- Trung úy Đinh Văn Dương – người duy nhất còn sống sót sau tai nạn máy bay Mi171 rơi ở Hòa Lạc vào ngày 7/7 vừa qua – hiện đã tỉnh táo, cai máy thở, ăn uống tốt. Có lẽ chỉ có thể là “phép màu” mới giúp anh giành giật được sự sống từ bàn tay của thần chết.

Người duy nhất sống sót vụ trực thăng rơi đã nói chuyện

Trung úy Đinh Văn Dương – người duy nhất còn sống sót trong vụ rơi trực thăng Mi171 tại Hòa Lạc ngày 7/7 vừa qua – đã tỉnh táo, thoát cơn nguy kịch, có thể nói chuyện được.

120 ngày điều trị, 105 ngày hôn mê

BS Lê Quang Thảo, khoa Hồi sức cấp cứu – Viện bỏng Quốc gia – là người trực tiếp điều trị cho thượng úy Đinh Văn Dương.

BS Thảo còn nhớ ngày anh Dương được đưa vào viện trong tình trạng đa chấn thương, bỏng nặng (độ 4-5) tới 60% diện tích cơ thể, kết hợp bỏng hô hấp, hội chứng sóng nổ gây tổn thương vi thể nặng nề.

{keywords}

Trên giường bệnh, anh đã tỉnh táo, có thể nói chuyện rõ ràng, mắt nhìn tốt, tinh thần ổn định (Ảnh: Cẩm Quyên)

2 ngày đầu điều trị, thượng úy Đinh Văn Dương đã ngừng tim 2 lần trong tình trạng sốc nhiệt nặng, huyết áp tụt.

Nhờ điều trị kịp thời nên bệnh nhân vượt qua giai đoạn này song giai đoạn sau còn nặng nề hơn nhiều vì phải đối mặt với nhiễm khuẩn nhiễm độc, bệnh nhân luôn trong tình trạng nhiễm trùng, nhiều lần sốc nhiễm trùng.

BS Thảo cho biết ngày nặng nhất, nguy hiểm nhất là 22/9 (ngày điều trị thứ 77). Lúc này anh Dương xuất hiện chảy máu đường thở, sau đó rơi vào suy đa tạng (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, cơ quan tạo máu). Các bác sỹ cũng như gia đình rất căng thẳng, lo lắng.

Cố gắng huy động toàn bộ nhân lực, vật lực, kể cả những thuốc và vật tư hiện đại nhất Việt Nam chưa có, Bộ Quốc phòng phải đặt mua từ nước ngoài, nên sau 3 tuần “chiến đấu”, anh Dương đã vượt qua giai đoạn suy đa tạng nguy hiểm và đến ngày thứ 105 thì được cắt thuốc an thần, tỉnh táo trở lại.

“Lúc tỉnh lại, vết thương bỏng đã được che phủ cơ bản, cơ thể trở về bình thường. Điều đặc biệt là bệnh nhân nhớ hết các sự việc xảy ra với mình, và các đồng đội, biết mình đã được đưa lên Sơn Tây cấp cứu thế nào, …” – BS Thảo nói.

Tại thời điểm này, anh Dương tiếp tục được nằm trong phòng vô khuẩn để đảm bảo an toàn, điều trị phục hồi, tập vận động, tăng dinh dưỡng để tăng đề kháng. Anh Dương còn đau vì co kéo, cứng khớp cứng cơ. Ngoài ra, anh Dương không còn cần phải ghép da.

Giây phút nghẹn ngào

Theo lời kể của BS Thảo, khi tỉnh dậy, anh Dương vẫn nhận ra mọi người xung quanh, câu đầu tiên anh nói là câu gọi: “Vợ ơi!” – lúc đó vợ anh đang đứng bên cạnh anh cùng 2 con.

Cả gia đình, người thân đều vỡ òa trong giây phút này – giây phút mà mọi người đã từng nghĩ có lẽ chỉ đến trong giấc mơ hoặc trong một phép nhiệm màu nào đó…

{keywords}
"Điều đặc biệt là bệnh nhân nhớ hết các sự việc xảy ra với mình, và các đồng đội, biết mình đã được đưa lên Sơn Tây cấp cứu thế nào, …"

Với gia đình, mọi người đều đã hiểu và chấp nhận sự thật là anh Dương không còn một cơ thể nguyên vẹn như trước đây. Tuy nhiên, sau 105 ngày hôn mê, dù vẫn nhớ những gì đã xảy ra trong tai nạn song anh vẫn rất sốc trước thực tế về hiện trạng cơ thể mình.

“Bệnh nhân rất sốc, anh ấy tỉnh dậy thì không thấy 2 chân và 10 đầu ngón tay nữa. Chúng tôi có biện pháp điều trị tâm lý bằng cách động viên tinh thần, cho vợ con người nhà và đồng đội vào động viên để vượt qua. Anh ấy vẫn khóc, vẫn sốc. Đến giờ tinh thần anh ổn định, mỗi lần gặp bác sỹ đều tươi cười hỏi han” – lời BS Thảo.

Sáng hôm nay (6/11), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã vào thăm và trao quà cho anh Dương, tặng bằng khen cho tập thể cán bộ bác sỹ viện Bỏng QG, khoa Hồi sức cấp cứu. Trò chuyện với Bộ trưởng Y tế, anh Dương nói chuyện rành rọt từng chữ.

Nói được vài lời với phóng viên, anh Dương cảm ơn tới các cấp, các ngành, các bác sỹ đã dốc lòng cứu chữa. Sau khi anh gặp nạn 2 ngày thì con trai ra đời.

Anh khoe, từ hôm tỉnh tới giờ đã 3 lần được gặp con gái 5 tuổi và con trai 4 tháng tuổi. Anh cho biết trong người thoải mái, ăn thấy ngon, chỉ cảm thấy hơi đau ở 2 tay.

Bà Trịnh Thị Đông, mẹ đẻ anh Đinh Văn Dương nghẹn ngào: "Lúc này tôi thấy tràn đầy hạnh phúc, niềm vui vô bờ bến. Chồng tôi mất còn chưa sang “nhà mới” thì con trai lại như thế này, ngàn cân treo sợi tóc, lúc ấy không biết có qua khỏi được không. Nhưng cuối cùng thì điều may mắn nhất đã đến với gia đình tôi”.

Bà Đông cho biết anh Dương ăn uống tốt, tinh thần tỉnh táo, ổn định và được mọi người động viên rất nhiều. Có lẽ trước mắt sẽ là muôn vàn khó khăn, thử thách với gia đình và người lính năm nay mới 31 tuổi, …

Chị Đinh Thị Hiền, chị gái anh Dương, đã vào viện chăm sóc em trai cùng mẹ suốt thời gian qua. Chị nói anh Dương vẫn chưa biết tình hình các đồng đội đã hi sinh.

Nhớ lại ngày em trai vào viện trong tình trạng gần như bị cháy đen thui, hôn mê, đa chấn thương, chị Hiền chưa hết bàng hoàng, nhưng chị luôn vững tin: “Em trai tôi là lính đặc công, nghị lực mạnh mẽ”...

Tặng bằng khen các thầy thuốc điều trị cho thượng úy Đinh Văn Dương

Sáng 6/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã vào thăm và trao quà động viên thượng úy Đinh Văn Dương. Bộ trưởng Y tế cũng trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích điều trị cho thượng úy Đinh Văn Dương, khẳng định đây là thành quả của tinh thần, trách nhiệm, tình yêu thương.

Cẩm Quyên