“Là con người sợ cái gì đó là chuyện bình thường nhưng sợ một cách thái quá đến mức ám ảnh thì chẳng những gây khổ sở, nguy hại cho bản thân mà còn khiến mọi người xung quanh bị phiền phức” – Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM nói.

Ám ảnh sợ vì từng bị sốc

Làm giám đốc của một doanh nghiệp thương mại nên việc đi máy bay đối với chị Đinh Thúy K., ngụ tại quận 10, TP.HCM bình thường như cơm bữa.

Thế nhưng, chỉ sau lần máy bay bị trục trặc kỹ thuật phải hạ cánh khẩn cấp ở một sân bay địa phương đã làm chị K. mắc bệnh…sợ.

“Từ đó, mỗi lần đi máy bay đối với tôi như cực hình tra tấn. Vì đặc thù công việc nên tôi không thể lựa chọn loại phương tiện khác bởi rất mất thời gian. Từ khi đặt vé máy bay tôi đã có trong đầu suy nghĩ lần này chắc mình chết rồi. Đến lúc bước lên máy bay là tôi ngồi im re, không dám ăn uống cũng như xem chương trình giải trí trên ti vi, mắt nhắm chặt. Hai tay tôi toát mồ hôi, tim đập nhanh. Tôi chẳng thèm quan tâm mọi người đang nhìn mình tò mò. Máy bay chỉ cần điều chỉnh độ cao hoặc hơi sóc một chút là tôi như muốn xỉu” – chị K. kể.

Sợ quá thành ám ảnh cần được bác sĩ tư vấn và điều trị. (Ảnh minh họa).

Có lần chị K. đi máy bay cùng chồng, vì sợ quá mà bấu chặt vào tay ông xã. Đến khi máy bay hạ cánh thì cổ tay của chồng chị bị đỏ bầm.

Dù chồng chị nhiều lần giải thích, động viên để vợ không sợ hãi khi đi máy bay nhưng không có kết quả. Ông xã chị K. nói đùa: “Khổ lắm, chắc mỗi lần trước khi đi máy bay tôi phải cho bà ấy uống thuốc ngủ để khỏi…sợ!”.

Tương tự trường hợp của chị K., anh T., 41 tuổi, quê Long An từng bị tai nạn xe khách. May mắn trong chuyến xe đó không ai thiệt mạng, chỉ vài người bị thương. Chuyện xảy ra đã 5 năm nhưng anh T. vẫn chưa thể nào quên được.

“Từ đó tôi mắc chứng sợ đi ô tô. Tôi sợ lắm! khi trên xe tất cả mọi người đều đã ngủ còn tôi vẫn ráng thức dù rất mệt. Có những lần mắc công chuyện phải đi xe khách từ TP.HCM lên Đà Lạt là tôi thức trắng cả đêm. Mỗi khi xe leo đèo là tim tôi như rớt ra khỏi lồng ngực. Tôi cảm thấy chuyện đi ô tô dường như quá sức chịu đựng của mình, nó làm thần kinh tôi căng thẳng và mệt mỏi” - anh T. chia sẻ.

Sợ quá làm khổ mình, khổ người


Trong quãng thời gian gắn bó với công tác điều trị tâm lý, tâm thần, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân có những nỗi sợ hết sức…ngô nghê và kỳ quặc. Có người sợ vi trùng, tối ngày đi tắm và rửa tay, người lại sợ ma, người sợ mắc bệnh dại (sau khi bị chó liếm chân về thì ám ảnh), người sợ bị ăn trộm (đi đâu cũng lo ngay ngáy, phải quay về để kiểm tra khóa cửa)…

Đặc biệt, có một bệnh nhân mắc bệnh sợ…người khác bỏ đồ bẩn hay côn trùng vào đồ lót của mình. Sau khi có người lạ đến chơi, cô bệnh nhân này thường lục tung hết đồ lót để…kiểm tra…

Anh Trần Văn A., giảng viên đại học, có vợ mắc chứng sợ kỳ lạ: “Tôi chẳng hiểu tại sao tự nhiên cô ấy lại luôn sợ…cháy nhà. Mỗi lần đi đâu là cô ấy liên tục gọi điện thoại về hỏi tôi đã tắt bếp ga, cắt cầu giao chưa. Nhiều khi vợ chồng con cái mua vé đi xem phim. Ra khỏi nhà rồi cô ấy lại nằng nặc đòi quay về vì…hình như quên chưa tắt bếp. Tôi thấy cứ như vậy mệt mỏi quá, chẳng biết có chịu nổi nữa không!”.

Theo bác sĩ Quang, những trường hợp nêu trên mắc chứng rối loạn ám ảnh sợ. Sợ là bình thường, nhưng sợ quá thì là bệnh lý. Thông thường, những người mắc bệnh này biết mình sợ như thế là vô lý nhưng không cách nào kìm chế được. Sợ độ cao, sợ máy bay, ô tô thường do bị sốc. Từ đó cơ thể hình thành một phản xạ có điều kiện, hễ cứ leo cao hoặc đi máy bay, ô tô thì có cảm giác…sợ.

Những người mắc triệu chứng như trên nếu không được điều trị tâm lý, tư vấn kịp thời sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp… Thông thường, đối với những bệnh nhân này bác sĩ sẽ cho dùng thuốc chống trầm cảm kết hợp với liệu pháp hành vi và nhận thức. Điều trị chứng ám ảnh sợ phải rất kiên trì.

“Điều lo ngại nhất ở đây là khả năng bệnh nhân bị mắc chứng chuyển di, tức là hết sợ cái này lại chuyển sang sợ cái khác. Không chỉ bản thân người bệnh cảm thấy khổ sở mà những người thân sống cùng cũng rất mệt mỏi” - Bác sĩ Quang nói.

Bác sĩ Quang khuyên: “Khi cảm thấy sợ quá bạn hãy tập thư giãn, thả lỏng, cố gắng thở đều và hướng suy nghĩ của mình đến việc khác”.

Thanh Huyền