- Theo báo cáo của BQL KKT Hà Tĩnh, hiện số lao động Trung Quốc đang có mặt tại các công trường ở Formosa (Vũng Áng) là trên 4.000 người, tuy nhiên số được cấp phép mới chỉ khoảng trên 800 lao động.
Thông tin mà VietNamNet có được, tính đến đầu tháng 10/2014, tổng số lao động làm việc tại Vũng Áng gần 40.000 người.
Trong đó, lao động trong nước là trên 32.000 người, lao động nước ngoài xấp xỉ 6.000 người.
Khu lò cao tại Formosa, hạng mục cần tới hàng nghìn lao động Trung Quốc làm việc. Ảnh: Duy Tuấn. |
Trong số lao động nước ngoài, riêng lao động Trung Quốc có trên 4.300 người đang làm việc tại các công trường, chủ yếu làm tại Formosa (gần 4.200 người).
Tổng số lao động nước ngoài đã được cấp phép từ trước đến nay là trên 2.400 người, riêng sau ngày 14/5/2014 là gần 1000, trong đó lao động Trung Quốc được cấp phép là trên 800 người, và gần 500 hồ sơ xin cấp phép đang xử lý.
Theo đó, số lao động Trung Quốc đã được cấp phép chỉ khoảng ¼ số lao động thực tế trên công trường. Hiện có trên 3.000 lao động Trung Quốc chưa có giấy phép.
Kể từ sau sự kiện 14/5, đã có hơn 4300 lao động Trung Quốc qua và làm việc tại Vũng Áng. Hiện mới chỉ cấp phép chưa đầy 1.000. Ảnh: Duy Tuấn. |
Đến nay, tổng nhu cầu lao động nước ngoài của 13 doanh nghiệp và 30 nhà thầu trong Khu kinh tế Vũng Áng là 11.006 lao động, trong đó của doanh nghiệp là 357 lao động, của nhà thầu là 10.649 lao động.
Tới thời điểm này, UBND tỉnh đã đồng ý cho tuyển dụng gần 11.000 lao động nước ngoài, trong đó, 13 doanh nghiệp là 357 lao động và 29 gói thầu với tổng số lượng 10.463 lao động.
Trong cuộc họp giữa các ngành chức năng về quản lý lao động và cấp phép lao động, rất nhiều thực trạng được nêu ra. Trong đó, lý do dẫn tới việc số liệu xin cấp phép chỉ đạt khoảng 20% so với thực tế, có nhiều nguyên nhân.
“Qua thực tế quá trình làm việc với Công ty Fomosa thấy rằng Công ty Fomosa chỉ quan tâm các lợi ích trực tiếp của họ và bố trí đủ nhân lực, tích cực đôn đốc để yêu cầu các cơ quan quản lý phải đáp ứng yêu cầu của họ.
Còn những việc phục vụ cho cơ quan quản lý thì xem nhẹ, lơ là, tìm cách né tránh, thậm chí là phó mặc cho Nhà nước Việt Nam trên các lĩnh vực quản lý lao động, tạm trú tạm vắng, an ninh trật tự v.v… Công ty Formosa chưa thực sự hợp tác với các cơ quản lý trong việc cung cấp thông tin nhà thầu”, báo cáo nêu rõ.
Trong đó, đáng chú ý là việc quản lý và cấp phép lao động cho người nước ngoài không được các nhà thầu nước ngoài (đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc) quan tâm mặc dù thủ tục cấp phép đã thuận lợi tối đa.
Một thành viên tham dự cuộc họp bàn về quản lý lao động và cấp phép lao động nước ngoài vừa qua thông tin, đại diện Formosa đã thông tin giữa cuộc họp, lý do lớn nhất của việc chậm trễ trình hồ sơ xin cấp phép cho lao động TQ chính là việc chưa có “chứng nhận nhân thân”.
“Các thủ tục khác giờ đơn giản rồi, khám sức khỏe, chứng nhận năng lực… Tuy nhiên, chứng nhận nhân thân thì phải do phía Trung Quốc cấp, để chứng minh lao động này không phạm tội. Cái này bắt buộc phải có”, một cán bộ ở Vũng Áng thông tin.
Lao động Trung Quốc chờ khám sức khỏe tại Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh. Ảnh: Duy Tuấn.
|
Trong khi đó, trong báo cáo tại cuộc họp mới đây liên quan đến vấn đề quản lý lao động nêu: “Nghiêm cấm việc cho lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động và được bảo hiểm làm việc trên công trường. Trong trường hợp vi phạm, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sẽ không chịu trách nhiệm khi xảy ra tình hình mất an ninh, trật tự và xảy ra tai nạn lao động”.
Trả lời VietNamNet về những thông tin trên, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL KKT Hà Tĩnh cho biết: Hiện không thể khẳng định 100% lao động ở đây đều được cấp phép!
“Tuy nhiên, chúng tôi đã kiểm tra và siết chặt. Trường hợp nếu phát hiện lao động chui, không được cấp phép thì sẽ trục xuất theo như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh”, ông Tuấn nêu.
Duy Tuấn