- “Hiện nay các dự án BOT giao thông trông chờ chủ yếu vào nguồn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại trong nước. Với vòng đời dự án BOT khoảng 20 năm thì việc sử dụng vốn vay thương mại thông thường dễ phát sinh rủi ro cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vay vốn”.

Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư  (Bộ Tài chính) cho biết tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” được tổ chức sáng 12/12.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp lý liên quan đến chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức  BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), PPP (hợp tác công-tư) đang mở ra cơ hội thúc đẩy đầu tư ngành GTVT.

Chỉ tính riêng năm 2014, đến thời điểm này, ngành giao thông đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT), việc huy động vốn đầu tư vào ngành giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa có hoặc hạn chế, trừ việc doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa.

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tasco cho rằng, Bộ GTVT mong muốn dự án có giá trị đầu tư lớn, thời gian thu phí trên dưới 20 năm, trong khi ngân hàng chỉ chấp thuận các dự án có thời gian thu phí dưới 15 năm.

{keywords}
Các nhà đầu tư cần chính sách huy động vốn thông thoáng để đầu tư vào ngành giao thông.

Một số dự án chỉ ở mức độ 2.000-3.000 tỷ đồng, căn cứ vào lưu lượng nguồn thu thực tế với mức thu trong 20 năm nên trong 7-10 năm đầu mức thu không đủ để trả lãi vay, chứ chưa nói đến việc thu đủ vốn gốc.

Thế nhưng Ngân hàng lại yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh chủ sở hữu nguồn vốn, dẫn đến các nhà đầu tư phải bỏ từ 30-50 % vốn trong khi quy định chỉ yêu cầu nhà đầu tư phải bỏ từ 10-15% dẫn đến nhà đầu tư không có vốn để thực hiện.

“Nhà nước cần có chính sách với các ngân hàng thương mại như thế nào để giải quyết vấn đề này,” ông Dũng mong muốn.

Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư  (Bộ Tài chính) cho rằng, trong khoảng 5 năm lại đây có một sự “bùng nổ” đầu tư các dự án BOT giao thông tập trung chủ yếu vào nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ.

Hiện, các dự án BOT giao thông chủ yếu trông chờ vào nguồn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại trong nước (thông thường khoảng 85% tổng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án). Với vòng đời dự án BOT khoảng 20 năm thì việc sử dụng vốn vay thương mại thông thường dễ phát sinh rủi ro cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vay vốn.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng thừa nhận, các nhà đầu tư tư nhân phải trông chờ chủ yếu vào các khoản vay dài hạn đang bị các ngân hàng thương mại hạn chế và vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn từ “kênh” của thị trường chứng khoán.

Ông Tuấn Anh cho rằng, một mô hình PPP riêng của Việt Nam là cần thiết. Vấn đề cốt yếu nhất là bản thân các dự án trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông phải hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân bởi các dự án đòi hỏi quy mô vốn lớn, thời gian thu hồi dài, rủi ro cao.

“Các nhà đầu tư tư nhân luôn hướng tới lợi nhuận thu được. Nguyên tắc này một khi chưa được thỏa mãn thì tất yếu dòng vốn sẽ không chảy tới nơi dù được Chính phủ khuyến khích,” ông Tuấn Anh khẳng định.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, việc đầu tư hạ tầng được Đảng, Nhà nước coi là điểm “nghẽn” trong tiến trình phát triển của đất nước và cần phải thúc đẩy đầu tư để đưa đất nước tiến lên hiện đại hóa vào năm 2020.

Đưa ra giải pháp tháo gỡ, Bộ trưởng Thăng cho rằng, việc thực hiện các dự án PPP cũng có những khó khăn, rủi ro nên cần phải đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước-chủ đầu tư-người dân.

Vũ Điệp