- Đề xuất xây dựng sân bay Long Thành gần đây trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, làm dấy lên nỗi lo ngại của công luận về nợ công của quốc gia, sự cần thiết và hiệu quả thực sự của dự án? Bài viết của tác giả Trần Hữu Minh gửi VietNamNet đưa ra một phản biện độc lập về dự án này.
Sân bay Long Thành thực sự cần thiết
Những nền kinh tế lớn thường cần những cảng hàng không tương xứng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua số hành khách thông qua thực tế tại một số sân bay như Hartsfield Jackson (Atlanta, Mỹ) với 92 triệu HK/năm, Bắc Kinh (Trung Quốc) hơn 80 triệu, Heathrow Airport (Anh Quốc): 72 triệu, Tokyo (Nhật Bản) 68 triệu, Paris Charles De Gaulle (Pháp) 62 triệu, Frankfurt (Đức) xấp xỉ 60 triệu, Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia) đều đã ở mức trên dưới 50 triệu hành khách/năm (số liệu 2013).
Lượng hàng khách thông qua cảng hàng không là một chỉ tiêu phản ánh khá chính xác tầm ảnh hưởng và sự năng động của nền kinh tế mỗi quốc gia.
Có thể thấy, các cảng hàng không lớn nhất đang nằm ở Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và những nền kinh tế đang đi lên mạnh mẽ như Malaysia, Thái Lan, Singapore.
Trong trường hợp Việt Nam, một quốc gia đang phát triển khá nhanh, với hơn 90 triệu dân (quy mô thứ 13 thế giới năm 2013), và một nền kinh tế năng động đang hướng tới giá trị gia tăng cao cả về dịch vụ và sản xuất, việc xây dựng một số sân bay lớn có năng lực đón tiếp từ vài chục đến thậm chí hơn trăm triệu hành khách/năm, đóng vai trò như một cửa ngõ giữa Việt Nam và thế giới, một trung tâm logistics, với lộ trình đầu tư phù hợp là điều không cần phải bàn cãi.
Việc các quốc gia trong khu vực đã có sân bay lớn không nên là nhân tố cản trở Việt Nam xây dựng sân bay Long Thành. Thực chất đây là một sân chơi cạnh tranh bình đẳng mà Việt Nam phải tham gia nếu muốn có được những giá trị gia tăng cao vì những ngành dịch vụ (du lịch…), chuỗi logistics tiếp cận các thị trường trên thế giới cần những trung tâm trung chuyển hàng không đủ lớn về quy mô và đủ tốt về chất lượng.
Thực tế cho thấy người Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ngang ngửa không những với các nước trong khu vực mà cả với các nước tiên tiến. Việc chỉ dưới 2 triệu người VN tại Mỹ có thể tạo ra tổng khối lượng GDP xấp xỉ 100 tỷ đô la là minh chứng cho điều này.
Xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết nhưng cần phải làm rõ mức chi phí đầu tư. |
Cần làm rõ chi phí hợp lý là bao nhiêu!
Dù Chính phủ Việt Nam đứng ra vay trực tiếp, phát hành trái phiếu, hay bảo lãnh cho các tổ chức tại Việt Nam đứng ra vay, người cuối cùng đứng ra trả là từng người dân Việt Nam vì mấy lý do sau:
Thứ nhất: Đây là một dự án đầu tư mà từng người dân Việt Nam đều góp phần tham gia (thông qua việc chính phủ đứng ra vay/bảo lãnh vay vốn). Nếu dự án thuận buồm xuôi gió, thì nền kinh tế được hưởng lợi, người dân được hưởng lợi. Nếu dự án không như kỳ vọng thì Chính phủ vẫn có trách nhiệm với các khoản vay của dự án này, lúc đó nguồn duy nhất để trả nợ sẽ lại là ngân sách do người dân đóng góp.
Thứ hai: Do yêu cầu đảm bản an ninh về tài chính/tiền tệ, lượng vốn mà chính phủ vay/huy động sẽ có hạn. Bởi vậy việc vay một cho một dự án này, cũng có nghĩa là người Việt Nam phải hy sinh một số dự án khác do không có vốn. Trong trường hợp sân bay Long Thành, chắc chắn hàng loạt các cơ hội khác phải dừng lại... những dự án này cũng đều phục vụ lợi ích dân sinh xã hội của toàn bộ người dân Việt Nam.
Rõ ràng dự án cảng hàng không Long Thành có ảnh hưởng đến từng người dân Việt Nam! Vấn đề quan trọng nhất trong dự án này là làm rõ chi phí xây dựng là bao nhiêu.
Kinh nghiệm thế giới
Vì cảng hàng không được xây dựng để phục vụ con người, nên một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá mức độ hợp lý về chi phí là chi phí xây dựng tính bình quân trên một hành khách.
Chi phí xây dựng bình quân một sân bay cỡ vừa trên thế giới vào khoảng 81 USD/hành khách [1].
