- Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và gần đây nhất là Nghệ An đã ghi nhận sự quay trở lại của dịch sởi. Các tỉnh này đều báo cáo tỷ lệ tiêm vét mũi sởi trong toàn tỉnh rất cao song trong quy mô xã thì có vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tại bản Piêng Cooc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương đã ghi nhận 49 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi; chủ yếu 1-12 tuổi.

Đây là bản của đồng bào dân tộc H’Mông và Thái có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ tiêm văcxin sởi các năm trước đây thấp nên có nguy cơ bùng phát dịch sởi.

{keywords}

Hàng chục em nhỏ miền núi nghi nhiễm sởi đang được tập trung tại lán dã chiến ở bản Piêng Cu (huyện Tương Dương, Nghệ An) điều trị. Ảnh: VietNamNet

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khu vực này giáp với một bản của Lào đang có dịch sởi. Đây là khu vực vùng sâu, xa, hẻo lánh lại là người dân tộc. Tỷ lệ tiêm sởi trước đạt chưa cao.

Để kịp thời khống chế, không lan rộng dịch, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An đề nghị giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm để tiến hành cách ly, xử lý ổ dịch một cách triệt để; tập trung các nguồn lực tổ chức, khám, điều trị chăm sóc và cách ly các bệnh không để xảy ra các trường hợp tử vong cũng như lây chéo trong cơ sở y tế.

Đồng thời, cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động xuống địa bàn để hỗ trợ địa phương cứu bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu địa phương tổ chức tiêm ngay đối với các huyện, xã thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có nguy cơ xảy ra dịch.

Sau đợt bùng phát dịch sởi hồi tháng 4 vừa qua trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tiêm vét sởi cho trẻ. Kết quả, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các địa phương báo cáo lên Bộ đều đạt rất cao, trên 90%. Tuy nhiên, đến nay sởi lại tái bùng phát ở một số điểm.

Ông Phu cho biết, thực tế có địa phương chưa giải quyết được chiến dịch tiêm vét này. Như Nghệ An báo cáo tỷ lệ tiêm chủng của cả tỉnh đạt rất cao trên 96% nhưng có xã lại rất thấp.

Ngoài ra, chiến dịch tiêm trước mới chỉ tập trung tiêm vét cho trẻ 1-2 tuổi. Vì thế, chiến dịch tiêm sởi-rubella đang được tiến hành hiện nay sẽ tiêm cho trẻ 1-14 tuổi. Sau tiêm 2 tuần đến một tháng, trẻ mới có miễn dịch phòng bệnh.

3 tuần, số mắc/tử vong do Ebola tăng gần gấp đôi

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 14/10 đã ghi nhận 8.471 trường hợp mắc, trong đó 4.076 tử vong và đã ghi nhận tới 426 nhân viên y tế mắc, trong đó 241 người tử vong.

Trong 3 tuần qua số mắc mới và tử vong tăng gần gấp đôi so với trước đó. Hiện đã có sự lan truyền tại các quốc gia ngoài khu vực châu Phi. Tại Mỹ và Tây Ban Nha, mỗi quốc gia có 1 trường hợp là nhân viên y tế lây bệnh từ bệnh nhân đến từ quốc gia có dịch.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có công văn khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo Sở Y tế thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ các quốc gia vùng dịch châu Phi theo tình huống 1; sẵn sàng hành động đáp ứng với tình huống 2.

Bộ Y tế cho biết có 250 người nhập cảnh Việt Nam từ 6 nước (Congo, Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigeria, Senegal) đang có dịch, trong đó 40 người là công dân Việt Nam đi lao động tại các nước này, sẽ được giám sát. Một số trường hợp có biểu hiện sốt nhưng không phải do Ebola.

Chiều 13/10, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) – Bộ Y tế - cũng có buổi họp khẩn về Ebola, với sự tham dự của các chuyên gia đại diện từ WHO, CDC, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và các chuyên gia, đại điện của các đơn vị trong ngành y tế.

C.Quyên