HTML clipboard  – Dự án xây dựng KĐT ven hai bên đường Lê Văn Lương đã bước sang năm thứ…8. Thế nhưng, sự chậm trễ của dự án này đã kéo theo nhiều hộ dân định cư nhiều năm tại làng cổ Hòa Mục trở thành… “nhảy dù”.

“Tách khẩu cũng không được!”

Theo sơ đồ quy hoạch và theo QĐ thu hồi đất số 380/QĐ-UB ngày 14/01/2003 của UBND T.P Hà Nội, 250.415m2 đất được thu hồi để phục vụ dự án xây dựng nhà cao tầng phục vụ tái định cư tại ô đất 6.7 - NO và 6.8 – NO đường Lê Văn Lương.

Một chiếc cổng làng cổ bây giờ chỉ còn hai... bậu cổng

Phần lớn diện tích đất thu hồi này rơi vào tổ 31 phường Trung Hòa, một phần khác nằm ở tổ 30 và 37 cũng thuộc phường Trung Hòa.

Không đồng tình với QĐ thu hồi đất này vì nó sẽ phá vỡ cảnh quan của ngôi làng cổ gần 2.000 năm tuổi, nhất là khi làng này có nhiều di tích lịch sử, nhà thờ tổ của các dòng họ lớn…, các hộ dân của làng cổ đã kiên trì kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, với thời gian kéo dài ròng rã từ năm 2003 đến nay.

Sơ đồ quy hoạch xây dựng khu TĐC ven đường Lê Văn Lương gây tranh cãi vì đất thu hồi (thể hiện trên đường chỉ đậm) lồi lõm, không đồng bộ một cách khó hiểu. Và, phần lớn đất thu hồi thuộc về đất của làng cổ Hòa Mục.

Gần 8 năm trôi qua, dự án bị chậm tiến độ. Và, cuộc sống của người dân thuộc diện thu hồi đất đã ảnh hưởng không nhỏ, nếu như không nói đã bị xáo trộn.

Ông Nguyễn Văn Sơn (người dân tổ 31 – phường Trung Hòa) bức xúc: Trong vòng ba năm (từ năm 2000 đến 2003), người dân làng Hòa Mục đã bàn giao hầu hết đất nông nghiệp của mình để phục vụ các dự án trọng điểm của UBND TP Hà Nội.

Theo tiến độ thu hồi đất này, mức giá bồi thường người dân được nhận ở các mức: 22 triệu – 34 triệu – hơn 90 triệu/một sào ruộng, đấy là khi tính giá trượt giá và căn cứ theo giá đất thị trường.


 
Cối đá, ngói chỉ, gạch cũ... từ các công trình cổ bị phá dỡ được xếp dọc theo các ngõ phố nhỏ ở làng cổ Hòa Mục.

Nhà ông Sơn có 07 khẩu, tổng diện tích năm sào ruộng. Ngoài phần diện tích ruộng bị thu hồi, gia đình ông còn bị “lẹm” thêm vài chục mét đất thổ cư.

“Không chỉ bảo tồn những di tích lịch sử đã xếp hạng mà còn phải bảo tồn cả cảnh quan, kiến trúc xung quanh của những di tích đó. Luật Di sản đã quy định rõ ràng. Chúng tôi không đồng ý QĐ thu hồi đất vì như thế, quy hoạch sẽ phá vỡ cảnh quan của quần thể di tích” – ông Sơn cho hay.

Để đấu tranh giữ lại ngôi làng cổ, những người nông dân như ông Sơn, ông Cường… đã tìm hiểu nhiều sách luật, các văn bản luật… liên quan. Ông Sơn bức xúc: “Tôi được biết, những dự án chậm tiến độ quá 5 năm thì sẽ bị thu hồi. Dự án này kéo dài đã gần chục năm, nếu vẫn tiếp tục thì quả là vô lý”.

Tuy nhiên, ảnh hưởng nhãn tiền của những hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất, đó là nhu cầu xin được… tách khẩu cũng không được giải quyết.

Nhiều lô đất được quây tôn hai bên đường Lê Văn Lương - con đường đẹp chạy xuyên qua và chia làng cổ Hòa Mục làm... hai phần. Cảnh quan của con phố này hiện tại nhôm nhoam như thế này!

