- Bị trạm cân lưu động lập biên bản chở quá tải trọng, 2 doanh nghiệp vận tải khẳng định mình không vi phạm và nghi ngờ trạm cân sai, yêu cầu cân đối chứng giám định lại, tuy nhiên trạm cân không chấp nhận mà thách thức doanh nghiệp kiện ra tòa.
Quyết “ăn thua” với trạm cân
Sự việc ồn ào xảy ra vào chiều tối 4/9, tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53, tỉnh Đắk Lắk đặt ở Km 712 + 500 trên quốc lộ 14 thuộc phường Tân An (Tp. Buôn Ma Thuột).
Xe tải của doanh nghiệp Minh Thảo bị giữ tại khu vực trạm cân. |
Vào thời điểm trên, 2 xe container BKS 47P – 1783 của Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước do tài xế do tài xế Nguyễn Quý Thành điều khiển chở cao su từ Đắk Lắk đi TP. Hồ Chí Minh và xe BKS 79C – 03.281 của Công ty TNHH vận tải và thương mại Minh Thảo do tài xế Đặng Đình Minh điều khiển chở bia từ Đắk Lắk đi Khánh Hòa bị Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53 yêu cân tải trọng kiểm tra vì xe chở quá tải.
Trạm kiểm tra đã dùng cân xách tay để cân kiểm tra và xác định xe BKS 79C – 03.281 vượt tải trọng cho phép từ 10-20%, xe BKS 47P – 1783 vượt tải trọng từ 20-50% nên lập biên bản xử lý, yêu cầu hạ tải mới được phép lưu thông.
Ngay khi bị lập biên bản vi phạm, cả 2 tài xế xe đều phản ứng, cho rằng xe chở đúng tải trọng, đồng thời trưng ra các giấy tờ liên quan như phiếu xuất hàng ghi tổng trọng lượng, giấy đăng kiểm xe ghi tải trọng để khẳng định xe chở đúng tải.
Tuy nhiên, trạm kiểm tra vẫn kiên quyết lập biên bản xử lý dựa trên kết quả cân tay.
Các DN bày tỏ bức xúc với ông Lê Công Chức - Chánh thanh tra Sở GTVT khi bị giữ xe, lập biên bản chở quá tải không đúng thực tế |
Trước tình thế này, 2 tài xế xe tải yêu cầu được cân bằng cân điện tử, tuy nhiên cán bộ trạm cân nêu lý do trời mưa to, nếu cân điện tử dễ bị sét đánh gây hư hỏng thiết bị.
Hết cách, 2 tài xế xe tải gọi về công ty cầu cứu, lãnh đạo 2 đợn vị vận tải có mặt tại hiện trường, đề nghị trạm kiểm tra cho cân đối chứng ở một trạm cân độc lập thứ ba, bởi họ nghi ngờ cân của trạm bị hỏng, sai lệch quá lớn.
Trước đề nghị của đơn vị vận tải, trạm kiểm tra không chấp thuận, và giải thích cân xách tay của đơn vị mới được cấp, đang còn thời gian kiểm định nên không cần phải cân đối chứng.
Do không chịu ký vào biên bản vi phạm, 2 xe chở hàng bị giữ lại hiện trường, các tài xế phải ngủ qua đêm trong cabin xe trông hàng, chờ làm rõ đúng sai.
Sáng ngày 5/9, lãnh đạo 2 công ty vận tải, tài xế và đích thân đơn vị chủ hàng là ông Huỳnh Văn Dũng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bia Sài Gòn – Miền Trung (đơn vị thuê xe BKS 79C – 03.281 vận chuyển) tiếp tục có mặt tại trạm cân để khiếu nại.
Cân xách tay tại trạm cân lưu động Đắk Lắk cân sai lệch gần cả chục tấn. |
Ông Lê Công Chức - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, Trạm trưởng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53 một mực khẳng định cân của đơn vị được cấp không có sai sót và nói rằng, nếu doanh nghiệp không phục, có thể kiện ra tòa đối với Cục đo lường và Tổng cục đường bộ vì đã kiểm định sai, cấp cân không đạt chuẩn.
“Hành” doanh nghiệp vì mục đích gì?
Ông Phạm Đông Thanh - Giám đốc Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước cho biết: “Công ty có 50 đầu xe hoạt động trong lĩnh vực vận tải gần chục năm nay. Hàng công ty chuyên chở là cao su xuất khẩu, chạy tuyến Đắk Lắk – TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa khi xuất – nhập đều được cân kiểm tra rất kỹ lưỡng, ngoài ra công ty còn có tổ giám sát tải trọng, nếu xe nào vượt tải sẽ không cho xuất bến, nếu có sai số thì cũng rất ít, không thể lệch tải đến 8 tấn như trạm cân xác lập được”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sơn Đông - Phó Giám đốc Công ty TNHH vận tải và thương mại Minh Thảo khẳng định: “Công ty chúng tôi mỗi ngày chạy 10 chuyến hàng, nên không dại gì chở quá tải để bị phạt cả. Ngoài ra, mỗi xe chở theo đúng quy cách là 1.650 thùng bia, mỗi thùng có trọng lượng 19 kg chỉ cần đem nhân với số thùng thì biết hàng hóa nặng hơn 31 tấn; xác xe được kiểm định là 10 tấn, cộng lại mới chỉ hơn 41 tấn, trong khi trọng tải xe cho phép chở tới 48 tấn. Việc trạm cân xác định xe chở quá tải hơn 8 tấn là hết sức phi lý, không thể chấp nhận được”.
Trước sự quyết liệt của chủ hàng, các đơn vị vận tải, đến chiều tối ngày 5/9, Sở GTVT, Thanh tra giao thông mới “xuống nước” chấp nhận cân đối chứng.
Phía Thanh tra sở chỉ định cân đối chứng 2 xe quá tải tại cân của Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Hoàng Quyến (xã Cư Ebur, TP. Buôn Ma Thuột).
Kết quả, xe BKS 47P – 1783 cân đối chứng có tổng trọng lượng 51,8 tấn (không quá tải), kết quả cân lưu động trước đó 59,3 tấn, lệch gần 8 tấn; xe BKS 79C-032.81 cân đối chứng được 49,1 tấn (không vượt tải), kết quả cân lưu động trước đó 56,5 tấn, lệch hơn 7 tấn.
Trạm cân điện tử lưu động Đắk Lắk không phát huy hiệu quả. |
Sau khi có kết quả cân đối, phía Sở GTVT và Thanh tra sở, trạm cân lưu động thừa nhận việc cân xách tay đối với 2 xe trên có sai lệch và chấp nhận trả lại toàn bộ giấy tờ xe, không lập biên bản xử phạt vi phạm quá tải, đồng ý giải phóng xe hàng của doanh nghiệp tiếp tục lưu thông.
Sau khi “trắng án”, chủ các đơn vị vận tải là ông Thanh, ông Đông đã bày tỏ bức xúc: “Cách làm việc của Thanh tra sở, lãnh đạo Sở GTVT không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín doanh nghiệp, bởi hàng hóa không giao kịp cho đối tác như cam kết”.
Theo 2 ông này, giờ đúng sai đã rõ, họ đề nghị cơ quan chức năng gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp phải có lời xin lỗi, đền bù tổn thất chính đáng.
Trùng Dương