- Nhiều tháng qua, các tuyến đê cấp 1, 2 sông Chu, sông Mã (Thanh Hóa) bị xe “hổ vồ” chở cát chạy ngày, chạy đêm khiến cho mặt đê bị nát tươm, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ trâu nhưng cơ quan chức năng dường như bất lực.
Toàn cảnh: Xe quá tải 'giết chết' những con đường Những con đường vừa làm xong bị 'giết chết' một cách không thương tiếc. Những tai nạn đau lòng do hậu quả từ 'ổ voi', 'ổ trâu', 'con lươn', 'luống khoai' trên quốc lộ. Tất cả đến từ xe quá tải, quá khổ... Làm gì để ngăn chặn, 'dẹp loạn'? |
Tan nát mặt đê
Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe “hổ vồ” chở cát chạy trên các tuyến đê xung yếu qua địa bàn các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa đã cày nát nhiều mặt đường nhựa, bê tông, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và công tác hộ đê của lực lượng chức năng.
Ông Lê Văn Toán (xã Thiệu Vũ) cho biết, nhà ông nằm ở dưới chân đê sông Chu, ngày nào cũng chứng kiến hàng trăm lượt xe ô tô chở cát chạy ầm ầm trên đê.
Biển báo cấp xe vượt quá 12 tấn, nhưng 2 xe hổ vồ nối đuôi nhau có trọng tải 40-50 tấn. |
Xe nào cũng chở đầy ắp, cát rơi vung vãi, bụi mù. Đó cũng là nguyên nhân làm cho mặt đê xuất hiện nhiều ổ voi, ổ trâu. Chưa nói đến việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê điều khi mùa mưa lũ đến.
Cũng như ông Toán, bà Nguyễn Thị Lan (xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân) cho biết, trước đây đi đường nhựa, bê tông rất sạch sẽ, an toàn, nhưng bây giờ cả tuyến đường gần chục cây số nham nhở đất cát, bụi bặm.
Người dân đã không ít lần phản ánh lên xã, huyện nhưng dường như các cơ quan chức năng cũng bất lực.
Những chiếc xe ô tô chở cát đắp ngọn cao chót vót |
Ông Lê Huy Hoàng, Phó chủ tịch huyện Thọ Xuân cho biết, trên địa bàn có 3 mỏ cát được cấp phép, huyện đã bỏ kinh phí xây dựng hàng chục chiếc khung khống chế tải trọng tại các điểm lên xuống mỏ cát nhưng rất khó để xử lý triệt để, bởi cấm ban ngày thì họ lén lút chạy ban đêm.
Cần mạnh tay với xe quá tải
Ông Nguyễn Trọng Hải, Chi cục trưởng Chi cục đê điều & PCLB Thanh Hóa bức xúc nói, đường đê rải nhựa chỉ giới hạn cho xe dưới 12 tấn, đường bê tông dưới 10 tấn đi qua.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết các xe tải đi trên đê đều quá trọng tải, đó là chưa kể khối lượng hàng bốc trên xe.
Mặt đường bê tông nứt be bét. |
Cũng theo ông Hải, toàn tỉnh Thanh Hóa có 192/315 km đường đê từ cấp I - III và 104/693 km đường đê dưới cấp III đã được rải nhựa, bê tông.
Tuy nhiên, đến thời điểm này có đến 22,5 km đê cấp I - III bị xe quá khổ, quá tải phá nát, tập trung ở các đoạn K19+760 – K25+700, đê hữu sông Chu; K0+700 – K3+900, đê hữu sông Mã; K36 – K39+400, đê hữu sông Mã đoạn qua xã Thiệu Khánh.
Ngoài ra, 11,3 km đường đoạn K39+500 – K44+700, đê hữu sông Chu; K29 – K31, đê tả sông Chu (đoạn qua huyện Thiệu Hóa) và K3+900 – K8, đê hữu sông Mã (huyện Yên Định) cũng đang có dấu hiệu hư hỏng.
Nguyên nhân dẫn đến đường hư hỏng, ông Hải cho rằng do lợi nhuận từ khai thác cát lớn nên các doanh nghiệp bất chấp quy định về tải trọng.
Ngoài ra, có nhiều bãi tập kết cát chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Đồng thời việc kiểm tra, quản lý chủ bãi cát thực hiện cam kết sửa chữa đường hư hỏng do xe quá tải theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN-MT chưa sát sao.
Không những thế, để né các trạm CSGT, TTGT trục đường chính chủ phương tiện chở hàng như: Đất, đá, vật liệu xây dựng… đã lách sang đường đê để đi nên mặt đê không thể chịu tải nổi tải dẫn đến hư hỏng.
Ổ voi, ổ trâu xuất hiện nhiều trên mặt đường |
“Về lâu dài, Sở TN-MT cần quản lý chặt chẽ các DN khai thác cát. Nếu phát hiện chủ DN nào múc cát lên xe quá tải thì nhắc nhở, xử phạt hành chính, thậm chí thu hồi giấy phép để răn đe.
Đối với chính quyền địa phương, nên “gắn biển số” cho tàu, thuyền đăng ký khai thác cát để lực lượng chức năng và người dân có cơ sở phản ánh khi phát hiện vi phạm”, ông Hải kiến nghị.
Lê Anh