- Khoảng đêm 8, sáng 9/12, bão Hagupit sẽ đi vào giữa biển Đông, với sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14, 15. Khu vực Nam trung Bộ được dự báo sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa 300-400mm.

Tại cuộc họp khẩn chuẩn bị các phương án chống bão Hagupit vào chiều 6/12, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc TTDBKTTV TƯ cho biết, bão Hagupit là cơn bão rất mạnh, di chuyển phức tạp.

"Ngày hôm qua bão đã suy yếu, nhưng đến đêm lại mạnh lên. Dự báo khoảng đêm nay, bão sẽ đổ bộ vào Philippines với sức gió mạnh cấp 15, giật cấp 16, 17, sau đó sẽ di chuyển chậm theo hướng Tây với vận tốc 10km/giờ", ông Cường thông tin.

Dự báo, đến khoảng đêm 8, sáng 9/12, bão Hagupit sẽ di chuyển vào biển Đông với sức gió mạnh cấp 12, 13, giật cấp 14, 15. Trong ngày 9/12, vùng nguy hiểm được xác định từ vĩ tuyến 11-17 độ vĩ Bắc, 115 - 120 độ kinh Đông. Đến ngày 10/12, vùng nguy hiểm sẽ dịch chuyển xuống xuống vĩ tuyến 10-17.

{keywords}
Đường đi của bão Hagupit. Dự kiến đêm 8, sáng 9/12, bão sẽ đổ bộ vào biển Đông rồi đi vào Nam Trung Bộ.

"Khả năng lớn nhất, bão sẽ đổ bộ vào Nam Trung Bộ (Phú Yên - Bình Thuận) vào ngày 11-12/12 với sức gió cấp 8. Khả năng thứ 2 là ảnh hưởng đến Nam Bộ hoặc đi ra ngoài khơi vùng biển phía Nam. Khả năng thứ 3, bão sẽ suy yếu và tan ngay trên biển. Cũng không loại trừ khả năng khi vào biển Đông, bão sẽ lấy thêm năng lượng và mạnh thêm", ông Cường nhận định.

Đáng lưu ý, thời điểm bão vào biển Đông tại miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh tăng cường mạnh. 2 hiện tượng kết hợp với nhau sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực Nam Trung Bộ từ ngày 11 -13/12. Lượng mưa trung bình dự báo từ 300-400mm.

Trước diễn biến phức tạp của bão Hagupit, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, các địa phương ven biển và các ngành chức năng không được chủ quan trong mọi tình huống, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão.

{keywords}
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp phòng chống bão Hagupit

"Tinh thần của chúng ta là tinh thần ứng phó siêu bão. Vừa bão, vừa mưa lớn sẽ cực kỳ đáng lo ngại. Cần phải nắm số tàu thuyền đang hoạt động ở vùng nguy hiểm, phải thường xuyên thông tin, kiểm đếm", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung kiểm tra vấn đề hồ chứa.

"Quy trình vận hành hồ chứa phải làm thật nghiêm khi chúng ta có tới 7.000 hồ. Cứ vi phạm là phải xử thật nghiêm. Vừa rồi xảy ra sự cố là do không có kiểm tra", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tính đến 15h chiều nay (6/12), trên khu vực giữa biển Đông còn 302 phương tiện với hơn 4.000 người đang hoạt động.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, tất cả các tàu thuyền đang ở vĩ tuyến 10-17 phải di chuyển vào bờ trước 17h ngày 8/12.

Trên đất liền, các địa phương phải chuẩn bị sẵn các phương án sơ tán dân vùng ven biển, chuẩn bị sẵn phương án phòng chống lũ lụt sau bão.

"Nếu mưa 300-400mm, nhiều hồ chứa tại Nam Trung Bộ sẽ đồng loạt phải xả, nguy cơ lũ tại hạ du rất cao. Phương án di dân vùng hạ du phải được tính đến", Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định.

Trong ngày mai, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng bộ ngành liên quan cử đoàn kiểm tra tình hình các hồ chứa tại khu vực Nam Trung Bộ.

Thúy Hạnh