Ông Lai Tiến Cường (số nhà 19, tổ 31) than thở: nhà tôi có 13 khẩu. Con cái có gia đình, sinh con… muốn tách khẩu riêng để phát triển cuộc sống nhưng không được giải quyết. Nhiều lần tôi lên phường thì đều được trả lời: gia đình đang thuộc diện đất bị thu hồi, quy hoạch.. nên luật không cho phép được… tách khẩu!

Nhiều hộ dân cũng rơi vào tình trạng tương tự như gia đình ông Cường. Ông Nguyễn Văn Sơn giải thích: “Chúng tôi xin được tách khẩu là để đảm bảo những quyền lợi khác. Gần chục năm nay, số khẩu trong gia đình tăng lên nhiều nhưng cả nhà vẫn thuộc một khẩu, thiệt thòi nhiều lắm!”.

Không thuộc thẩm quyền của phường!?

Cái “thiệt thòi” theo cách lý giải của ông Sơn, đó là: mỗi một hộ hàng tháng phải thanh toán các loại hóa đơn điện, nước… Những hóa đơn đó, theo các tính tiền của bên điện – nước thì họ tính lũy tiến, mức giá sẽ khác nhau. Một gia đình mười mấy khẩu, nếu tách ra thì đương nhiên chúng tôi được hưởng ưu đãi mỗi tháng từ cách tính lũy tiến này. Đấy mới chỉ là ví dụ đơn cử. Còn biết bao cái bất tiện khác từ việc không được tách khẩu này!

Một nóc chung cư mới nhìn từ... nóc của một ngôi nhà cổ 300 tuổi của làng Hòa Mục.

Ông Lai Mạnh Tiến, chủ tịch UBND phường Trung Hòa thừa nhận: sự việc trên là có thật. Tuy nhiên, phường làm đúng vai trò của mình, là những hộ thuộc diện bị thu hồi đất thì không được tách khẩu. Phường cũng chỉ thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình mà thôi.

Một cán bộ phụ trách quản lý tư pháp (công an phường Trung Hòa) cho biết: những thủ tục hành chính khác như nhập hộ khẩu, khai sinh… bên phường vẫn giải quyết cho người dân. Tuy nhiên, việc tách khẩu đối với những hộ dân đang nằm trong quy hoạch đất bị thu hồi thì phường không có thẩm quyền.

Ông Lai Tiến Cường - hậu duệ đời thứ 7 của dòng họ Lai.

Một lý do mà cán bộ này lý giải, đó là nhiều gia đình muốn “lách” quy chế để được nhận thêm tiền thưởng dành cho những hộ có đất bị thu hồi, cũng như nhiều khoản hỗ trợ vẫn thường áp dụng từ trước đến nay đối với lĩnh vực GPMB.

Tuy nhiên, khi được hỏi, đối với những hộ dân có nhu cầu tách khẩu thực sự do những đòi hỏi của cuộc sống, hoặc vì lý do, hoàn cảnh riêng của gia đình đó, cán bộ này chỉ lý giải: nói chung, đó là thẩm quyền của quận. Nếu chúng tôi đáp ứng nhu cầu tách khẩu của người dân, Ban GPMB của dự án sẽ không cho phép.

Chưa biết lý do tách khẩu của các hộ dân đang sống trong làng cổ Hòa Mục vì lý do gì, nhưng rõ ràng, theo lý giải của ông Nguyễn Văn Sơn, thì ông cũng có cái lý của mình.

Mặt khác, gần chục năm giằng co đấu tranh để giữ làng cổ của những người nông dân làng Hòa Mục, mục đích của họ là muốn giữ lại những giá trị lịch sử mà hàng trăm năm qua cha ông, tổ tiên họ đã lao tâm dựng làng, giữ đất… Chắc chắn, lý do đó lớn hơn nhiều so với phỏng đoán “tách khẩu để nhận tiền thưởng GPMB” của vị cán bộ tư pháp kể trên.

Chưa biết làng cổ Hòa Mục sẽ được giữ lại bao nhiêu phần trăm, những thiết chế cổ xưa, như lời khẳng định của các nhà sử học, các nhà văn hóa về việc, đó là “một trong bảy ngôi làng cổ còn sót lại cần được giữ gìn, bảo vệ của Hà Nội”, nhưng, cuộc sống của người dân làng cổ bị xáo trộn gần chục năm qua, đó là điều mà ai cũng nhận thấy.

  • Kiên Trung
“Con đường kỳ lạ” giữa làng cổ
Tức tưởi giữ nhà cổ 2.000 năm giữa Hà Nội