- Ngày 23/9, TAND Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính giữa Công ty TNHH Mạnh Cầm (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khởi kiện ông Vương Trí Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.

 

Theo đơn khởi kiện ngày 21/2/2013, Đội QLTT số 12, thuộc Chi cục QLTT Hà Nội có quyết định kiểm tra tại công ty Mạnh Cầm.

 

{keywords}
Đại diện công ty Danlait tại phiên tòa

Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã bốc mẫu sản phẩm sữa công ty gửi kiểm nghiệm. Mặc dù chưa có kết quả về chất lượng sản phẩm, ông Vương Trí Dũng đã phát biểu trên một số phương tiện truyền thông, cho rằng sản phẩm không đạt chất lượng (không đủ 34% độ đạm).
 

Việc ghi nhãn, doanh nghiệp chỉ sai một lỗi duy nhất là “ghi nhãn phụ chưa đúng theo quy định ghi nhãn hiện hành”, nhưng ông Dũng đã cố tình đưa sự việc thành “trầm trọng”, rằng doanh nghiệp vi phạm nhiều lỗi trong quá trình kiểm tra. 

Đội quản lý thị trường 12 đã gửi sản phẩm đến Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia – Bộ Y tế kiểm nghiệm đạt chất lượng, Chi cục QLTT Hà Nội cố tình không thông báo cho doanh nghiệp và báo chí suốt hơn 3 tháng, kể từ ngày công ty bị kiểm tra, gây bất lợi cho doanh nghiệp. 

Hàng hóa của công ty bị thu giữ để trong kho bảo quản trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khiến hàng bị mốc ẩm, rách nát bao bì, doanh nghiệp nhận hàng về không thể mua bán được... 

Công ty Mạnh Cầm khẳng định, công ty chỉ vi phạm lỗi hành chính ghi nhãn phụ, đã được xử lý theo quyết định xử phạt. Tuy nhiên, ông Dũng “kèm thêm” đoạn “việc chuyển 190 tờ phiếu xuất kho của công ty Mạnh Cầm đến Chi cục thuế quận Thanh Xuân để xử lý theo quyết định”, đây là nội dung hoàn toàn không có trong biên bản vi phạm hành chính... 

Việc ra quyết định xử phạt hành chính trái pháp luật đã đẩy công ty Mạnh Cầm gần nửa năm qua dừng hoạt động, ảnh hưởng uy tín thương hiệu trầm trọng, doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện công ty Mạnh Cầm trình bày, việc làm của cán bộ Cục quản lý thị trường đã làm 80% đại lý sữa tẩy chay sữa Danlait và công ty không bán được hàng, tồn kho hơn 7.196 lon sữa. Ngoài ra, số lon sữa hiện còn bị tạm giữ đã bị hư hỏng do không được bảo quản đúng cách.

Công ty Mạnh Cầm xác định chịu thiệt hại hơn 24 tỷ đồng,  nhưng chỉ yêu cầu bồi thường 1,25 tỷ đồng, tương đương với hơn 7.196 lon sữa tồn kho không bán được.

Cũng tại tòa, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng, việc kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử phạt dựa trên kết quả trinh sát của Đội QLTT số 12 và văn bản yêu cầu thẩm tra, kiểm tra, xác minh của Cục QLTT (Bộ Công thương).

Trước khi ban hành quyết định xử phạt đã kiểm tra thực tế chứ không chỉ căn cứ vào biên bản do Đội số 12 lập.

Liên quan đến số sữa thu giữ, ngay sau ngày ban hành quyết định xử phạt (14/5/2013), Chi cục đã trả đủ cho Công ty theo biên bản giao nhận. Thực tế còn 400 lon sữa, Chi cục đã nhiều lần mời nhưng công ty không lên làm việc để nhận lại.

Về việc thông tin báo chí làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đại diện Chi cục khẳng định, Chi cục không tổ chức họp báo, không mời báo chí đến để thông tin.

Thực chất, ngày 2/4/2013, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức cuộc họp giao ban báo chí, trong đó có nội dung về công tác quản lý thị trường trên địa bàn.

Tại cuộc họp này, ông Dũng đã thông tin đúng sự thật: về chất lượng sữa còn đang kiểm nghiệm, cơ bản đạt yêu cầu; về nhãn có cơ sở kết luận vi phạm nhưng còn chờ kết luận liên ngành, có dấu hiệu vi phạm về thuế đã chuyển sang cơ quan thuế.

Đến 18h chiều cùng ngày, HĐXX dừng phần xét hỏi và tiếp tục làm việc vào 8h sáng mai (24/9).

T.Nhung