“Tôi mong muốn có chương trình khi học sinh đã trưởng thành, trở thành công dân phải có bằng lái xe ô tô, nghĩa là phải đào tạo ngay trong nhà trường chứ không phải ra trường rồi mới đi học lái xe".

Giám đốc Công an thành phố Hà Nội – ĐBQH đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm khi thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
{keywords}
Giám đốc Công an Hà Nội – ĐBQH đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị đưa kiến thức giao thông vào SGK. 

Trước những ý kiến cho rằng chúng ta đang thiếu các chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm, nhà giáo dục hoạt động chuyên nghiệp trong chương trình SGK, ông Chung không đồng tình với nhận định này. Theo ông lý do chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện chương trình SGK chưa lắng nghe đầy đủ các ý kiến chuyên gia.

Về nội dung đổi mới SGK, theo ông Chung, muốn thành công thì đầu tiên phải giáo dục ý thức, hướng nội, sau đó mới hướng ngoại, tức là hội nhập. Nghĩa là trước hết phải giáo dục con người có đạo đức, nhân cách. Chương trình SGK phải hướng đến như vậy.

Từ quá trình thực hiện nghiệp vụ của ngành công an, qua nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật của học sinh trong các bậc học, ông Chung nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đổi mới SGK. Việc đổi mới phải đảm bảo trang bị các kiến thức, tri thức khoa học cơ bản để khi đến lứa tuổi 18, ra xã hội thì các em phải có kiến thức cơ bản để đảm bảo thực hiện tốt chức trách, vai trò, nhiệm vụ của một công dân xã hội.

Với yêu cầu hội nhập hiện nay, đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị mỗi học sinh bắt buộc phải được đào tạo 1 – 2 ngoại ngữ và tin học cũng vậy. Như vậy mới đảm bảo được các yêu cầu cơ bản để sau này khi học sinh ra trường có thể hội nhập được với quốc tế, đồng thời rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng trong hội nhập quốc tế.

“Qua nắm bắt của ngành công an, tỷ lệ trẻ bị tự kỷ gia tăng. Trong các chương trình SGK cần ưu tiên dành một khoảng thời gian quan trọng để giúp học sinh từ bậc tiểu học, trung học…tham gia vào các buổi ngoại khóa để các em hiểu được các kiến thức ngoài xã hội, thông quan đó đánh giá được giữa lý luận và thực tiễn, từ đó mới có sáng tạo”.

Đặc biệt, Giám đốc Công an Hà Nội cũng thể hiện mong muốn chương trình SGK lần này có thể đưa được nội dung, kiến thức liên quan đến giao thông vào đào tạo cho học sinh trước năm 18 tuổi.

“Hiện trên địa bàn Hà Nội đang quản lý một số trường học quốc tế dành cho con em sứ quán, tùy viên… Khi chúng tôi hỏi, có những người họ đưa con cái đến đây học 2-3 năm, sau đó chuyển đi các nước khác. Con người ta đến đâu phải có các trường quốc tế chuẩn để không bị khoảng trống”. Cũng theo đại biểu Chung, SGK hiện tràn lan rất nhiều và có nhiều chương trình nên dẫn đến loạn chữ, cần có chương trình liên thông để đạt mức chuẩn tất cả các vùng miền.

“Tôi mong muốn có chương trình khi học sinh đã trưởng thành, trở thành công dân phải có bằng lái xe ô tô, nghĩa là phải đào tạo ngay trong nhà trường chứ không phải tốt nghiệp ra trường rồi mới đi học lái xe như hiện nay” - ông Chung nói.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị cần nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là cách thức xây dựng chương trình SGK của các nước tiên tiến để ứng dụng, phục vụ mục tiêu xây dựng chương trình SGK của Việt Nam.

“Nếu không tính toán kỹ, có chương trình chuẩn thì SGK sẽ khiến chúng ta phải trả giá nặng cho cả thế hệ”. Ông Chung dẫn dụ như việc đổi mới chương trình SGK về viết chữ đẹp không chân, nhưng sau đó 3 năm lại bỏ.

(Theo Nguyễn Dũng - Infonet)