Sân bay Suvarnabhumi(Thái Lan) chỉ có suất đầu tư khoảng 90 USD/hành khách.
Sân bay Changi của Singapore (thường xuyên được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới) – chỉ có mức đầu tư 101 USD/hành khách. [2] &[4]
Chi phí của cảng hàng không Long Thành
Theo số liệu công bố tại thời điểm hiện tại, chi phí xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I là 156 USD/hành khách (7.8 tỷ USD cho khoảng 50 triệu hành khách).
Suất đầu tư này tăng lên tới 180 USD/hành khách (18 tỷ USD cho 100 triệu hành khách giai đoạn III).
Như vậy có thể thấy chi phí xây dựng sân bay Long Thành đắt gấp đôi chi phí xây dựng sân bay bình quân trên thế giới. Tính cho giai đoạn III, nếu so với sân bay thuộc loại tốt nhất thế giới Changi tại Singapore, chi phí xây dựng sân bay Long Thành cao hơn tới 77%, và so với sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan, chi phí của ta cũng cao gấp 100%! Một sự khác biệt đến... kinh ngạc!.
Những nội dung cần làm rõ
Như đã phân tích ở trên, việc xây dựng những cảng hàng không có quy mô lớn hiện đại như Long Thành là điều chắc chắn cần làm. Tuy nhiên, dù là đi vay/huy động vốn, đây là dự án do người dân Việt Nam trả tiền/hy sinh cơ hội phát triển khác để đầu tư.
Hiện tại chi phí xây dựng sân bay Long Thành đang được đề xuất cao ở mức khác thường (đã tính đến trượt giá của đồng đô la Mỹ theo thời gian). Bởi vậy, nhà đầu tư có trách nhiệm làm rõ từng khoản mục chi phí và lợi ích để chứng minh các đề xuất là hợp lý. Người dân đang cần những câu trả lời rõ ràng và minh bạch cho vấn đề này.
Tại Việt Nam các công trình xây dựng lớn thường có hiện tượng đội vốn đầu tư do những trì hoãn trong giải phóng mặt bằng. Chúng ta đã có rất nhiều bài học với các dự án đường cao tốc và đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bởi vậy, đây cũng là một nhân tố cần phải được rút kinh nghiệm để đảm bảo hiện tượng đội vốn đầu tư không xảy ra với cảng hàng không Long Thành.
Trên thế giới chỉ có hai trường hợp là sân bay Kansai và Hongkong là có chi phí xây dựng lớn hơn 20 tỷ USD, do các yếu tố đặc biệt về vị trí địa lý/địa chất (Kansai) và các không chế về quỹ đất/giá đất rất đắt đỏ (Hông Kông)
Để xây dựng một sân bay tốt tương tự như Changi - Singapore (Sân bay tốt nhất thế giới), giai đoạn I cảng hàng không Long Thành chỉ cần số vốn tối đa 5 tỷ USD. Đến giai đoạn III, sân bay này chỉ cần 10 tỷ USD.
Để xây dựng một sân bay như Suvarnabhumicủa Thái Lan, người Việt Nam chỉ cần 4 tỷ USD (giai đoạn I) đến 9 tỷ USD (giai đoạn III).
Nói một cách khác, đây là dự áncần xây dựng, nhưng chi phí đầu tư cảng hàng không Long Thành phải được đưa về một mức hợp lý.
Trần Hữu Minh – Đại học GTVT
[1] Phân tích lợi ích chi phí của đầu tư hạ tầng cảng hàng không - Phương pháp tiếp cận thực tế. Tạp chí quốc tế về quản lý hàng không.Tác giả: José-Doramas Jorge Ngân hàng đầu tư Châu Âu, Ginés de Rus, Đại học Las Palmas, và học viện nghiên cứu giao thông của đại học Berkeley (2004)
[2]Tính toán trượt giá của đồng đô la Mỹ. Tập đoàn truyền thông Coinnews. http://www.usinflationcalculator.com/
[3] Lịch sử phát triển của sân bay Changi. Tập đoàn cảng hàng không Changi
[4] Suất đầu tư của sân bay Changi đã tính toàn bộ chi phí đầu tư của cả 5 terminal, các giai đoạn đầu tư nâng cấp khác nhau bao gồm:Giai đoạn 1: 1.5 tỷ USD năm 1981, với các nâng cấp vào những năm 1994, 1998, 2000 và 2008. Giai đoạn 2: 650 triệu USD, với các nâng cấp vào năm 1992 và 2003.Terminal 3 và terminal cho hàng không giá rẻ vào năm 2006/2008.Terminal 4 hiện tại và terminal 5 tương lai cũng được tính vào (với giả định suất đầu tư tương đương terminal 4).Toàn bộ các đầu tư trên được quy đổi về tỷ giá đô la Mỹ 2014.Suất đầu tư trên đều đã bao gồm đường sắt tốc độ cao kéo vào tận trung tâm sân bay/vào đến từng nhà ga.