- Người dân đang khổ sở xếp hàng để tiêm được vắc xin dịch vụ 5 và 6 trong 1. Trong khi đó, Cục Quản lý Dược khẳng định nguồn cung vắc xin dịch vụ không thiếu, hiện trong kho các công ty nhập khẩu còn tồn trên 140.000 liều vắc xin 5 và 6 trong 1.

Ôm con chạy khắp nơi 'săn' vắc-xin dịch vụ

“Cứ nghĩ chi trả mức giá cao hơn để con được chích vắc-xin dịch vụ cho nhanh, chất lượng. Vậy mà giờ tôi phải ôm con chạy đôn chạy đáo khắp nơi, xếp hàng dài cổ mà vẫn chưa có kết quả...”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết hiện nay vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ đã liên tục được nhập khẩu về Việt Nam và phân phối cho các đơn vị tiêm chủng có dự trù trên cả nước.

Cụ thể: vắc xin 5 trong 1 đã được nhập khẩu 48.320 liều ngày 18/9, 12.000 liều ngày 25/8, 10.000 liều ngày 24/7. Vắc xin 6 trong 1 đã được nhập khẩu 205.430 liều ngày 20/8.

{keywords}

Cục Quản lý Dược cho biết hiện còn hơn 140.000 liều vắc xin 5 và 6 trong 1 trong kho của các công ty nhập khẩu

Các lô vắc xin trên đều đã được Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn trên động vật thí nghiệm.

Ông Đông cho biết tất cả các đơn vị tiêm chủng có dự trù đều đã nhận được vắc xin để phục vụ nhu cầu của người dân.

Hiện nay, tại kho của các công ty nhập khẩu còn tồn trên 140.000 liều vắc xin 5 trong 1 và vắc xin 6 trong 1.

Vì vậy, ông Đông khẳng định nguồn cung vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 hiện nay là không thiếu. Tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ hồi đầu năm 2014 cơ bản đã được giải quyết.

“Các đơn vị có dự trù đều đã nhận được vắc xin theo đúng nhu cầu, nếu có điểm nào thiếu cục bộ là do lập dự trù chưa sát với nhu cầu thực tế” – ông Đông nói.

Trao đổi với VietNamNet, bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn phát triển đầu tư và thương mại Hồng Thúy (đơn vị nhập khẩu và cung ứng vắc xin 5 trong 1 trên toàn miền Bắc) cho biết, vắc xin 5 trong 1(Pentaxim) đã được công ty cung ứng ra thị trường gần 23.000 ngàn liều trong đợt vừa rồi và có thể tháng 11 sẽ có thêm 30.000 liều về Việt Nam.

Có thể phối hợp các vắc xin đơn

Ông Đỗ Văn Đông cho biết Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn nhân viên y tế có thể tư vấn người dân sử dụng vắc xin tương tự trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc phối hợp các vắc xin đơn giá sẵn có trong trường hợp thiếu một loại vắc xin tiêm chủng dịch vụ nào đó.

“Cả tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ đều được khuyến khích để đảm bảo trẻ em trong độ tuổi có khả năng tiếp cận cao nhất đối với vắc xin phòng bệnh” – ông Đông cho hay.

Tại Hội thảo về tiêm chủng vắc xin sởi – rubella diễn ra sáng 30/9 tại Hà Nội, khi trao đổi với báo chí, ông Kohei Toda, chuyên gia về văcxin của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết hiện nay cả vắc xin dịch vụ lẫn vắc xin tiêm chủng mở rộng đều có quy trình kiểm định như nhau và “không có loại vắc xin nào là an toàn 100%”.

Tuy nhiên, việc dùng vắc xin dịch vụ hay vắc xin tiêm chủng mở rộng là quyền lựa chọn của người dân.

Xếp hàng lấy số tiêm chủng

Trong khi đó, hiện nay người dân vẫn tiếp tục chen lấn, xếp hàng để lấy được phiếu tiêm chủng vắc xin dịch vụ. Cảnh chen chúc, chờ đợi mấy tiếng đồng hồ lại tái diễn.

Tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, có những gia đình mang con từ các huyện ngoại thành lên để tiêm chủng dịch vụ cho “yên tâm”.

{keywords}
Xếp hàng chờ tiêm chủng ở Viện vệ sinh dịch tễ TƯ

Chị Hiền – huyện Quốc Oai (Hà Nội) đem con lên Viện vệ sinh dịch tễ TƯ từ sáng sớm nhưng chật vật không lấy được số tiêm trong buổi sáng.

Không thường xuyên đọc báo, bản thân chị cũng không ngờ số người tiêm dịch vụ lại quá đông và tình hình vắc xin lại “căng” như vậy (trong khi giá mỗi mũi tiêm không hề rẻ).

