- Dịch bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đột ngột tăng cao. Mới đây một bệnh nhi 8 tháng tuổi đã qua đời tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vì mắc tay chân miệng độ 4 cho thấy sự nguy hiểm của căn bệnh này, nếu không sớm phát hiện, điều trị kịp thời. 

>>Cậu bé 3 tuổi nặng 70kg vì mắc bệnh lạ

Ngày 1/10, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã cảnh báo như trên trong buổi họp giao ban với 24 quận, huyện về tình hình dịch bệnh tại TPHCM.

Số liệu thống kê 8 tháng vừa qua cho thấy các ca tay chân miệng phải nhập viện của TP.HCM tăng 19% so với cùng kỳ năm 2013. Cùng kỳ 2013 toàn thành phố có 3.906 ca tay chân miệng nhập viện thì năm nay có gần 4.700 ca tay chân miệng nhập viện.

{keywords}
Bệnh tay chân miệng đột ngột tăng cao vào tháng 9. Ảnh: Thanh Huyền.

Không chỉ thế, biểu đồ ca bệnh còn tăng vọt bất thường từ tuần thứ 39. Đặc biệt, mới đây một bệnh nhi 8 tháng tuổi đã qua đời tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vì mắc tay chân miệng độ 4.

Những quận, huyện có số ca tay chân miệng cao nhất thành phố là Bình Chánh, quận 6, Gò Vấp, Tân Bình.

Địa bàn có số ca tay chân miệng nhập viện tăng nhiều hơn 100% so với tuần 33 và kéo dài hơn 2 tuần là quận 8, 6, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh. Ngoài ra, còn tới 15 phường/xã liên tiếp có ca bệnh trong 4 tuần.

Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân dẫn tới số bệnh nhi tay chân miệng nhập viện đột ngột tăng cao có thể do bệnh đang bước vào đỉnh dịch thứ 2 của năm. Bên cạnh đó, sau khi thông tin về bé 8 tháng tuổi tử vong vì tay chân miệng đăng tải trên phương tiện truyền thông đã khiến các bậc phụ huynh nâng cao cảnh giác, phát hiện, đưa con đi viện sớm.

“Những ca tay chân miệng nhập viện chỉ là những trường hợp chỉ điểm. Nhân viên y tế phải lấy ca đó làm đầu mối rồi lần ra những ca bệnh ở xung quanh thì mới xử lý dịch triệt để được. Nếu chúng ta chỉ phòng chống dịch những ca lẻ tẻ, làm không cương quyết, khả năng dịch bùng phát vào 3 tháng cuối năm là rất lớn.”, bác sĩ Dũng nói.

Song song với tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM cũng đang có chiều hướng gia tăng. Mặc dù số liệu thống kê tổng 8 tháng so với cùng kỳ 2013 không có gì đặc biệt, nhưng tính riêng 2 tuần cuối tháng 9 số trường hợp sốt xuất huyết nhập viện tăng cao theo mùa.

Từ đầu năm tới nay toàn thành phố đã có 5 trường hợp sốt xuất huyết tử vong. 

Những địa bàn có bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao trong tháng 9 là quận 10, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Chánh. Quận 2, 8, 7 là những điểm có số ca sốt xuất huyết tăng hơn 100% so với mức thông thường. Hơn 80 phường/xã tại TP.HCM đang có người mắc bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Dũng đặc biệt lưu ý các đơn vị y tế địa phương phải tích cực hơn nữa, tuyên truyền cho người dân về y tế cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường sinh sống sạch sẽ, diệt loăng quăng thì việc chống dịch mới đạt hiệu quả.

Thanh Huyền