- Nằm ngay giữa khu dân cư nên khói bụi và tiếng ồn của nhà máy xi măng đóng trên địa bàn TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động thì số lượng người chết vì ung thư và các bệnh liên quan đến hô hấp tăng cao.

Nhà máy xi măng trong đô thị

Năm 1992, Cty cổ phần thạch cao – xí nghiệp xi măng Quảng Bình đóng tại Phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đã được xây dựng và di vào hoạt động với công suất 70.000 tấn /năm.

Một điều đáng nói là nhà máy này được xây dựng ngay giữ khu dân cư đông đúc và đã sống từ rất lâu ở đây.

Hơn 20 năm nhà máy đi vào hoạt động cũng là hơn 20 năm người dân “vác” đơn đi khiếu nại nhưng nhà máy vẫn hoạt động và người dân vẫn hưởng bụi và tiếng ồn “miễn phí”.

{keywords}

{keywords}
 
Nhà máy xi măng số 1 Quảng Bình

Nằm giáp ranh giữa TK9 và TK11 nên khói bụi và tiếng ồn của nhà máy đã làm cuộc sống của hơn 100 hộ dân ở cả hai tiểu khu này bị ảnh hưởng, nặng nhất là nhóm 2 (TK9, nhóm 1,2 (TK 11).

Gia đình ông Nguyễn Lương Hỵ (SN 1961) ở cách nhà máy chưa đầy 50m rất bức xúc: “Gia đình tôi ở đây trước khi nhà máy được xây dựng, từ khi đi vào hoạt động, bụi và tiếng ồn của nhà máy đã làm đảo lộn cuộc sống.

Cả nhóm dân cư số 2 này nhà nào cũng có giếng nhưng không dùng được vì mỗi khi nhà máy xả là bụi lại tạo thành một lớp dày trên mặt nước, mặc dù không dám mở cửa nhưng trong nhà lúc nào cũng bám bụi xi măng trắng xóa”.

Người dân cho biết, khoảng vài năm trở lại đây nhà máy chỉ còn hoạt động 50% công suất nhưng lại thường làm việc về đêm, từ 20h đến 6h sáng hôm sau nên gây tiếng ồn, làm cho người dân không tài nào ngủ được. 

{keywords}
Nhà máy hoạt động về đêm khiến bà Mai bị mất ngủ dẫn đến tai biến

"Nhà máy xả khói cũng rất thất thường, mỗi lần xả cũng mất mấy tiếng đồng hồ, bụi từ nhà máy còn bám đầy vào cây cối, rau trong vườn làm chúng không thể phát triển được. Áo quần giặt xong, phơi ở mô bụi cũng bám đầy, bệnh tật mà chết thôi cô ạ", một người dân than thở.

Đã rất nhiều lần người dân làm đơn gửi chính quyền các cấp và nhất là trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề nhà máy xi măng luôn được người dân đem ra phản ánh.

“Có nhiều đoàn về kiểm tra, nhưng khi các đoàn về đo nồng độ bụi thì nhà máy không xả hoặc về những lúc trời mới mưa xong nên nồng độ bụi lúc nào cũng không vượt quá mức cho phép”, ông Nguyễn Lương Hòa (60 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố 9 cho biết.

Ung thư tăng đột biến!?

Từ khi nhà máy về hoạt động tại khu vực này, bệnh tật của người dân tăng lên đột biến, đa phần là những bệnh liên quan đến hệ hô hấp, tiêu hóa, ung thư.

Anh Nguyễn Lương Kham ở nhóm 2, TK9, nhà cách nhà máy xi măng chưa đầy 50m cho biết: “Gia đình tôi sống ở đây đã được 14 năm, có ba con thì hiện nay cả ba đều bị bệnh phổi, có đứa năm nay đã lớp 8 nhưng bệnh cứ tái đi tái lại. bác sĩ nói do ô nhiễm môi trường gây ra”.

Sống cách nhà máy khoảng 70m là gia đình thầy Nguyễn Cửu Văn (35 tuổi). Thầy Văn cho biết, cách đây 2 năm bố thầy mất vì bệnh ho lao, viêm phế quản và tai biến, còn mẹ thầy vừa mất được 100 ngày vì bị ung thư vòm họng.

{keywords}
Ông Nguyễn Công Rồng, nhà trước cổng nhà máy xi măng cho biết, gia đình ông phải đóng cửa im im cả ngày 

Chỉ tính từ đầu năm đến nay cả nhóm 2 đã có 3 người chết vì bệnh ung thư, toàn là ung thư vòm họng, ung thư phổi.

"Người chết chủ yếu là người già, trung tuổi và chưa có năm nào ở đây không có người chết vì bệnh ung thư", chị Phạm Thị Hồng Huệ (45 tuổi) nhớ lại.

Trước đây chưa có điều kiện đa phần người dân nơi đây phải dùng nước giếng bị nhiễm bụi, từ khi thấy bệnh tật tăng cao, người dân đều cố gắng đào giếng khoan để dùng.

Bụi là một phần nhưng tiếng ồn mỗi khi nhà máy hoạt động về đêm cũng làm cho rất nhiều người mất ngủ, đặc biệt là người có tuổi dẫn đến những bệnh liên quan đến thần kinh, tai biến.

Ông Nguyễn Lương Hỵ nói: “Cách đây mấy năm bố tôi đã mất vì bệnh ho lao, vợ tôi thì bị tai biến nên giờ chân tay co quắp, nói năng ngọng ngịu, không làm được gì. Giờ nhà lại có đứa cháu mới được 3 tháng tuổi cũng ho hen, khóc ngằn ngặt cả ngày”.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Bá Trọng, Phó chủ tịch UBND phường Bắc Lý cho biết, nhà máy xi măng được thành lập là do quy hoạch của tỉnh, đã rất nhiều lần người dân kiến nghị với phường về việc xả khói bụi và tiếng ồn của nhà máy, phường cũng đã gửi đơn để yêu cầu tỉnh kiểm tra.

Gần đây nhất, trong lần kiểm tra của Phòng TN&MT TP. Đồng Hới ngày 1/7/2014 đã đề nghị nhà máy hoàn thành phương án di dời, trình UBND tỉnh trước tháng 5/2015.

“Chúng tôi cũng không nắm rõ số người chết vì ung thư hằng năm nhưng những bệnh liên quan đến hô hấp thì rất nhiều”, ông Trọng cho biết thêm.

Không biết lúc nào nhà máy sẽ di dời, nhưng những hệ lụy cho cuộc sống của người dân thì không hề nhỏ...

Hải Sâm