- Được giao một khu rừng rộng hơn 1.300 ha để phát triển du lịch sinh thái, tuy nhiên, chủ rừng buông lỏng quản lý để lâm tặc tự do “đại náo” nhiều năm nay. Cả khu rừng sinh thái giờ tan hoang, xơ xác. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chủ rừng đang bán rừng?
Lãnh địa của lâm tặc?
Năm 2005, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk hơn 1.300ha đất rừng (thuộc địa bàn xã Krông Na, Buôn Đôn) để làm khu du lịch sinh thái với mục đích quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường thiên nhiên, gắn kết với dịch vụ du lịch sinh thái văn hóa.
Cây gỗ quý vết cắt còn mới |
Một ngày đầu tháng 11, theo sự dẫn đường của một “thổ địa” tên V. tại Buôn Đôn, chúng tôi đã có cuộc lội rừng để tận mắt kiểm chứng cảnh hoang tàn của khu rừng sinh thái này.
Từ cổng chính vào trung tâm khu du lịch không một bóng người, cây cỏ mọc um tùm quanh các khu nhà, hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, cảnh vật như bị bỏ hoang từ lâu. Men theo những con đường lát chạy vòng quanh để du khách tham quan khu rừng sinh thái, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhiều cây gỗ quý đường kính khoảng 40cm bị đốn hạ sát đường đi.
Tiếp tục rẽ theo các lối mòn, tiến sâu vào rừng, là cảnh hàng chục cây căm xe, giáng hương, lim xẹt...bị lâm tặc đốn hạ ngổn ngang. Nhiều cây bị lâm tặc đốn hạ từ lâu, những phần nạc nhất đã bị lâm tặc cắt mang đi chỉ còn trơ lại lá cành nằm chỏng chơ.
Một cây gỗ quý mới bị cắt hạ và bị lâm tặc lấy đi phận nạc nhất |
Cây lim dẹt đường kính gốc hơn 1m bị lâm tặc cắt hạ gần sát đường thăm quan |
Đang mải mê đếm các gốc cây rừng bị đốn hạ, “thổ địa” chỉ tay kêu chúng tôi tiến vào một vạt rừng đổ dạt. Theo “thổ địa” đây là cây lim dẹt đường kính khoảng 1,2m mới bị chặt hạ cách khoảng 10 ngày trước. Trên gốc cây, vết cắt còn mới nguyên và được đánh dấu “BV ĐKT 10/10 (Bảo vệ đã kiểm tra, ngày 10/10 – PV).
“Sau khi hạ cây, lâm tặc thường sử dụng cưa máy để cắt gỗ thành từng khúc dài khoảng 1 – 1.5m để thuận tiện chở bằng xe máy. Những cây gỗ quý lớn như thế này, chúng sẽ thành hộp vuông vắn rồi mới mang ra” – “thổ địa” vừa nói, vừa chỉ tay về đống bìa vây quanh gốc để chứng minh.
Chủ rừng bán rừng?
Sau một buổi lội rừng mệt nhoài, “thổ địa” tiết lộ, để vào được khu sinh thái chỉ có 1 con đường duy nhất đó là đi qua cổng chính. Tại cổng này, lực lượng bảo túc trực ngày đêm, như vậy, nếu không có sự “tiếp tay” của chủ rừng thì lâm tặc khó có thể khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng dễ dàng như vậy.
Một khúc gỗ quý lâm tặc cắt nhưng chưa kịp mang ra khỏi rừng |
Cây gỗ quý lâm tặc cắt hạ nhưng bỏ lại hiện trường vì bị sâu, bộng |
Bên cạnh đó, qua lội rừng, có thể thấy nhiều cây gỗ bị cưa hạ ngay sát đường chính, thậm chí cạnh chốt quản lý bảo vệ của đơn vị chủ rừng. Với những cây gỗ khổng lồ, lâm tặc buộc phải dùng phương tiện cơ giới như xe độ chế, cưa lốc để cắt hạ, vận chuyển gây ra tiếng động lớn, nhưng dường như chủ rừng không hay, không biết (!?)
Về hiện trạng Khu rừng sinh thái Bản Đôn bị lâm tặc “oanh tạc” tan nát, ông Y Thông Niê K’đăm - Chủ tịch UBND xã Krông Na thống kê, từ năm 2011 đến nay, các cây gỗ lớn, có giá trị đường kính từ 50 đến 60cm gần như đã bị lâm tặc chặt hạ hết.
Về nguyên nhân, theo ông Y Thông do việc kinh doanh du lịch bết bát, chủ rừng buông lỏng quản lý, bỏ mặc rừng cho lâm tặc tự do khai thác. Cũng theo ông Y Thông, chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, tại khu rừng này, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 13 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, có một vụ lực lượng liên ngành đã phát hiện 1 bãi tập kết gỗ lậu ngay tại bìa rừng sinh thái, thu giữ tang vật gồm 60 khúc gỗ tròn (độ dài bình quân 4m, tổng khối lượng 10m3) chủ yếu là gỗ quý như chiu liu, cẩm, căm xe, cà chít…
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng xác định đã có 221 cây rừng bị đốn hạ, trong đó có 138 cây đã bị lâm tặc lấy mất phần “nạc” nhất, phần còn sót lại thu giữ được hơn 47m3 gỗ các loại.
“Theo quy định, chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng được tỉnh giao. Nếu có xảy ra vụ việc nghiêm trọng, chủ rừng phải báo lên các cơ quan chức năng phối hợp để xử lý. Thế nhưng, ở đây chủ rừng lại bỏ mặc rừng cho lâm tặc hoành hành, khi địa phương phát hiện thì rừng đã bị mất quá nhiều” – ông Y Thông cho biết.
Để ra vào khu sinh thái Bản Đôn, chỉ có một con đường duy nhất là qua cổng kiểm soát này nhưng không hiểu sao lâm tặc vẫn vận chuyển gỗ ra khỏi rừng mà không bị phát hiện (?) |
Để bảo vệ khu rừng sinh thái, theo ông Khang, trước mắt lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ban ngành của huyện cắt cử người canh giữ, bảo vệ ngày đêm. Sau đó, sẽ tham mưu lên UBND huyện để huyện kiến nghị lên UBND tỉnh xem xét, đánh giá lại năng lực của đơn vị chủ rừng, nếu hoạt động không hiệu quả thì thu hồi diện tích này và giao cho đơn vị khác quản lý.
Việc Khu rừng sinh thái Bản Đôn bị lâm tặc triệt hạ đã lâu, truyền thông báo chí nhiều lần phản ánh và ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã biết. Tuy nhiên việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng vẫn hết sức chậm trễ, hời hợt. Nếu tỉnh Đắk Lắk không có giải pháp xử lý triệt để, mạnh tay, tin chắc trong tương lai, khu rừng này sẽ thành... “rừng trắng” trước mũi cưa của lâm tặc.
Trùng Dương