Với cuộc sống náo nhiệt như ở thủ đô, không ai có thể ngờ rằng lại có một người sống thần bí, sống theo lối ẩn sĩ, như trong những bộ phim cổ trang của Trung Quốc.

Nhưng đó lại là chuyện thật giữa đời thường. Ông là Nguyễn Văn Bách, ở ngõ 49 phố Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) - là một trong bốn nhà thư pháp lẫy lừng đất Hà thành. Ông còn được biết đến với nghệ danh… “Long thành lão nhân”. 

Ma thư pháp

Cụ Bách là người suốt mười năm trời tự giam mình trong phòng để đi tìm một lý tưởng mới mẻ về cái riêng. Cụ có hàng trăm cái bút, với đủ cỡ khi dùng cái chỉ bằng que diêm, có khi lại dùng cái to đùng như chổi, rồi treo mình từ trên cao phóng bút xuống bức vẽ to như cái chiếu, như người làm xiếc. Đã từ lâu, cụ xem thư pháp là một môn nghệ thuật tầm cao, thậm chí còn quý trọng nó hơn cả bản thân.


Ở tuổi 87, là lão làng trong giới thư pháp, nhưng có những chữ cụ đeo đuổi cả đời, mà vẫn không thể phóng bút. Thư pháp viết ra mà không có hồn  khác gì giấy lộn, viết chữ long phải thấy rồng lượn, vừa mềm mại, nhưng phải thấy được sự dũng mãnh. Có chữ xuất hiện trong óc chỉ trong nháy mắt, rồi nó biến mất, mười năm, hai mươi năm, thậm chí cả đời chẳng bao giờ quay lại. Viết thư pháp giống như người lên đồng, mắt nhắm, tay viết, đến khi xuôi, chỉ thấy câu chữ tung tẩy, như đang chuyển mình cựa quậy mới là viết thư pháp.

Cụ Bách học chữ Hán từ lúc 6 tuổi, 13 tuổi lẽo đẽo theo cha, lang thang khắp làng này, xóm nọ bốc thuốc, viết câu đối thuê kiếm sống,  87 mùa xuân trôi qua, những nét chữ bay bướm của cụ, cứ làm cho di chiếu, sử xưa cựa quậy, như sống lại.

Đó là bản tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, cụ viết trên lụa tặng cho Thủ tướng Nhật Bản; “Hịch tướng sĩ” kỷ niệm 700 năm chiến thắng quân Nguyên - Mông. Năm 1962, Sở Văn hoá Hà Nội trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đền Ngọc Sơn, cụ Bách được mời đến khai bút toàn bộ di tích. Nhưng đáng nhớ nhất là bài “Bình Ngô đại cáo” được viết năm 1980.

Trong vòng  3 ngày, với tổng cộng 1.361 chữ, bằng phương pháp đồng ăn mòn. Lúc ấy cụ vẫn đang làm ở Học viện Quân y, cụ nhớ lại: “Dạo ấy tôi viết một trăm đồng một chữ. Nhà sáu cái tàu há mồm, ba trai, ba gái, tôi viết để nuôi chúng nó. Còn giờ tôi viết để kiếm hộp sữa, que kem cho thằng cháu ấy mà!”.

Hai độc chiêu để đời

Cả đời cụ chỉ có hai độc chiêu, đó là nghề thuốc và thư pháp. Nhờ nghề thuốc mà cụ đã cứu sống biết bao nhiêu người. Sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm thuốc, cha cụ là một danh y nổi tiếng ở Hải Dương, am tường nhiều loại thuốc, nhưng ông lão chưa bao giờ dạy cho con. Thế mà, mọi loại thuốc để ở nhà, cậu bé Bách đều thuộc làu. Một lần, bà cụ hàng xóm tới bốc thuốc, hôm đó bố sang làng bên ăn cưới, cậu liền kê đơn, hôm sau bà lão khen mãi tài bẩm sinh thiên phú của cậu, người cha biết chuyện, cậu liền bị ăn tát, “mạng người là cỏ cho mày đùa sao”. Rồi ông vừa ôm lấy đứa con trong lòng, vừa chua xót, vừa mừng khôn xiết.

Nhớ lại thuở ấu thơ, cụ Bách thở dài, năm 1957 cụ là một trong những thành viên tham gia Viện Nghiên cứu đông y. Là người tinh thông Hán học, cụ Bách đã nghiên cứu và dịch thuật rất nhiều sách quý bằng chữ Hán. Nhưng cuốn sách có tiếng vang lớn nhất mang tên “Thuốc hay đảm” (có nghĩa là những bài thuốc Nam hay), đã tái bản hàng chục lần, gồm những bài thuốc được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian hàng thế kỷ, mà tuyệt kỹ của cụ là chữa bệnh vôi hoá cột sống. Đối với cụ, y học bao hàm cả triết học, thuyết lý âm dương, ngũ hành, tất cả được vận dụng vào thực tiễn.

Dù ở tuổi xế bóng, ngoài những người quen thân ra, cụ còn được rất nhiều các lãnh đạo của Nhà nước quan tâm, thường lui tới động viên như:  Đồng chí Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Trung tướng Lê Hải Yến. Đặc biệt, ngày mùng 10 tháng giêng năm Canh Dần - 2010, đồng chí Phạm Quang Nghị - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - đã viết thư thăm hỏi sức khỏe cụ. Đọc xong thư, cụ vô cùng cảm động...

(Theo Lao Động)