“Cán bộ ở đây cho biết mỗi buổi chỉ được tiêm 50 cháu mà người chờ thì quá nhiều nên ai cũng sốt ruột. Hỏi ra tôi mới biết có người đi từ 3-4 giờ sáng xếp hàng vì sợ hết lượt” – chị Hiền nói.

Còn tại điểm tiêm phòng của Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1, tuy không phải xếp hàng từ sáng sớm nhưng muốn tiêm chủng cho con, bố mẹ phải đặt lịch trước cả tháng.

Trong khi đó, tại TP.HCM, lượng phụ huynh đưa con đi chích vắc – xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng quốc gia ở TP.HCM những ngày qua thấp hơn tới 3 lần so với chích vắc – xin dịch vụ.

Tại Khoa khám Trẻ em lành mạnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, khi được hỏi, đa số phụ huynh đều trả lời đưa con tới chích vắc – xin dịch vụ chứ không chích vắc – xin miễn phí.

{keywords}

Tới 4 h chiều mà các phụ huynh vẫn nườm nượp bế con đi chích vắc – xin dịch vụ. Ảnh: Thanh Huyền.Tới 4 h chiều mà các phụ huynh vẫn nườm nượp bế con đi chích vắc – xin dịch vụ. Ảnh: Thanh Huyền.

Chị Nguyễn Thị Thơm, ngụ tại phường Bến Nghé, Q. 1 cho biết: “Ở trạm y tế phường tổ chức tiêm ngừa miễn phí, và ngay tại bệnh viện cũng thế. Tuy nhiên tôi không yên tâm khi cho con chích vắc – xin đó vì sợ thiếu an toàn. Nghe tin bệnh viện mới có lại vắc – xin 6 trong 1, tôi liền bế con đi chích ngay.”

Một phụ huynh khác đang bế con, chờ chích ngừa tại Phòng khám trẻ em, Bệnh viện Từ Dũ cũng cho hay: “Nhà tôi ở Biên Hoà (Đồng Nai). Có thể chích ngừa miễn phí tại địa phương nhưng tôi sinh cháu ở Bệnh viện Từ Dũ, tiện thể đưa con đi khám sức khoẻ định kỳ, rồi cho cháu chích dịch vụ luôn. Thực ra giá thành vắc – xin dịch vụ cũng chỉ hơn 100 ngàn đồng/liều. Nếu chất lượng tốt, an toàn thì ta chẳng nên tiếc.”

Theo ghi nhận của phóng viên, Bệnh viện Từ Dũ có 2 phòng chuyên chích ngừa vắc – xin dịch vụ và một phòng chích vắc – xin miễn phí theo chương trình.

Khu vực chích vắc – xin miễn phí vắng tanh, còn nơi chích vắc – xin dịch vụ cho tới gần 4 giờ chiều vẫn nườm nượp phụ huynh bế con xếp hàng.

Nữ cử nhân – hộ sinh Huỳnh Thị Mai Lan, Phòng khám trẻ em, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, tính trong tháng 9 vừa qua, trung bình mỗi ngày bệnh viện mình có 200 bé tới chích vắc – xin dịch vụ và chưa tới 70 bé chích vắc – xin miễn phí.

Việc phụ huynh ồ ạt bế con đi chích vắc – xin dịch vụ đã khiến cho các cơ sở y tế rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

Đại diện Bệnh viện FV TP.HCM cũng cho biết tình hình cung cấp vắc – xin dịch vụ hiện nay thực sự không thể đáp ứng được nhu cầu đang tăng cao của bệnh viện.

Vắc - xin được ưu tiên cung cấp trước cho các bệnh viên công và các trung tâm y tế công cộng (các đơn vị này thường tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng mua số lượng vắc - xin lớn). Vì vậy những bệnh viện nhỏ như FV (so với các bệnh viện công khác) chỉ được nhận một số lượng vắc - xin giới hạn hơn.

Ngay cả khi số lượng vắc - xin được nhập về nhiều thì cũng phải mất 2 tuần để các cơ quan chức năng kiểm tra và đánh giá chất lượng.

“Thường thì chúng tôi nhập thuốc dựa theo nhu cầu của bệnh nhân (khoảng 1 - 2 lần/tuần, đồng thời luôn dự trữ lượng thuốc đủ dùng trong 2 tuần. Đơn cử như năm 2013, hằng tuần chúng tôi nhập khoảng 30 đơn vị vác xin Infanrix® (6 trong 1). Trong những tình huống khó khăn trong năm 2014, chúng tôi đã cố gắng nhập nhiều nhất có thể nhưng hoàn toàn bị động và phải phụ thuộc vào nhà cung cấp.”, đại diện Bệnh viện FV chia sẻ.

Cẩm Quyên - Thanh Huyền