- Sáng nay (16/12), phiên tòa phúc thẩm xét xử “đại án” Huyền Như bước vào phần thẩm vấn. Sau phần trình bày nội dung kháng cáo của các bị cáo, HĐXX tập trung thẩm vấn về nguyên tắc mở tài khoản, nguyên tắc thực hiện lệnh chi, hạch toán của sổ sách tại các ngân hàng.

Huyền Như vẫn xin lại biệt thự

Mở đầu buổi xét xử, chủ tọa Quảng Đức Tuyên hỏi về nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát, kháng cáo của các bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Viện kiểm sát cho biết giữ nguyên quyết định kháng nghị tăng hình phạt với 2 bị cáo là Võ Anh Tuấn và Đào Thị Tuyết Dung. Về nội dung kháng cáo, bị cáo Lương Thị Việt Yên (bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội “thiếu trách nhiêm gây hậu quả nghiêm trọng) thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt. 19 bị cáo còn lại giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, trong đó có Huyền Như.

Được trình bày lý do kháng cáo, Huỳnh Thị Huyền Như bình thản: “Thưa HĐXX, bị cáo không kháng cáo phần hình phạt, bị cáo giữ nguyên kháng cáo phần dân sự xin trả lại villa thuộc dự án The Nam Hải tại Quảng Nam cho mẹ”.

{keywords}

Về nội dung bản án quy kết bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân mà bản án sơ thẩm tuyên, bị cáo Như thừa nhận và không có ý kiến.

Trả lời thẩm vấn của tòa, Như cho biết mình là cán bộ tín dụng Ngân hàng Công thương từ năm 2001. Đến tháng 7/2010, bị cáo được giao quyền trưởng phòng Điện Biên Phủ. Tháng 9/2011, bổ nhiệm làm trưởng phòng quản lý rủi ro. Sau đó, chủ tọa thẩm vấn bị cáo về các hoạt động ngân hàng, nguyên tắc mở tài khoản, nguyên tắc thực hiện lệnh chi, hạch toán của sổ sách tại các ngân hàng nói chung và Vietinbank nói riêng.

Siêu lừa thừa nhận

Trong các câu hỏi, HĐXX hỏi bị cáo Như cho biết theo quy định pháp luật có văn bản nào cho phép ngân hàng này mang tiền sang gửi tại ngân hàng khác để hưởng lãi suất không, bị cáo Như trả lời “không cho phép”.

Tòa hỏi tiếp “vậy bị cáo với tư cách là một cán bộ ngân hàng đi huy động tiền của ngân hàng khác là đúng hay sai?” – “Dạ sai.”, bị cáo Như trả lời.

HĐXX cũng tập trung thẩm vấn các câu hỏi cơ bản xung quanh quy định liên quan đến hoạt động giao dịch mở tài khoản tiết kiệm và tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và cách phân biệt hai loại tài khoản trên.

Bị cáo Như trả lời khá chính xác rằng hai loại tài khoản này khác nhau, thủ tục mở tài khoản cũng được quy định ở hai văn bản khác nhau.

Cũng là các câu hỏi trên, HĐXX lần lượt đặt ra đối với đại diện các Ngân hàng ACB, Vietinbank, Navibank. Về câu hỏi phân biệt sự khác nhau giữa tài khoản tiết kiệm và tài khoản tiền gửi, câu trả lời của các vị đại diện các ngân hàng tương đối giống nhau.

Tuy nhiên về câu hỏi theo quy định pháp luật có văn bản nào cho phép ngân hàng này mang tiền sang gửi tại ngân hàng khác để hưởng lãi suất không thì lại có 2 luồng quan điểm.

Với tư cách đại diện theo ủy quyền của Vietinbank, ông Nguyễn Tiến Hùng khẳng định “không có bất cứ quy định nào cho phép ngân hàng được phép ủy thác cho nhân viên mang tiền gửi tại ngân hàng khác”. Ngược lại, vị đại diện Navibank lại cho rằng các tổ chức tín dụng được phép vì trong trường hợp thông qua cá nhân của mình thì pháp luật không cấm. Đại diện Ngân hàng ACB cũng có quan điểm tương tự và nói “trong trường hợp này đề nghị HĐXX xem xét”.

Cùng một quy định pháp lý nhưng có hai quan điểm hoàn toàn khác nhau do vậy chủ tọa Quảng Đức Tuyên nói “mời đại diện Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) làm trọng tài”. Về câu hỏi thứ hai, đại diện NHNN nêu rõ có sự khác nhau giữa tài khoản tiết kiệm và tài khoản tiền gửi thanh toán ở về hồ sơ mở tài khoản.

Đối tượng mở tài khoản tiết kiệm là cá nhân còn đối tượng mở tài khoản tiền gửi có thể vừa là tổ chức vừa là cá nhân.

Sau phần thẩm vấn của HĐXX, đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại tòa tham gia thẩm vấn. Trả lời Viện kiểm sát, bị cáo Như cho biết trong thời gian xảy ra vụ án bị cáo giữ quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - ngân hàng Vietinbank. Bị cáo là kiểm soát viên phụ trách về tín dụng còn bị cáo Bùi Ngọc Quyên là Phó phòng giao dịch kiểm soát về hoạt động sổ sách kế toán.

Viện kiểm sát hỏi tiếp nhằm làm rõ thủ đoạn chiếm đoạt tiền của Huyền Như. VKS hỏi: “Trước khi các bị cáo lập các lệnh chi giả để chiếm đoạt tiền của các đơn vị trong vụ án thì tiền của các tổ chức, cá nhân bị cáo đang định chiếm đoạt đang ở đâu?” - “Đang trên tài khoản của khách hàng mở tại Vietinbank”. “Các khoản tiền đó đã được theo dõi hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của Vietinbank hay chưa?”. “Theo nhận thức của bị cáo thì lúc đó Vietinbank đã ghi nhận trên sổ sách là khách hàng có số tiền trên”.

“Tại sao bị cáo lại phải dẫn dụ khách hàng mở tài khoản rồi chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ để chiếm đoạt?” – “Tại vì tiền nằm trong tài khoản thanh toán thì có thể thực hiện các lệnh chi dễ dàng hơn”. “Vậy các lệnh chi đó có thể hiện trên sổ sách của Vietinbank không?”. “Có”. Bị cáo Như thừa nhận do có ý định lừa đảo tiền của các tổ chức, cá nhân nên bị cáo mới dẫn dụ họ chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank để dễ dàng chiếm đoạt.

Chiều nay, Viện kiểm sát tiếp tục phần xét hỏi.

M.Phượng