HTML clipboard - Chủ mỏ thiếc Trần Đình Trúc cùng đồng bọn sau khi tra tấn tàn bạo nhiều công nhân của mình đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giữ. Thế nhưng, “đàn em” của y vẫn trắng trợn khai thác quặng thiếc tại vùng mỏ Thung Kẽn vốn từ lâu được coi là điểm nóng “quặng tặc” thuộc 2 huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp (Nghệ An).

Chủ mỏ tra tấn công nhân như 'thời trung cổ'
Sau khi bị một số công nhân tố cáo bị chủ "tra tấn như thời trung cổ", chủ mỏ thiếc Trần Đình Trúc ở huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) đã bị cơ quan điều tra tạm giữ để điều tra làm rõ.


Phóng viên VietNamNet đã có cuộc đột nhập địa điểm rửa quặng thiếc, cũng là nơi diễn ra vụ chủ mỏ đánh đập dã man 2 công nhân như ‘thời trung cổ’ và điểm khai thác quặng lậu tại 2 xã Văn Lợi và Tân Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).

Đây là tụ điểm ít có bóng người qua lại, rừng núi heo hút, chỉ có một con đường mòn độc đạo đi vào khu mỏ. Một cảm giác rờn rợn khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất có nhiều dân “xã hội đen” đang thống lĩnh tại các điểm mỏ.

Khe Hao nhuốm máu đời phu

Nắng tháng năm, hơi nóng bốc lên từ mặt đường như tát vào mặt. Chiếc xe máy cà tàng lầm lũi rú ga vượt những chặng đường dốc. Xe thoắt ẩn thoắt hiện trên con đường đất gồ ghề dưới đám bụi mịt mù.

Anh bạn đồng nghiệp đi cùng trấn an: “Cố gắng chạy vào điểm rửa quặng tại Khe Hao rồi nghỉ, chắc là công an bắt hết 'bọn đầu gấu' rồi. Chúng ta cứ yên tâm mà đi”.

Theo mô tả của anh Lữ Văn Tới, công nhân bị chủ mỏ hành hung dã man thì hố nước phía trước khu căn lều trên là nơi anh bị đánh đập rất tàn nhẫn.


Từ thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ vào đến dòng Khe Hao gần 30km, con đường đất phủ bụi mù trời. Chiếc xe máy cọc cạch lại như chạy nhanh hơn.

Dòng nước Khe Hao xuất hiện phía trước, điểm rửa quặng tại đây vẫn công khai hoạt động như chưa có chuyện gì vừa xảy ra.

Cách đây mấy hôm, chủ mỏ Trần Đình Trúc khai thác quặng tại Khe Hao cùng đồng bọn đánh đập nhiều công nhân dã man đã bị công an bắt giữ.

Toàn bộ lều lán, phương tiên máy móc khai thác quặng đã được Công an huyện Tân Kỳ tịch thu để điều tra.



Nhóm công nhân 5 người đang tổ chức dựng lều lán, đưa trang thiết bị máy móc trở lại điểm vừa bị Công an huyện Tân Kỳ tịch thu máy móc cách đây mấy ngày trước.
 

Dòng nước đỏ ngòm, đục ngầu như đang oằn mình giữa núi rừng chịu đựng vì hàng trăm ngàn khối đất đá của đội quân ‘quặng tặc’ chuyển về đây tập kết, đãi lấy quặng thiếc.

Tưởng rằng, sau vụ tra tấn công nhân như thời trung cổ thì mỏ đã phải ngừng hoạt động, nhưng không phải vậy. Máy móc, vòi phun nước, đường dây điện bọc vẫn được kéo vào để tiếp tục công việc đãi quặng trên dòng Khe Hao. Bên cạnh những chiếc lán vừa bị tháo dỡ, gần đó có 2 đến 3 chiếc lán phủ bạt màu xanh vừa được mọc lên.

Đột nhập vào điểm mỏ khai thác quặng lậu của “đàn em” được cho là của chủ mỏ Trần Đình Trúc, nơi giáp ranh 2 huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp
 

Theo những thông tin chúng tôi có được, một cân quặng thiếc bán tại mỏ có giá lên đến từ 200.000 - 280.000 đồng. Tại bãi bến của chủ mỏ hành hung công nhân dã man, bình quân mỗi ngày làm 2 ca sẽ thu được từ 40 đến 50 kg.

Chúng tôi gặp trong lều phủ bạt màu xanh có 4 đến 5 thanh niên tóc vàng hoe, quần áo xộc xệch, người nhuộm đỏ cả màu đất vì đãi quặng.

