Cặp song sinh và cuộc chiến sinh tử
Người phụ nữ lảo đảo, quỳ sụp xuống trước chiếc miếu nhỏ ngay cạnh Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tay chắp trước ngực, mắt nhắm nghiền, vừa khóc vừa cầu nguyện.
Đến giờ phút này, chị biết chỉ có thể là phép
màu, hay sức mạnh vô hình may ra mới cứu được 2 con mình, 2 đứa con mà suốt bao
năm cố gắng vợ chồng chị mới có được.
Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương, ngụ tại tỉnh Lâm Đồng cưới nhau đã 7 năm mà
không có con. Chạy thầy chạy thuốc nhiều nơi nhưng vẫn chưa hiệu quả, ở cái tuổi
35 chị thấy trống trải khi trong nhà thiếu tiếng cười con trẻ cũng như vô cùng
trăn trở bởi sự ngóng trông, kỳ vọng của cha mẹ hai bên gia đình.
Vợ chồng chị Hương quyết định đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM làm thụ tinh ống nghiệm.
Nhiều gia đình có con sinh non được cứu chữa thành công gửi ảnh các bé để chia sẻ niềm vui với bác sĩ. |
Một mặt anh chị nhất nhất tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, một mặt ăn chay, niệm Phật, cố gắng làm thật nhiều điều thiện với hy vọng làm cảm động đến ông trời để “xin” một mụn con.
Dường như tấm lòng của đôi vợ chồng hiếm muộn đã
thấu tới trời xanh, niềm vui nhân đôi là lúc bác sĩ báo tin chị Hương đã đậu
được cặp song sinh một trai, một gái.
Từ ngày có thai, không chỉ chị Hương mà gia đình hai họ và bạn bè thân hữu vô
cùng phấn khởi. Anh Tuấn chồng chị hễ đi làm xong là chạy ngay về nhà chăm sóc
vợ. “Đến lúc con biết đạp chúng tôi sung sướng lắm. Ngày nào hai vợ chồng cũng
dõi theo từng cử động của con” – chị Hương kể.
Mang thai ở tuần thứ 27 (tương đương với 6,5 tháng), chị Hương nín thở vì biết
ngày con cất tiếng khóc chào đời không còn quá xa. Chị cùng chồng đi mua sắm đồ
đạc cho con, chọn cho con trai áo màu xanh, con gái thì áo màu hồng…
Ngờ đâu, một buổi tối chị thấy bụng xuất hiện
những cơn co. Ban đầu thưa rồi sau đó mau dần.
Biết có sự chẳng lành, ngay lập tức vợ chồng chị kêu taxi đến bệnh viện địa
phương cấp cứu. “Nghe cô bác sĩ vừa khám đã kêu lên, chết rồi ra máu, mở 4 phân,
sắp sinh non rồi thì tôi lạnh cả người, chân tay run bắn. Tôi hoảng loạn cầu xin
bác sĩ hãy can thiệp để giữ lại con” – chị Hương hồi tưởng lại.
Chị được tiêm, truyền thuốc và làm những biện pháp tốt nhất hòng giữ lại hai đứa
trẻ ở lâu thêm trong bụng mẹ. “Trời ơi! Không ai có thể hiểu được cảm giác của
tôi khi mọi biện pháp can thiệp tỏ ra không hiệu quả. Tôi cố ghìm cơn co, hai
tay ôm bụng nhằm giữ lại con trong vô vọng. Hai đưa trẻ tuột khỏi cơ thể mẹ. Tôi
thấy người nhẹ bẫng” – chị tiếp tục kể.
Hai con chị vẫn sống, nhưng yếu lắm. Bé gái nặng có 900 gram, bé trai khá hơn,
được 1100 gram. Các bác sĩ giấu không dám để chị Hương gặp con vì sợ mới sinh
xong sẽ bị sốc. Còn nước còn tát, anh Tuấn và một người họ hàng đi theo xe cấp
cứu đưa hai bé xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Giọng anh Tuấn run run: “Hai con tôi yếu lắm, vừa đi phải vừa bóp bóng thở bằng
tay cho các cháu. Suốt quãng đường chuyển viện xa như thế tôi chỉ dán mắt theo
dõi con, sợ các cháu rời bỏ tôi. Tôi nhắn nhủ trong lòng rằng các con hãy cố
lên, đừng chịu thua số phận”.
