- Những người khách đến với thương xá Tax hôm nay không còn mục đích mua sắm. Họ đến như để vĩnh biệt một công trình thân thương, sắp chỉ còn là hoài niệm...

Ngày 24/9, chỉ còn 1 ngày nữa là đến hạn cuối cùng để các gian hàng trong thương xá Tax (TP.HCM) dọn dẹp trả lại mặt bằng cho dự án xây dựng tuyến metro số 1.

Tính từ ngày bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 1880, thương xá Tax đến nay đã tròn 134 tuổi, đã tồn tại trong 3 thế kỷ, một thời gian khá dài để các thế hệ người Sài Gòn khắc sâu vào tâm khảm.

{keywords}
Thương xá Tax hiện hữu...  

Chúng tôi đến thăm thương xá vào những ngày cuối cùng. Ở một góc gian hàng kim hoàn trống hoác, một bà cụ tóc đã hoa râm đang cố thu hết những hình ảnh của một nơi bà từng chôn dấu nhiều kỷ niệm.

Bà nói với chúng tôi: “Các anh biết không, lúc còn trẻ nơi này tôi và nhà tôi gặp nhau. Những cuộc hẹn hò trong cửa hàng kem Pôle Nord thuở nào đến những lúc cùng nhau mua sắm bên trong các gian hàng, chúng tôi tay trong tay hồn nhiên và trong sáng. Rồi sau này ăn ở với nhau, thương xá Tax vẫn là nơi chúng tôi thường lui tới. Nói chung nơi đây, mỗi viên gạch, mỗi bậc thang đều ghi dấu kỷ niệm…

Ông nhà tôi mất đã 10 năm nay rồi. Mỗi lần đến dịp kỷ niệm ngày cưới, tôi ra đây ngồi thật lâu để nhớ đến ông. Bây giờ nó vĩnh viễn ra đi, tôi buồn lắm các anh ạ”.

Dường như, những người đã từng ở Sài Gòn, từng gắn bó với thành phố này không ai không một lần đến thương xá. Sau sự ra đi của La Pagode, của Givral, của Passage Eden khiến người Sài Gòn chưa hết hụt hẫng thì giờ đây đến thương xác Tax.

Những ngày cuối cùng thương xá vắng hoe. Những gian hàng trống trơn. Những thùng hàng đóng chặt chờ chuyển đi. Những người bán hàng còn lại cố gắng thu gom cho hết hàng tồn đọng.

Mặc dù thời gian không còn nhiều, nhưng không ai có vẻ hối hả. Sự lưu luyến đang ngự trị trong lòng những người nhiều năm gắn bó với nơi này.

Những người khách đến với thương xá Tax hôm nay không còn mục đích mua sắm. Họ đến như để vĩnh biệt một công trình mà đối với họ vừa thân thương vừa trìu mến.

{keywords}
Tranh thủ ghi lại những hình ảnh cuối cùng.. 

230 tiểu thương sẽ rời bỏ thương xá để tìm nơi khác mưu sinh. Một chị bán mỹ phẩm nói trong thảng thốt: “Đến giờ này tôi vẫn không tin tôi phải rời nơi đây. Tìm đâu ra một nơi có văn hóa mua bán đầy tính người như nơi này? Không chặt chém, không điêu ngoa, không lừa dối, tiểu thương trong thương xá ai nấy cũng hết lòng phục vụ. Khách đến với chúng tôi, mọi người đều vui vẻ, hài lòng. Nhưng giờ đây phải chia tay vĩnh viễn một nơi mà mình từng gắn bó, từng trải qua những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất”.

Chị Ngọc Thuần, người đã từng sống cả tuổi thơ và thời niên thiếu cạnh thương xá Tax cho biết, chị rất không đồng tình về lời phát biểu của một quan chức về việc đập bỏ thương xá: “Nếu chúng ta mãi hoài cổ thì sẽ chỉ dậm chân tại chỗ. Muốn phát triển chúng ta phải thay đổi”.

Chị nói, chúng ta không hoài cổ mà chúng ta trân quí kỷ niệm. Những công trình như thế này mãi mãi là niềm tự hào của người dân Sài Gòn.

Dẫu sao thì đó cũng chỉ là những luyến lưu, những hoài niệm. Niềm tiếc nuối về một công trình chắc chắn sẽ còn đọng mãi trong lòng những người đã từng gắn bó với vùng đất này.

Chùm ảnh ghi lại những ngày cuối cùng của thương xá Tax:

{keywords}
Ngày cuối vẫn còn giảm giá 50%.

 

{keywords}
Hàng hóa được dọn sạch sẽ.  

 

{keywords}
Thu gom hàng hóa còn lại

 

{keywords}
Sẵn sàng cho giờ đóng cửa. 

 

{keywords}
Dưới tầng trệt vẫn còn nhiều mặt hàng giảm giá, bán trong ngày cuối cùng.

 

{keywords}
Lưu luyến chia tay

Trần Chánh Nghĩa