản thân bị bán cho một thanh niên Trung Quốc, 21 tuổi, hành nghề sửa xe. Nhà chồng xem Hoa như một vật dụng trong nhà.
Do ở khá gần nhau, nên Thương và Hoa nhiều lần bí mật gặp và bàn tính kế hoạch trốn chạy khỏi gia đình nhà chồng.
Ngày 12/2, tranh thủ lúc người trong 2 gia đình đi làm. Cả 2 cô gái liều lĩnh bỏ trốn, tìm đường về nước với số tiền ít ỏi.
Trên đường bỏ trốn, Thương và Hoa chỉ biết ra dấu bằng tay, nhờ người chỉ đường đến biên giới. Sau 3 ngày mò mẫm, 2 cô gái tìm đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Lào Cai, nhưng hộ chiếu đã hết hạn. Họ tìm cách vượt biên về nước thì được lực lượng Biên phòng Việt Nam giúp đỡ.
Cả 2 cô gái nhớ lại, khi nhìn thấy lực lượng bộ đội Biên phòng Việt Nam, 2 chị đã mệt nhoài và bật khóc khi biết chắc rằng mình đã thoát khỏi những ngày tối tăm nhất của đời người.
Từ những lời khai của Thương và Hoa, Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã lập chuyên án 009A bắt kẻ buôn người phải trả giá và giải cứu 13 cô gái khác...
Bảo Minh
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.