Hai bé được nhập Viện Nhi Đồng 1 mới được hơn 1 tuần thì chị Hương sốt ruột,
kiên quyết chạy xuống với con. Lòng hai anh chị như bị cứa nhiều nhát dao khi
nghe tiên đoán rằng có khả năng chỉ cứu được bé trai, bé gái yếu quá sợ không
qua khỏi.
Ngày nào chị cũng ra quỳ rạp ở chiếc miếu nhỏ
ngay bên hông khoa Hồi sức sơ sinh, cầu mong sức mạnh siêu nhiên cứu giúp con
mình.
Gần 2 tháng sau, sức khỏe hai bé khá hơn, không cần phải nằm phòng chăm sóc đặc
biệt nữa. Hai vợ chồng chị Hương đang khấp khởi chuẩn bị đón con về nhà thì lại
bị một phen hú vía.
“Sáng sớm hôm đó tự dưng một bà mẹ đang chăm con
nằm cùng phòng bảo sao con gái của tôi tái ngắt thế kia. Tôi sợ quá ôm con chạy
đi tìm bác sĩ. Ôi, tôi cảm nhận được cháu nhẹ bẫng, chân tay thả lỏng. Ngay sau
đó cháu được cấp cứu và nằm thở máy hết 1 tuần”.
Nhiều phen tưởng như đã mất con, nhưng họ đã không đầu hàng số phận. Và may mắn
và hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình anh chị.
Câu chuyện đó xảy ra vào năm 2008. Sau bao thăng trầm, hiện nay hai chị em bé Bo
và Bi đã được 3 tuổi. Hai bé rất hiếu động và khỏe mạnh.
Nhiều bé sinh non đang sống tốt
Những trường hợp sinh non hy hữu được cứu và phát triển tốt cũng không hề ít.
Thạc sĩ - bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi
Đồng 1 cho biết, có những em bé khi sinh mới chỉ được 26 đến 27 tuần tuổi, nặng
từ 900 gram được cứu và đang sống tốt.
Niềm hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt cặp vợ chồng khi đứa con sinh non được mạnh khỏe. |
Nhiều gia đình vẫn thường xuyên gửi các thông tin và hình ảnh của bé về khoa để chia sẻ niềm vui cùng bác sĩ. Chẳng hạn như con của bà Tô Thị D., quê Ninh Thuận, sinh năm 2005, sinh non lúc 27 tuần, nặng 1000 gram hiện đã 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Hoặc cháu H. A., sinh lúc 28 tuần ngày 13/6/2005, nặng 1000 gram, nay cháu đã được 4 tuổi, nặng 20 kg, cao 1,05m và đang đi học mẫu giáo…
Hằng năm, khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 1000 ca sinh non, trong đó khoảng 60 ca nặng dưới 1 kg. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phượng không phải ca sinh non nào cũng may mắn cứu được và phát triển bình thường. Chi phí điều trị trung bình cho một ca sinh non từ 40 đến 50 triệu đồng, thời gian nằm viện khoảng 2 tháng.
Trẻ sinh non sẽ được điều trị hô hấp và dinh dưỡng, phòng ngừa nghiễm trùng. Khi sinh non các bé rất dễ bị vàng da, bị bệnh lý về võng mạc, xuất huyết não, rối loạn dung nạp sữa…
“Đối với một em bé sinh non phải theo dõi về lâu dài. Sau khi xuất viện các bé phải tái khám 3 tháng/lần. Những em bé sinh non may mắn nhất có thể chỉ bị giảm thị lực nhẹ, hơi chậm phát triển về ngôn ngữ, vận động. Với trường hợp này có thể điều trị phục hồi” – bác sĩ Phượng nói.
Thanh Huyền
(*), Tên nhân vật đã được thay đổi.