- Ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Dịch vụ taxi Uber không có tính pháp lý để hoạt động chở khách như taxi thông thường.

Do vậy, quan điểm của Bộ GTVT là không ủng hộ loại hình dịch vụ này bởi đã “bỏ qua tất cả các điều kiện của loại hình kinh doanh taxi”.

Uber là dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trong buổi họp báo chiều 1/12- Ảnh: Tuổi trẻ

Người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Tại Việt Nam, loại hình dịch vụ vận chuyển này đã xuất hiện tại TPHCM và Hà Nội.

Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT nhận định: Thời gian đầu, người tiêu dùng khá hào hứng bởi dịch vụ nhanh và giá thành hạ so với taxi truyền thống. Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước và ý kiến của các Hiệp hội vận tải taxi, như Hiệp hội vận tải Taxi TPHCM cho rằng đây là hình thức kinh doanh không lành mạnh và cần phải có chế tài.

Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải, dịch vụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hành khách lẫn tài xế. Cụ thể, doanh nghiệp không có đăng ký, không đóng thuế nên thiệt hại cho Nhà nước. Đồng thời vì không đăng ký, không có bộ máy nên không đủ điều kiện đảm bảo ATGT, không có trách nhiệm đảm bảo bảo hiểm cho hành khách.

"Taxi Uber có thể rẻ hơn một chút nhưng nếu tai nạn xảy ra hành khách sẽ là người thiệt hại đầu tiên vì không được bảo hiểm. Đối với người lái xe cùng có rủi ro, nếu chở khách, họ mang hàng quốc cấm thì người lái xe cũng khó chứng minh là ngoại phạm”, ông Ngọc cho hay.

Theo Vụ vận tải, đây là loại hình kinh doanh vận tải taxi, trong khi loại hình này là kinh doanh có điều kiện.

“Kinh doanh vận tải taxi đã được quy định rất rõ trong Nghị định 86. Đó không phải đặt ra chỉ để quản lý mà là để tạo hành lang pháp lý bảo vệ cho chính doanh nghiệp có sân chơi lành mạnh và bảo vệ cho hành khách đi xe. Một doanh nghiệp nào đó sử dụng phần mềm này và bỏ qua tất cả các điều kiện đó, nghĩa là người ta đang vi phạm tất cả các điều về ATGT, về an ninh, môi trường, …”, ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết: Trong văn bản gửi sang Bộ TT&TT, Bộ GTVT cũng đã nêu quan điểm dịch vụ taxi Uber không có tính pháp lý để hoạt động chở khách như taxi thông thường. Bởi, hoạt động kinh doanh taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh, đóng thuế và chịu trách nhiệm về an toàn đối với người sử dụng.

Sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội vận tải Taxi TPHCM, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo TPHCM có kiểm tra, làm rõ hình thức kinh doanh vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra nội dung thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber, xử lý theo quy định nếu có.

Vũ Điệp