- Kết quả bình chọn trên trang mạng Sleepinginairports cho rằng 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất nằm trong nhóm 10 sân bay tệ nhất châu Á là chưa phản ánh được đầy đủ, khách quan về chất lượng dịch vụ của 2 sân bay này - Cục Hàng không VN cho biết.

Xung quanh việc thông tin website The Guide to Sleeping in Airports xếp hạng Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào danh sách 10 cảng hàng không kém nhất năm 2014 tại châu Á, đại diện Cục Hàng khôngVN cho rằng, trang mạng này không phải của một tổ chức chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không.

Việc xếp hạng cảng hàng không thuần túy dựa trên việc bình chọn của người truy cập qua mạng. Vì thế, kết quả bình chọn trên trang này chưa phản ánh được đầy đủ, khách quan về chất lượng dịch vụ tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

{keywords}
Cảnh chen lấn ở sân bay Nội Bài...

“"Thời gian qua, ngành hàng không đã có nhiều nỗ lực để cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ tại hai cảng hàng không này. Các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cảng đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn dịch vụ, nâng cao ý thức, thái độ làm việc của nhân viên hàng không”" - Cục Hàng không cho biết.

Mặc dù vậy, Cục Hàng không VN vẫn coi các đánh giá trên là một thông tin quan trọng để có các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Nhận xét về việc sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất nằm trong 10 sân bay tệ nhất châu Á của trang Sleeping in Airports, TS.Lương Hoài Nam, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết, cách họ đánh giá là khá toàn diện.

Theo ông Nam: "Trang mạng Sleeping in Airports không phải là tổ chức nghiên cứu và xếp hạng độc lập, nhưng nó phản ánh sự đánh giá của hành khách đi máy bay. Họ là khách hàng của các hãng hàng không và sân bay, là người chi tiền mua dịch vụ, sự đánh giá của họ không thể bỏ qua nếu chúng ta cầu thị".

Ông Nam cho rằng, ở đây có 2 vấn đề được đặt ra: chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng con người trong tất cả các mảng hoạt động của sân bay. Bao trùm lên cả hai cái đó là năng lực đầu tư và khả năng quản lý - điều hành sân bay.“

{keywords}
Hình ảnh tương tự ở sân bay Tân Sơn Nhất do quá tải. 

Nhà ga nhỏ bé, chật hẹp thì không thể có đa dạng dịch vụ, không thể có sự cạnh tranh cung cấp dịch vụ. Con người thiếu ý thức, kỹ năng thì không thể mang lại chất lượng dịch vụ tốt... Nếu nhìn nhận một cách cầu thị thì chúng ta yếu kém về chất lượng trong hầu hết các mảng đó”, ông Nam nói.

Khi được hỏi về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạ tầng, chất lượng dịch vụ của sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất hạn chế, ông Lê Mạnh Hùng –- Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không VN cho rằng là do 2 nhà ga này quá tải nặng nề.

“Ông Nam cũng cho biết: "Cách đây hơn 6 năm, tôi đã cảnh báo khả năng sớm tắc 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất ở hai hạng mục ga hành khách và sân đậu tàu bay. Tình hình đã diễn ra đúng như thế. Các dịch vụ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thiếu quá nhiều".

Về yếu kém trong chất lượng dịch vụ, ông Nam nêu một thực tế dễ thấy là khi hành khách phàn nàn về việc độc quyền dịch vụ qua tô mì gói, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo quyết liệt - giá mì gói giảm xuống 20.000 đồng, thế nhưng rồi các quán dịch vụ tại sân bay lại bỏ mì gói bán bánh mì và phở.

Để nâng cao chất lượng phục vụ tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, ông Nam cho biết, với nhà ga T2 mới ở sân bay Nội Bài chuẩn bị đưa vào khai thác cuối năm nay, chất lượng dịch vụ ở sân bay Nội Bài chắc chắn sẽ được tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, sân bay Tân Sơn Nhất thì rất bế tắc. Bởi, tình trạng quá tải nhà ga, sân đậu đã rất nghiêm trọng. Không còn một diện tích trống nào để bổ sung thêm dịch vụ gì nữa.

“Sân bay Tân Sơn Nhất không bao giờ có thể sánh được về chất lượng dịch vụ với các sân bay nước ngoài bằng giải pháp "cơi nới" một công trình đã bị "trói" chặt về quỹ đất và vị trí địa lý ”- ông Nam nói.

Vũ Điệp