- Nhận định cấp sơ thẩm đã có nhiều thiếu sót, chưa đưa ra được chứng cứ vững chắc để quy kết bị cáo giết người phụ nữ, cướp vàng. Từ đó, tòa tuyên hủy toàn bộ bản án.
Ngày 14/11, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “giết người”, “cướp tài sản” theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Danh Cường (SN 1993, quê Kiên Giang).
Án mạng trên rẫy
Theo nội dung vụ án, khoảng tháng 5/2012, Danh Cường đến ở nhờ tại nhà anh Nguyễn Văn Thắng tại khu phố Ninh hòa, thị trấn Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) để đi làm thuê.
Tại đây, Cường quen biết bà Võ Thị Beo (SN 1957) là người làm vườn thuê cho ông Trần Văn Lạp tại ấp 8, xã Lộc An thường. Cường thấy bà Beo ở một mình trên rẫy, cổ có đeo dây chuyền vàng nên nảy sinh ý định cướp tài sản.
Thực hiện ý định, khoảng 10h ngày 11/6/2013, Cường lấy 1 con dao Thái Lan tại nhà anh Thắng giấu trong túi quần rồi đi đến vườn tiêu ông Lạp.
Tại đây, Cường đi vào nhà ông Lạp bằng lối cửa sau thì thấy bà Beo đang cắm nồi cơm điện ở bếp. Lúc này, bà Beo có hỏi Cường “không đi làm hả?” thì Cường trả lời “không có việc gì để làm”.
Lát sau, thấy bà Beo đi vào phòng ngủ, Cường lén đi theo giật sợi dây chuyền trên cổ đồng thời dùng tay bóp cổ và đẩy nạn nhân ngã xuống giường. Trong lúc giằng co, Cường cầm dao đâm chết nạn nhân, cướp sợi dây chuyền và 2 chiếc điện thoại.
Trước khi tẩu thoát, Cường đem con dao gây án giấu vào bồn nước sinh hoạt của nhà ông Lạp, đem 2 chiếc điện thoại giấu vào bụi tre ở vườn nhà bên cạnh rồi bỏ ra tiệm internet chơi.
Chiều cùng ngày, Cường đi bộ về nhà anh Thắng nói dối ông ngoại ở quê mất rồi đón xe về TP.HCM bán sợi dây chuyền được 2,2 triệu đồng.
Bị cáo tại tòa. |
Sau đó, Cường bắt xe về quê, kể lại sự việc cho bạn gái biết và được người này khuyên nên ra công an đầu thú nhưng Cường không chịu. Ngày 18/6/2013, được cha mẹ vận động, Cường mới ra công an đầu thú.
Không giết người nhưng nhận tội?
Quá trình điều tra, Cường khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, tháng 6/2014, tại phiên tòa sơ thẩm, Cường bất ngờ thay đổi toàn bộ lời khai, bị cáo cho rằng mình bị oan, bị cáo không giết người mà thủ phạm trong vụ án là một người khác, chính mắt bị cáo đã chứng kiến cảnh người này sát hại nạn nhân.
Theo đó, bị cáo Cường khai vào buổi sáng ngày xảy ra vụ án, bị cáo đang ngồi nhậu cùng một số người bạn thì có một người đàn ông (người dân tộc, không rõ lai lịch) tới ngồi nhậu chung.
Trong lúc trò chuyện, bị cáo biết người này làm nghề cạo mủ và đi rừng, hai bên lưu số điện thoại của nhau.
Nhậu xong, bị cáo về nhà thì người đàn ông này điện thoại hỏi mượn dao. Sau đó, bị cáo được người đàn ông này chở đến một vườn cao su tiếp giáp với vườn tiêu và dặn đứng đó đợi anh ta vào ngôi nhà trong vườn tiêu lấy đồ.
Khoảng 30 phút sau không thấy người này ra, bị cáo đi vào thì thấy người này đang cầm dao đâm bà Beo. Bị cáo định bỏ chạy thì người đàn ông kêu “mày dừng lại” và đe dọa nếu nói ra sự việc ông ta sẽ giết.
Người đàn ông cho bị cáo sợi dây chuyền và 2 chiếc điện thoại, bị cáo đem điện thoại cất giấu, bán sợi dây chuyền rồi bắt xe về quê.
Lý giải về lý do suốt quá trình điều tra bị cáo nhận tội, Cường cho rằng do tại công an huyện Lộc Ninh (Bình Phước) bị cáo bị đánh đập, ép cung. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận khi vụ án được chuyển lên công an tỉnh Bình Phước, bị cáo không hề bị ép cung nhưng bị cáo vẫn nhận tội vì “có gì để ra tòa mới khai hết”.
Cấp sơ thẩm nhận định những lời khai trên của bị cáo không có căn cứ vì các nhân chứng chính là cha bị cáo, bác bị cáo đều khai sau khi bị cáo về quê bị cáo đã kể lại việc giết người, cướp tài sản ở Bình Phước và được họ động viên ra đầu thú.
Do vậy, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt bị cáo mức án tử hình về hai tội “giết người”, “cướp tài sản”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, qua hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, Viện kiểm sát nhận thấy vụ án còn quá nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Thứ nhất, con dao là chứng cứ đặc biệt quan trọng trong vụ án gây ra cái chết cho nạn nhân. Tuy nhiên, theo kết luận giám định kết luận không đủ cơ sở kết luận con dao được coi là hung khí gây án có thể gây ra các vết thương trên cơ thể nạn nhân hay không.
Thứ hai, bị cáo khai lấy con dao của bà Lê Thị Mai (ngụ xã Lộc An, Lộc Ninh, Bình Phước) nhưng cơ quan điều tra chưa tiến hành cho bà Mai nhận dạng con dao có phải của bà hay không, chưa cho bị cáo và bà đối chất.
Ngoài ra, bị cáo khai đứng chờ 30 phút không thấy người đàn ông đi ra, bị cáo đi vào thấy người này đang đâm nạn nhân nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ từ chỗ bị cáo đứng đợi đến nhà nạn nhân bao xa, đi xe máy hết bao nhiêu phút, đi bộ hết bao nhiêu phút để làm rõ có hay không việc bị cáo chứng kiến người này đâm bị hại…
Đây là những tình tiết quan trọng trong vụ án nhưng chưng được làm rõ. Những thiếu sót trên cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Từ đó, tòa tuyên hủy toàn bộ bản án.
M.Phượng