- Tại cuộc họp ở phường Bồ Đề chiều 14/11, người dân bức xúc yêu cầu lãnh đạo quận và các ban ngành của TP. Hà Nội xuống thực tế “đường dát vàng” để xem cong hay thẳng?!

Dự án tuyến đường rộng 40m nối đường Nguyễn Văn Cừ đến đê Tả ngạn sông Hồng “cong” - “thẳng” đang làm nóng dư luận.

Hàng trăm hộ dân thôn Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên TP. Hà Nội - nơi có “con đường dát vàng” đi qua bức xúc về việc dự án này không phù hợp quy hoạch, gây lãng phí ngân sách nhà nước, đường vẽ đi qua khu dân cư thay vì qua khu vực đất nông nghiệp khiến mức phí GPMB dự án đội giá lên hàng trăm tỷ đồng; dự án không được thông tin công khai đến các hộ dân có quyền lợi liên quan theo đúng trình tự; việc quy hoạch đường 40m chạy vào khu dân cư là không phù hợp, các hộ dân đề nghị UBND TP. Hà Nội, quận Long Biên và các sở, ngành xem xét điều chỉnh quy hoạch tuyến đường cho phù hợp thực tế và giảm thiểu ngân sách đầu tư…

{keywords}
Ông Đỗ Mạnh Hải - Chủ tịch UBND quận Long Biên có mặt tại buổi họp với đông đảo người dân

Sau khi người dân và các cơ quan báo chí lên tiếng, tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy chiều 11/11, giải thích của ông Đỗ Mạnh Hải - Chủ tịch UBND quận Long Biên về việc đường “cong” hay “thẳng”; đường có bị nắn vào nhà dân sai với quy hoạch hay không… lại tiếp tục khiến hàng trăm hộ dân bức xúc.

Theo họ, lãnh đạo quận Long Biên đã không trung thực khi báo cáo với UBND TP cũng như thiếu trung thực về thông tin với các cơ quan báo chí.

{keywords}
Bản đồ quy hoạch tuyến đường nối Nguyễn Văn Cừ đến đê Tả ngạn sông Hồng 

Chiều 14/11, một cuộc họp mở được tổ chức tại hội trường UBND phường Bồ Đề với sự có mặt của hàng trăm hộ dân liên quan đến dự án; đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương; đại diện các sở, ban ngành của Hà Nội và lãnh đạo quận Long Biên, ông Đỗ Mạnh Hải, Phó bí thư - Chủ tịch UBND quận.

Mục đích của cuộc họp này là lắng nghe ý kiến người dân để từ đó báo cáo với Chính phủ và Hà Nội để từ đó đưa ra phương án hợp lý.

Rất nhiều người dân đã nói lên những bức xúc đang tồn tại.

Điểm chung của tất cả những ý kiến này, là người dân ủng hộ việc xây dựng tuyến đường nhằm mục đích chung phát triển cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, việc “bẻ cong” con đường đi vào khu dân cư, “tránh” đất nông nghiệp là điều vô lý và gây thiệt hại ngân sách.

Ông Nguyễn Văn Lực (số nhà 59, tổ 14) phát biểu: UBND quận Long Biên báo cáo với Hà Nội về chi phí cho đoạn đường dài 200m bị “uốn cong” có con số 53 tỷ đồng là không trung thực.

Ông Lực phân tích: “Lấy chiều dài 200m x 40m chiều rộng, đoạn đường đó sẽ phải thu hồi 8.000m2 đất; với giá tiền đền bù 14tr/m2, chưa kể đền bù nhà cửa, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất, tiền GPMB cho đoạn đường này đã lên đến hơn 100 tỷ đồng, rất lãng phí ngân sách nhà nước.

Nếu như nó chạy thẳng theo thiết kế, 8.000m2 đất nông nghiệp bị thu hồi, tính theo mức đền bù 3 triệu đồng/m2, nhà nước chỉ mất chi phí chưa đầy 30 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến mỹ quan, chất lượng và độ an toàn của con đường chạy thẳng sẽ tốt hơn con đường bị cong”.

{keywords}
Ông Nguyễn Hữu Ngọ, người 3 lần bị giải tỏa để phục vụ cho 3 dự án khác nhau

Ông Nguyễn Hữu Ngọ (số nhà 198, Nguyễn Văn Cừ), hộ dân bị thu hồi toàn bộ đất đai, nhà cửa bức xúc: đây là lần thứ 3 gia đình ông bị giải tỏa để phục vụ cho 3 dự án khác nhau.

Gia đình ông vẫn tuân thủ, và là hộ đầu tiên nhận tiền đền bù, bàn giao lại đất cho nhà nước, tuy nhiên, việc bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi nhà đất lại không như những lời hứa ban đầu.

“Diện tích bị thu hồi của chúng tôi là 58m2, thế nhưng, thứ tự ưu tiên trong việc bố trí tái định cư, chúng tôi chỉ được bố trí căn 58m2, muốn ở căn 60m2 tôi phải bỏ thêm tiền để mua thêm 2m2, rất cơ cực. Chúng tôi sẵn sàng hiến đất cho nhà nước, di dời thay đổi chỗ ở để phục vụ dự án chung…, nhưng đến công tác bố trí tái định cư cho người bị thu hồi thì lại thực hiện một nẻo”.

{keywords}
Hàng trăm người dân có mặt tại buổi họp

Các ý kiến của các ông/bà Nguyễn Thế Hiền, Võ Văn Bá, Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Thị Thêm, Mai Văn Dũng… cũng lần lượt phân tích: chủ trương “nắn” đường thẳng thành cong, đi vào khu dân cư thay vì lấy đất nông nghiệp là có chủ đích của chủ dự án.

Theo người dân, những khu đất đó, dù hiện tại vẫn là đất nông nghiệp, nhưng hầu hết đều đã có chủ.

“Con đường làm xong, một vài năm sau, những khu đất đó thành đất kẹt, việc chuyển đổi thành đất ở là đương nhiên. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo quận xuống thực tế trực tiếp, chúng tôi sẽ chỉ ra lô đất nào đã được bán cho ai. Sau này, nó ở địa thế đất vàng, giá trị lên đến cả ngàn tỷ đồng. Việc nắn đường thành cong là mục đích của một số cá nhân vì quyền lợi riêng chứ không phải lợi ích cộng đồng” - ông Nguyễn Văn Lực nói.

Tất cả ý kiến của người dân hôm nay đều được chính quyền quận ghi nhận.

Kiên Trung