- Ngày 17/9, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó công an xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) và các cựu công an xã là Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983) và Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) ra xét xử tội 'Giết người'.

>> Trả hồ sơ vụ 4 công an xã đánh chết người

Trước đó, vào ngày 8/5, TAND TP Hà Nội đã đưa các bị cáo ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa hôm đó đã bị hoãn vì HĐXX cho rằng, có dấu hiệu vi phạm tố tụng.

Theo cáo trạng, khoảng 12 giờ 30 ngày 30/8/2012, Ban Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Mậu Phú (SN 1957) về việc vợ ông là bà Đoàn Thị Bút (SN 1958) bị ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958, ở cùng thôn) dùng gạch đánh gây thương tích phải đi cấp cứu.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa.

Ông Nguyễn Đức Vọng (SN 1954), Trưởng Công an xã Kim Nỗ đã cử ông Nguyễn Mậu Thành (SN 1970), Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980), là công an viên xuống địa bàn giải quyết.

Ông Tuyên gọi điện cho các công an viên là ông Đoàn Văn Tuyến, Hoàng Ngọc Thức đến nhà riêng mời ông Thuận về trụ sở công an xã để làm rõ vụ việc.

Khoảng gần 14h cùng ngày, anh Thành chở ông Thuận về đến trụ sở UBND xã. Tại đây, khi nhìn thấy ông Vọng, ông Thuận xuống xe chửi ông Vọng và định xông tới đánh.

Lúc này ông Vọng hô: “Khóa tay nó lại, đưa vào trong phòng kia”. Nhận lệnh, công an viên Nguyễn Trọng Kiên lấy khóa số 8 khóa tay ông Thuận. Do ông Thuận giãy giụa nên phải 3 công an viên mới có thể khóa tay ông Thuận.

Ông Vọng đi vào phòng làm việc, chỉ đạo Kiên mở khóa tay để ông Thuận viết kiểm điểm rồi đi ra ngoài. Được mở khóa một bên tay, ông Thuận không viết kiểm điểm mà tiếp tục lớn tiếng chửi bới.

Khoảng hơn 14 giờ cùng ngày, Tuyên được ông Vọng giao trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an viên ghi lời khai, làm rõ việc ông Thuận đánh gây thương tích bà Bút.

Nhận nhiệm vụ từ cấp trên, Tuyên đi thẳng vào chỗ ông Thuận bị khóa ngồi trên ghế, bắt đầu lấy lời khai. Tuy nhiên ông Thuận không khai nhận và tiếp tục chửi bới, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.

Tuyên giơ tay tát ông Thuận 2 cái vào mặt. Tiếp đó, Nguyễn Trọng Kiên dùng dùi cui vụt mạnh vào đùi ông Thuận nhiều phát. Vừa vụt Kiên vừa hỏi ông Thuận: “Có đau không ?”.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, do ông Thuận không khai nhận và luôn chửi bới lăng mạ lực lượng công an xã nên Nguyễn Trọng Kiên đã dùng chuôi dùi cui thúc mạnh vào ngực ông Thuận làm nạn nhân ngã ngửa ra phía sau.

Ông Thuận được dựng dậy rồi bị các công an viên dùng dùi cui đánh đập, dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay.

Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, ông Vọng nhận được điện thoại của Tuyên báo cáo việc ông Thuận say rượu không làm việc được. Ông Vọng sang kiểm tra thì thấy ông Thuận bị khóa hai chân hai tay vào ghế.

Được mở khóa đưa lên giường nằm, lấy dầu xoa, rồi được cán bộ y tế xã đến cấp cứu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện Đông Anh cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng nên đã tử vong sau đó.

VKS cho rằng, vào thời điểm các cán bộ công an xã đánh đập ông Thuận thì ông Vọng không có mặt, không biết rõ và không được báo cáo.

Khi biết tin về tình trạng sức khỏe của ông Thuận, ông Vọng đã kiểm tra và đưa nạn nhân đi cấp cứu. Vậy nên cơ quan điều tra không xử lý đối với ông Vọng về hành vi thiếu trách nhiệm là có cơ sở.

Nỗi bức xúc của gia đình nạn nhân

Tại phiên tòa ngày 17/9, các bị cáo đều cho rằng không nhìn thấy Kiên thúc dùi cui vào ngực ông Thuận. Bị cáo Kiên chỉ thừa nhận dùng dùi cui đánh vào đùi ông Thuận chứ không thúc dùi cui vào ngực nạn nhân.

Đến tòa với những vành tang trắng và tấm hình nạn nhân với nhiều vết thương trên cơ thể, gia đình ông Thuận yêu cầu bồi thường 1 tỷ đồng.

Họ cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo là dã man. Ông Thuận bị đưa về trụ sở công an xã khi đang trong tình trạng say rượu. Nhẽ ra cán bộ công an xã nên để ông Thuận tỉnh rượu rồi mới lấy lời khai, đằng này đã cố tình lấy lời khai của ông Thuận rồi sau đó dùng nhục hình với nạn nhân.

Ngày 17/9, phiên tòa kết thúc phần xét hỏi và tiếp tục vào ngày mai (18/9).

T.Nhung