- Tại phiên tòa phúc thẩm mở theo đơn kháng cáo kêu oan của anh Vũ Ngọc Dương, đại diện VKS đã chỉ ra những điều bất hợp lý, nhưng HĐXX đã không xem xét đến.

Kháng nghị Giám đốc thẩm

Viện KSND Tối cao cho biết đã kháng nghị Giám đốc thẩm số 31/QĐ-VKSTC-V3, ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án Bản án số 565/2013/HSPT ngày 10/9/2013 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phạt Vũ Ngọc Dương (SN 1987, ở quận Đống Đa, Hà Nội) 30 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tiến hành xác minh, trưng cầu giám định các tài liệu, chứng từ trong vụ án và xác định: chữ ký trong các tài liệu không phải của Vũ Ngọc Dương.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân đang thực nghiệm lại hành vi làm giả giấy tờ trước Cơ quan điều tra.

Dương Diệu Thu và Nguyễn Thị Thanh Vân đã làm giả chữ viết, chữ ký của Dương, tạo dựng hồ sơ giả để “bẫy” Dương. Do đó, VKSND Tối cao nhận thấy toà án các cấp kết án Vũ Ngọc Dương là chưa đủ căn cứ.

Như VietNamNet đã thông tin, trước đó, cả trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, anh Dương đều kêu oan. Nhưng lời kêu oan của anh đã không được xem xét.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10/9/2013, được mở theo đơn kháng cáo kêu oan của anh Dương, đại diện VKS đưa ra quan điểm cho rằng, bản án cấp sơ thẩm có vi phạm cả về tố tụng và mâu thuẫn về nội dung, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Theo đại diện VKS, tại trang 2 của bản án sơ thẩm có ghi ngày 18/11/2010, ông Chính đến công an tố cáo Dương chiếm đoạt tiền của Cty Đức Khuê và CODICO tài trợ cho Trung tâm, thì đến phần nhận định tại trang 5 có ghi: “.... Ngày 20/4/2012, sau khi ký vào 2 phiếu chi và nhận đủ tiền 100 triệu đồng từ anh Hiền, nhà tài trợ cho Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh”.

Như vậy là Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh tố cáo hành vi chiếm đoạt của Dương trước khi Dương nhận tiền của 2 Cty.

Hơn nữa, cơ quan điều tra xác định Dương ký nhận cả vào hai phiếu, nhưng 2 phiếu chi có cùng seri trong khi 2 Cty tài trợ nằm ở 2 địa bàn khác nhau, ông Hiền xác định nguồn tiền từ thiện là do 2 cá nhân giám đốc giao nhận với nhau, tự quyết toán không qua thủ quỹ.

Đây là hai Cty thành lập hợp pháp, có đăng ký kinh doanh, do vậy phải tuân thủ đầy đủ quy tắc tài chính kế toán, nhưng đường đi của đồng tiền ở đây không đảm bảo đúng nguyên tắc nên cần phải xem xét tiền này là của cá nhân hay của Cty, vì vậy các phiếu chi cần phải làm rõ.

Và theo quy định của trung tâm, tình nguyện viên không được phép nhận tiền của các Cty từ thiện. Nếu Dương nhận thì chắc chắn là vi phạm quy định, Trung tâm nhận tiền từ thiện do Dương mang về chắc chắc cũng vi phạm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo thống nhất quan điểm của VKS. Luật sư cũng có đề cập đến một lá thư mà chị Nguyễn Thị Thanh Vân (làm việc tại trung tâm dạy nghề hướng nghiệp Đông Anh) đã giao cho người khác. Lá thư có nội dung: “Vợ chồng Thu có nợ Quang hơn 200 triệu đồng, hiện nay đang lừa Dương ký...”

Dấu hiệu oan sai không được xem xét ?

Dù vậy, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, kết quả giám định chứ ký, chữ viết dòng họ tên Vũ Ngọc Dương dưới mục người nhận tiền trên 2 phiếu chi đề ngày 15/4/2010 và 20/4/2010 với chữ ký, chữ viết trên “Đơn xin gia nhập thành viên hội chữ thập đỏ- TP Hà Nội” đề ngày 14/7/2008 và chữ ký, chữ viết mẫu đứng tên Vũ Ngọc Dương trên “Bản tường trình” gửi Công an huyện Đông Anh đề ngày 19/1/2011; “Biên bản lời khai” Vũ Ngọc Dương ngày 19/1/2011 là do một người viết ra.

Như vậy đủ cơ sở kết luận bị cáo Dương phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo điểm d, khoản 2, Điều 140 BLHS.

Cũng theo bản án phúc thẩm, hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm đến tài sản lớn của tổ chức pháp nhân được pháp luật bảo vệ, ngoài ra còn ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Bị cáo Dương kháng cáo kêu oan và đề nghị được đi giám định lại nội dung chữ viết và chữ ký trong 2 phiếu chi; Đơn xin gia nhập Hội chữ thập đỏ TP. Hà Nội ngày 14/7/2008 của Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề nhân đạo Đông Anh cùng các giấy tờ khác liên quan đến vụ án nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận.

HĐXX cho rằng, ý kiến của đại diện VKSND Tối cao đề nghị hủy án để điều tra lại là không có căn cứ nên không được chấp nhận; cần giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm số 503/2012 ngày 21/11/2012 của TAND TP Hà Nội.

Từ các nhận định nêu trên, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Vũ Ngọc Dương; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 503/2012 ngày 21/11/2012 của TAND TP Hà Nội.

Tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Dương mức án 30 tháng tù.

Xuân Bách