- Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, phóng viên Hoài Nam, báo Thanh niên, đã sai sót trong quá trình tác nghiệp, tạo tình huống thúc đẩy hành vi phạm tội của người khác.

Ngày 3/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 2867/BTTTT-CBC gửi Bộ Công an thông báo kết quả xử lý vi phạm đối với phóng viên Nguyễn Hoài Nam của báo Thanh niên. 

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quán triệt, lưu ý, rút kinh nghiệm chung tới tất cả các cơ quan báo chí, tránh để lặp lại vụ việc tương tự.

{keywords}
CSGT đang làm nhiệm vụ (Ảnh minh họa, Nguồn: Lao động)

Trước đó, vào cuối năm 2012, để có tư liệu viết đề tài “Nạn bảo kê đường của cảnh sát cơ động - trật tự (CSCĐ-TT) tại TP.HCM”, phóng viên Hoài Nam đã liên hệ với một tài xế tên là Trần Ngọc Phúc lên kế hoạch cài bẫy cán bộ, chiến sĩ CSCĐ-TT, CSGT (quận 6, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn) trong xử lý vi phạm do chính phóng viên Hoài Nam và tài xế Phúc cố tình gây ra, tạo tình huống để tiếp cận ghi âm, ghi hình việc đưa và nhận hối lộ.

Mỗi lần thực hiện việc hối lộ, phóng viên Hoài Nam và tài xế Phúc đều chuẩn bị phương tiện để ghi âm, ghi hình việc thỏa thuận và đưa hối lộ CSCĐ-TT, CSGT tại trụ sở công an hay việc xử lý trên mặt đường.

Sau khi thực hiện đề tài, phóng viên Hoài Nam đến thanh tra Bộ Công an tố cáo về tiêu cực, sai phạm trong loạt phóng sự.

Ngay khi nhận tin tố cáo, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ trên. Qua điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định kỷ luật “tước danh hiệu Công an nhân dân” đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ-TT, CSGT công an quận 6, quận Bình Tân có hành vi vi phạm trong loạt bài phóng sự trên.

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng làm rõ hành vi của phóng viên Hoài Nam là vi phạm pháp luật. Hoạt động của anh không phải là hoạt động tác nghiệp, không phải để thu thập tài liệu chứng cứ về một vụ nhận hối lộ đã xảy ra trước đó mà là cố ý, chủ động tạo tình huống để cài bẫy, đưa hối lộ nhằm ghi âm, ghi hình làm tư liệu đề tài viết bài.

Việc tạo tình huống thúc đẩy người khác phạm tội là hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, Bộ Công an đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vi phạm đối với phóng viên Hoài Nam về hành vi vi phạm pháp luật trên.

Theo đó ngày 8/9/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được Công văn số 2982/BCA-CATP.HCM của Bộ Công an kiến nghị có hình thức xử lý đối với sai phạm của phóng viên Nguyễn Hoài Nam; kiểm điểm Ban biên tập báo Thanh niên và có biện pháp rút kinh nghiệm trong toàn ngành, chấn chỉnh hoạt động báo chí.

Sau khi nhận được văn bản của Bộ Công an, ngày 29/9, cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (cơ quan chủ quản của báo Thanh niên), Tổng Biên tập báo Thanh niên và phóng viên Nguyễn Hoài Nam.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã báo cáo về vụ việc của phóng viên Nguyễn Hoài Nam, khẳng định động cơ viết bài của phóng viên Nguyễn Hoài Nam là trong sáng, không vụ lợi, có tác động xã hội tích cực.

Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Nguyễn Hoài Nam đã có sai sót, thu thập thông tin phục vụ cho việc thực hiện đề tài nhưng không báo cáo đầy đủ với Ban biên tập và vượt quá quyền, nghĩa vụ quy định cho phóng viên.

Qua xem xét, Bộ Thông tin và Truyền thông thấy rằng loạt bài điều tra của phóng viên Nguyễn Hoài Nam đăng trên báo Thanh niên với động cơ, mục đích là chống tiêu cực. Tuy nhiên, phóng viên đã sai sót trong quá trình tác nghiệp, có hành vi thúc đẩy hành vi phạm tội của người khác.

Xét tác động của truyền thông đối với vụ việc có thể ảnh hưởng và làm mất đi ý nghĩa của công tác chống tham nhũng nên cơ quan điều tra đã không xử lý hình sự đối với phóng viên Nguyễn Hoài Nam, song với trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Ban biên tập báo Thanh niên tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với phóng viên Nguyễn Hoài Nam theo thẩm quyền (phóng viên Nguyễn Hoài Nam chưa được cấp Thẻ Nhà báo).

Đồng thời, Ban biên tập báo Thanh niên kiểm điểm, rút kinh nghiệm về quy trình kiểm duyệt, quản lý phóng viên; đồng thời thường xuyên trao đổi nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho phóng viên của báo.

N. Trang