- Từ Guinea về sân bay Đà Nẵng, bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đã có hành trình qua 3 sân bay quốc tế. Tuy nhiên, việc kiểm dịch tại các cửa khẩu sân bay này đã bộc lộ nhiều kẽ hở...

Hai khả năng khiến người nghi nhiễm Ebola 'lọt lưới' máy đo

Sở Y tế TP.HCM cho rằng tình huống ca nghi nhiễm Ebola “lọt lưới” máy đo đã được ngành y tế lường trước.

Sau khi có kết quả chứng minh bệnh nhân C. (Thanh Hóa, nhập cảnh vào Đà Nẵng ngày 1/11) không bị Ebola, BS Nguyễn Hùng Chiến - GS Sở Y tế Đà Nẵng nói rằng, mặc dù dịch Ebola chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng không có nghĩa là virut mang nỗi ám ảnh chết người này không lây lan ra cộng đồng, nếu như công tác kiểm dịch ban đầu ở các cửa khẩu bị bỏ lọt và chúng ta lơ là mất cảnh giác.

"Vì vậy, tôi đề nghị xem trường hợp sốt bất thường của bệnh nhân C. vừa trở về từ vùng dịch Ebola là trường hợp nhiễm Ebola để xử lý" - người đứng đầu ngành y tế Đà Nẵng nói.

Hơn 1 ngày sau lệnh điều trị cách ly với bệnh nhân C. được dỡ bỏ, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc để nghe kể về hành trình trở về của anh C. khi vượt qua 3 cửa khẩu sân bay Quốc tế.

Anh C. kể: "Cách đây 2 năm, tôi sang Guinea (thuộc châu Phi) làm việc. Hồi mới qua tôi thường xuyên bị sốt. Mỗi lần cảm sốt chỉ uống thuốc.

Thời gian gần đây dịch Ebola bùng phát cách nơi tôi làm việc khoảng hơn 300 km. Vì lo sợ nhiễm bệnh nên đến ngày 27/10 tôi quyết định về nước".

{keywords}
Bệnh nhân C.

Hành trình trở về của anh C. không kém gian nan, vất vả. Từ Guinea, anh bay quá cảnh sang sân bay quốc tế Ma-rốc và Qatar, đến 31/10 mới về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

“Trước khi trở về tôi bị sốt nhẹ và uống thuốc hạ sốt. Mỗi lần làm thủ tục qua cửa khẩu sân bay đều làm thủ tục khai báo hải quan và đi qua máy soi thân nhiệt. Tất cả các may soi đều không phát hiện tôi bị sốt nên cho qua”-anh C kể.

Khi từ Guinea đến Ma-rốc và quá cảnh ở sân bay Casablanca, anh C. nằm chờ hơn 2 ngày 2 đêm vì bị trễ chuyến.

“Lúc ở sân bay quốc tế Casablanca, tôi thấy người mệt mỏi, sốt nhẹ nên lấy thuốc đau đầu, hạ sốt uống liên tục nên đã đỡ. Khi qua máy soi tại sân bay Casablanca cũng như quá cảnh ở sân bay quốc tế Doha (Quatar), máy soi vẫn không thể phát hiện tôi bị sốt” - anh C. kể.

Về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 31/10, anh C. cảm thấy khỏe nên không khai báo gì ngoài khai vào tờ khai y tế. Vả lại, trong hộ chiếu cũng ghi rõ các nơi anh đã dừng chân.

Anh C. kể tiếp: “Khi qua cửa khẩu Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất tôi nối chuyến bay về Đà Nẵng thăm bạn bè và ở lại. Tại sân bay Đà Nẵng, tôi đi qua đường nội địa bình thường vì không có máy soi. Ra cửa chỉ cần xuất trình chứng minh thư là xong”.

Khi đến Đà Nẵng, anh C. ở lại qua đên tại khách sạn trên đường Lê Đình Dương và đi chơi với bạn bè. Nhưng đến sáng 1/11, anh C. sốt cao, đau đầu dữ dội nên nhập BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng).

“Khi nhập viện bác sĩ điều trị làm các xét nghiệm và có hỏi tôi từ đâu đến và tôi bảo là mới về từ Guinea (thuộc châu Phi). Lúc đó bác sĩ điều trị mới nghi tôi nhiễm Ebola và yêu cầu chuyển nhanh qua bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng lúc 10 giờ sáng cũng ngày và tôi bắt đầu được điều trị cách ly” - anh C. kể.

BS Lê Thành Quyền (Bệnh viện Hoàn Mỹ), người tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân C. kể lại rằng, đến bây giờ anh mới thở phào nhẹ nhõm và bảo rằng những cẩn thận trong quá trình điều trị cho bệnh nhân như điều tra dịch tễ học là vô cùng cần thiết.

Nếu bỏ qua khâu này rất nguy hiểm. Đây là bài học cho tất cả bác sĩ tham gia điều trị cho bệnh nhân.

“Thấy kết quả xét nghiệm bệnh nhân C. bất thường nên tui gặp người thân của bệnh nhân để điều tra dịch tễ học như bệnh nhân C. ở đâu? Làm gì? Bởi khi nhập viện không hề khai báo. Đến khi người bạn của anh C. khai là mới từ Guinea nơi bùng phát dịch Ebola về lập tức chúng tôi báo cáo lãnh đạo và triển khai các biện pháp cần thiết ban đầu” - BS Quyền kể.

BS Phạm Văn Hưng - Phó trưởng khoa phụ trách kiểm dịch Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế (sân bay Đà Nẵng) cho biết anh C. đến sân bay Đà Nẵng bằng đường nội địa nên không có máy đo thân nhiệt từ xa và không phát hiện được.

“Nếu bệnh nhân C. bị nhiễm Ebola thật sự thì vấn đề thuộc trách nhiệm của lực lượng kiểm soát dịch tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất! Nếu máy soi chiếu không phát hiện thì khi làm thủ tục, làm tờ khai y tế những trường hợp trở về từ vùng dịch Ebola cơ quan chức năng tại cửa khẩu phải có trách nhiệm thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Sau đó ngành y tế sẽ thông báo cho các địa phương nơi người đó di chuyển đến để có biện pháp theo dõi, xử lý” - Bs Hưng cho biết.

Có thể nói, qua trường hợp của bệnh nhân C. bị nghi nhiễm Ebola tại Đà Nẵng vừa qua đã cho thấy việc kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu Quốc tế còn quá lỏng lẻo.

Vũ Trung