Cuộc đời thăng trầm, từng gặp nhiều oan trái, nhưng huyền thoại săn bắt cướp Hai Thành đã để lại dấu ấn đậm trong lòng người Sài Gón những năm 70 của thế kỷ trước.
Đồng chí Võ Tấn Thành, nguyên Đội trưởng săn bắt cướp (SBC) đầu tiên của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, đã qua đời tại nhà riêng vào hồi 16h45 ngày 23/11 sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Đồng chí Thành thường gọi anh là đại úy Hai Thành, sinh năm 1936, quê xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre, ngụ số 9 đường Tân Thọ, phường 8, quận Tân Bình).
Đại úy Hai Thành ngày trẻ. |
Từng trải qua một thời tuổi thơ cơ cực, ở mướn chăn trâu, chăn vịt, làm công. Năm 11 tuổi, Hai Thành đã ném lựu đạn xuống tàu giặc Pháp trên sông Cửa Đại, Bến Tre. Năm 14 tuổi, anh vào du kích.
Năm 1954, vừa tròn 18 tuổi anh nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn 307. Tháng 10 năm ấy anh lên tàu tập kết ra Bắc. Sau 6 năm rèn luyện trưởng thành trong quân đội, năm 1960, anh được kết nạp Đảng rồi vào Trường Công an Trung ương, chính thức trở thành người chiến sĩ công an.
Sau khi học lớp điệp báo cấp tốc, đầu năm 1975, anh làm phó đoàn công tác đặc biệt gồm một trăm cán bộ chiến sĩ vào Nam.
Hai ngày sau khi Sài Gòn được giải phóng, anh được cử giữ chức Đội trưởng Đội Chấp pháp đầu tiên của Phòng Cảnh sát hình sự và Bí thư chi bộ của phòng. Khi thành lập Đội Săn bắt cướp, anh cũng được cử giữ chức đội trưởng.
Ngay những ngày đầu giải phóng, với những kinh nghiệm đánh án trong những năm tháng ở miền Bắc, anh đã có chủ ý đối phó với bọn cướp nên thường xuyên đến các điểm tiếp nhận những người tham gia chế độ cũ và tội phạm hình sự ra trình diện, yêu cầu ghi rõ mức độ phạm tội.
Cụ thể như cướp thường hay tướng cướp, cướp thường mà biết các tướng cướp thì khai ra. Từ sự nhạy cảm, anh đến nhà các tướng cướp vận động gia đình đưa ra trình diện, làm cơ sở cho việc phá nhiều băng cướp lớn sau này.
Anh và đồng đội đã lập nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận bảo vệ trị an. Những chiến công gắn liền với các vụ án chấn động dư luận trong nước và quốc tế như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ án Thanh Nga, vụ bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ; điều tra vụ thảm sát tại nhà Quận chúa Mộng Hoa, giải cứu 11 em bé bị bắt cóc bán lên vùng rừng núi Lâm Đồng, phá các băng cướp có súng như băng cướp Võ Tùng Hội, Phú “Salem”, băng cướp Thái Lập Thành, băng Bông Hồng Trắng, truy bắt các tên cướp khét tiếng Điềm Khắc Kim, Tín Mã Nàm (vụ án Mã Ngưu)...
Đặc biệt là vụ án Nguyễn Hữu Đạt hãm hiếp, giết 9 cô gái xinh đẹp (8 cô trước giải phóng và 3 cô sau giải phóng) rồi đốt xác phi tang. Khi hung thủ giết cô thứ 3 vào đầu tháng 3/1976, đại úy Hai Thành đã cùng đồng đội vượt qua nhiều gian khổ mới tìm ra được kẻ sát nhân dâm đãng này.
Trong cuộc chiến chống tội phạm hình sự bao giờ cũng gian khổ hiểm nguy, có thể đổ máu hy sinh. Đại úy Hai Thành đã ít nhất một lần như thế, đó là lần bắt tên cướp Sáu “Cầu Bông” bị hắn chĩa súng vào người bắn liền 2 phát…
Ngay lúc ấy “người tình” Trà My đã kịp thời quất dùi cui vào tay Sáu “Cầu Bông” làm đạn chệch hướng, cứu mạng anh. Anh lao vào quật ngã, khóa tay tên cướp và thu khẩu súng K54. Những lần “vào hang bắt cọp”, anh bị tội phạm đánh bầm dập mà anh không hé răng mình là công an.
Đồng chí Hai Thành, người bồng em bé bị bắt cóc đã được giải cứu tận Lâm Đồng. |
Anh kiên quyết trừng trị những kẻ ngoan cố, nhưng luôn mở lối hoàn lương cho những người ăn năn hối cải.
Tấm lòng độ lượng, khoan dung của anh đã cảm hóa không ít tên tội phạm nguy hiểm và đối tượng giang hồ, gái điếm hoàn lương. Nhiều cô đã tự nguyện giúp anh và đồng đội theo dõi bắt nhiều tên tội phạm nguy hiểm nên đồng đội thường gọi vui là những “người tình” phá án của anh Hai.
Bên cạnh những niềm vui thắng lợi, anh cũng không ít lần trĩu nặng lòng mình bởi những đắng cay oan trái: bị đề nghị khai trừ Đảng, tạm đình chỉ công tác vì có người tố cáo anh lấy vàng của những người vượt biên.
Nhưng rồi tất cả đều được minh oan sáng tỏ, kẻ hãm hại anh phải vào tù. Khi về làm Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tân Bình, đồng chí Hai Thành đã cùng Ban chỉ huy đội xốc lại đội ngũ, xây dựng tinh thần đoàn kết, tập trung đánh án có hiệu quả, lập thêm nhiều chiến công xuất sắc.
Sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ Đảng phân công, đồng chí Hai Thành sang làm Chánh án TAND quận Tân Bình rồi nghỉ hưu vào năm 2002. Trong suốt quãng đời làm người chiến sĩ cách mạng, nhất là khi khoác lên mình sắc phục người chiến sĩ công an nhân dân bao giờ Hai Thành cũng đặt trọng trách vì hạnh phúc nhân dân, vì bình yên cuộc sống lên hàng đầu. Và anh đã phấn đấu hy sinh cho mục tiêu lý tưởng cao đẹp ấy.
Cái đáng quý ở Hai Thành là dù trải qua nhiều oan trái đắng cay nhưng anh vẫn giữ vững lập trường, bình tâm sáng suốt vượt qua mọi hiểm nguy trên bước đường đấu tranh trực diện với tội phạm và với cả những kẻ phản bội.
Đó là những phẩm chất rất đáng quý mà không phải người cán bộ chiến sĩ công an nào cũng có được. Người chiến sĩ công an có trái tim nhân hậu, có tinh thần quả cảm Hai Thành một thời trở thành thần tượng trong lòng đồng đội và người dân nay đã không còn nữa.
(Theo Thanh Nghị/báo Công lý)