Nơi đây, nhiều công nhân đã phải đổ máu vì nghi ngờ trộm quặng, bị chủ mỏ đánh đập không thương tiếc. Chợt nhớ tới lời anh Lữ Văn Tới - công nhân bị đánh: “Phía trước lán có hồ nước rửa quặng thiếc, bọn chúng đánh tôi chảy hộc máu rồi ném xuống hồ để tỉnh lại”. 

Trong khi nhóm công nhân đang tất bật chuẩn bị đồ nghề, máy móc để bóc tách lấy quặng thiếc trên dòng Khe Hao, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đột nhập vào Thung Kẽn, một 'điểm nóng' khác.

Xâm nhập điểm nóng quặng tặc

Từ dòng Khe Hao đi vào đến tận điểm mỏ đang khai thác tại Thung Kẽn, một bên là xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ và một bên là xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp kéo dài hơn gần 15km. Đường đi gập ghềnh ổ gà, ổ voi, vòng quanh các chân núi đầy trắc ẩn.

Thông tin cho hay, ở Thung Kẽn luôn có dân “xã hội đen” đang canh chừng tại các mỏ.

Một tên chủ mỏ quặng lậu kéo áo lên và đe doạ: “Chụp đ. chi mà chụp. Mau biến khỏi đây ngay”. (Ảnh: Đ.L)

 

Trời trưa đứng bóng. Người thấm mệt vì một chặng đường dài đầy những con dốc, khúc cua khuỷu tay.

Trong số mấy chiếc lều tấp bạt, chúng tôi chọn chiếc lều màu vàng nằm sát bên một mỏ đang được xới tung đất đá còn mới toanh.

Vừa bước vào, một thanh niên lực lưỡng, tóc cắt cua chặn ngay trước cổng lều, hỏi: “Đi đâu? Các anh đến đây làm gì?”. “Chúng tôi là cán bộ môi trường đi kiểm tra, xác định ranh giới của các khu mỏ. Nhìn thấy dưới sông nước ô nhiễm, nên tìm đến kiểm tra”.

Nghe thế, tay đầu đinh phân bua: “Các anh ở dưới tỉnh lên ạ? Có thật là cán bộ môi trường không?”.

Một nhóm phụ nữ làm thuê cho mỏ quặng thiếc đang trong giờ nghỉ ăn trưa.
 

Cuộc trao đổi diễn ra khoảng 5 phút, không khí trong lán trở “nóng” như lửa đốt khi một tên đầu cua tỏ ra nghi ngờ: “Nhìn chúng mày giống nhà báo lắm. Không có việc gì thì biến đi”.

'2 cán bộ môi trường' bước vội ra khỏi lều và không quên đưa máy ảnh ra chụp thì có 1 tên bước theo, kéo áo lên ngực đứng chống nạnh trước cửa nói vội: “Chụp đ... chi mà chụp. Mau biến khỏi đây ngay”.

Rời căn lều với chiếc bạt màu vàng với những câu hỏi đầy nghi vấn của các “đại ca” chủ mỏ thiếc lậu, chúng tôi sang một ngôi nhà tranh, nơi có nhóm phu nữ quặng thiếc đang ngồi nghỉ và ăn cơm trưa.

Hỏi chuyện, những người phụ nữ trên cho biết họ đều là công nhân làm quặng thuê cho chủ mỏ. Bình quân mỗi ngày công được từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

Rời vùng điểm nóng khai thác quặng lậu “đậm chất xã hội đen”, đem câu chuyện vừa mới đột nhập vùng mỏ Thung Ken nói với ông Nguyễn Văn Thanh - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ, ông Thanh nói:

“Các anh liều quá. Vùng này rất nhạy cảm, nơi giáp ranh vùng mỏ giữa 2 huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp. Chúng tôi giờ mà vào thì phải có công an mang súng ống đi theo, chứ không dám đi một mình đâu. Vùng này từng xảy ra hỗn chiến, tranh chấp giữa các nhóm khai thác quặng. Bây giờ vào đó họ đánh chết mình thì cũng chưa chắc đã ai biết được...”.

Câu nói của ông Phó phòng cũng khiến chúng tôi ít nhiều lạnh người...

Còn ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp lại cho biết: “Sáng nay tôi đi qua điểm rửa quặng của chủ mỏ Trần Đình Trúc vẫn tiếp tục có công nhân chuyển máy móc vào để hoạt động tiếp. Những người này lì lắm, chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề này với công an và huyện Tân Kỳ để tiếp tục xử lý”.

  • Quốc Huy