Hạ tầng giao thông, phương tiện, con người và công tác quản lý còn chưa tốt thì tai nạn vẫn có thể xảy ra không chỉ với xe giường nằm.

Vận tải hành khách bằng xe giường nằm phát triển những năm gần đây được đánh giá là có hiệu quả, tạo được sự thuận tiện và thoải mái cho hành khách trong những hành trình dài với chi phí hợp lý. 

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trên toàn quốc hiện đã có trên 4.500 xe chở khách giường nằm thuộc nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Mặc dù vậy, chỉ trong gần 2 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe khách giường nằm đã có chiều hướng gia tăng với 22 vụ, trong đó có khoảng 30% số vụ xảy ra trên các đoạn đường vùng núi, đèo dốc quanh co.

Đặc biệt nghiêm trọng trong ngày 1/9 vừa qua,vụ tai nạn xe khách giường nằm tại Lào Cai đã cướp đi sinh mạng của 13 người và làm hàng chục người bị thương. Sau tai nạn xe khách thảm khốc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có chỉ đạo sẽ không cho xe giường nằm lưu thông trên địa hình đồi núi.

Chủ trương của Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho đến đông đảo người dân. Lo ngại về mức độ an toàn của loại hình vận tải này, nhiều người tán đồng chủ trương, song cũng có không ít quan điểm cho rằng, loại hình này phát triển quá nhanh, ngành giao thông khó quản nên lại phải…cấm.

Không nhất thiết phải cấm đồng loạt

Vẫn còn đó những vấn đề đặt ra nếu chủ trương cấm xe giường nằm tuyến miền núi được hiện thực hóa. Qua ý kiến của hiệp hội vận tải các tỉnh miền núi phía Bắc, một số doanh nghiệp bày tỏ đồng tình với việc siết chặt quản lý vận tải hành khách chạy tuyến miền núi, đặc biệt đối với loại hình xe khách giường nằm.

Đại diện các doanh nghiệp vận tải cho rằng, chủ trương này cần phải được thực hiện đúng và trúng với những giải pháp quyết liệt, kể cả việc hạn chế sự hoạt động của xe khách giường nằm. 

Nhưng dù sao, Bộ GTVT cũng cần phải nghiên cứu, xem xét, không nên tiến hành cấm đồng loạt. Bởi với cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư như hiện nay, dịch vụ vận tải đường bộ phát triển mạnh, loại hình xe khách giường nằm tồn tại là đòi hỏi cấp thiết.

{keywords}

Nhiều xe khách giường nằm tuyến miền núi có thể phải dừng hoạt động. (Ảnh: KT)

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp vận tải hoạt động an toàn, có trách nhiệm, nhiều năm không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng nào, nếu ngay một lúc không còn loại hình vận tải này sẽ khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, hành khách giảm bớt sự thuận tiện trong đi lại.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, nếu chủ trương cấm xe giường nằm chưa đi vào chi tiết, cụ thể sẽ gây hoang mang cho các doanh nghiệp vận tải trên tuyến. Vấn đề này cần được Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ xem xét hết sức thận trọng và nhất thiết phải có lộ trình thực hiện cụ thể.

“Trước mắt, Bộ GTVT nên cho kiểm tra tất cả các tuyến đường, nơi nào đèo dốc quanh co, nguy hiểm lập tức phải xử lý:Tăng cường các biển báo, rà soát lại các dải hộ lan, không thể để hệ thống hộ lan chỉ là vật cảnh báo mà phải phát huy tác dụng làm suy giảm tai nạn nghiêm trọng trong các trường hợp va chạm,nhằm hạn chế thiệt hại”, ông Thanh cho biết.

Về yếu tố kỹ thuật của phương tiện, ông Thanh cho rằng, Bộ GTVT cần kiểm tra ngay tất cả các xe giường nằm đang còn hoạt động, không nhất thiết phải theo lịch đăng kiểm. Lực lượng chuyên trách tiến hành kiểm tra trực tiếp, nếu phát hiện phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ tước ngay phiếu đăng kiểm, phù hiệu hoạt động…

“Việc quản lý đội ngũ lái xe tại các doanh nghiệp cũng là yếu tố vô cùng cần thiết, đóng cửa ngay doanh nghiệp có lái xe không đủ điều kiện. Trong trường hợp doanh nghiệp có xe gây tai nạn nghiêm trọng, chủ doanh nghiệp có thể bị khởi tố vì sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý, đổ lỗi cho lái xe khi có sự cố. 

Cùng với đó, phải kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý phương tiện tại các địa phương, tránh để còn tình trạng địa phương không giám sát được hành trình xe chạy”, ông Thanh nêu giải pháp.

Ông Thanh cũng hết sức lưu ý việc nghiêm cấm xe vận tải hành khách cỡ lớn lưu thông xuống các tuyến huyện, đặc biệt là xe giường nằm. Theo đó, cần có quy định cho những xe du lịch và xe hợp đồng không được phép sử dụng xe giường nằm. 

Những loại hình vận tải này hiện nay thường hoạt động không theo tuyến cố định, có thể tự ý đi đến nhiều điểm có hạ tầng giao thông không đảm bảo.

Cần phải có lộ trình cụ thể

Bày tỏ quan điểm về chủ trương của Bộ GTVT, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, cần phải có những giải pháp điều hòa hợp lý giữa tỷ lệ xe giường nằm với xe ghế ngồi.

Nếu nói cấm xe giường nằm gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng là cực đoan, bởi xe giường nằm quá phát triển sẽ làm làm mất cân đối với những doanh nghiệp có xe ghế ngồi, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

“Sau khi thẩm định lại về mặt kỹ thuật, xe giường nằm chạy trên đường miền núi là không an toàn và phải cấm thì Bộ GTVT cần phải tạo ra lộ trình để các doanh nghiệp vận tải và hành khách lựa chọn. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp cần hợp tác với chủ trương của Bộ GTVT bằng việc hạ tải, giảm và hạ thấp số giường nằm, hoặc cũng có thể chuyển đổi về xe ghế ngồi để đáp ứng nhu cầu người dân”, ông Liên chia sẻ.

Chú trọng về mặt an toàn của phương tiện là tiêu chí của hành khách hướng đến các dịch vụ vận tải. Theo ông Liên, việc kiểm định phương tiện cần phải làm triệt để và khắt khe hơn đối với xe khách giường nằm, từ nhà sản xuất cho đến các trung tâm đăng kiểm. 

Kiểm tra phương tiện trước khi xuất bến là việc cần được tiến hành sát saohơn nữa đối với các doanh nghiệp vận tải.

Ngoài ra, ông Liên cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ lái xe khách, đặc biệt là xe khách giường nằm. 

Theo đó, doanh nghiệp phải tuyển chọn đội ngũ lái xe có trình độ và thâm niên cao, có thời gian thử thách lâu dài, đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ. Đáng lưu ý là phải đảm bảo cho lái xe có thời gian nghỉ ngơi sau khi lái xe tối thiểu 6 giờ/ngày.

(Theo VOV.vn)