Đã có 3 mũi khoan chọc thủng đến vị trí 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong hầm thuỷ điện bị sập. Tất cả nỗ lực đều nhằm duy trì sự sống cho các nạn nhân, tìm phương án tối ưu nhất để cứu người...

Đến 3h20 sáng 18/12, tức gần 2 ngày đêm xảy ra sự cố sập hầm thuỷ điện, lực lượng cứu hộ cứu nạn tại hiện trường đã thực hiện thành công mũi khoan thứ 3 đến vị trí 12 nạn nhân bị mắc kẹt bên trong. Trước đó có 2 mũi khoan đã thực hiện thành công, gồm mũi khoan để tạo đường ống truyền thức ăn là sữa, cháo loãng và mũi khoan để hút nước.

{keywords}

        Lúc 3h20 sáng 18/12 mũi khoan thứ 3 thành công.  

Tất cả 3 mũi khoan này đều thực hiện ở hướng chính diện, phía thượng lưu của công trình đường hầm thuỷ điện bị sập.

Đến thời điểm sáng 18/12, tại đỉnh núi và phía hạ lưu của đường hầm thuỷ điện vẫn có 2 mũi khoan khác đang tiến hành. Thượng tá Trần Xuân Việt - Trưởng phòng cảnh sát bảo vệ và cơ động (PC65) công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, lúc 4h sáng 18/12 mũi khoan ở phía hạ nguồn, khi khoan được 30m thì gặp sự cố “tắc mũi khoan”. Các lực lượng đã khắc phục, thay mũi khoan khác.

Còn mũi khoan từ trên đỉnh núi xuống vị trí ngay các nạn nhân bị mắc kẹt, khi khoan sâu xuống 26m thì chạm đá.

Cũng theo thượng tá Việt, 3 mũi khoan đã thực hiện thành công ở hướng chính diện, mục đích là hút nước, cung cấp thức ăn cho 12 nạn nhân. Mũi khoan phía hạ nguồn đường kính 10,5cm nhằm tạo sự thông thoáng, cung cấp ôxy và hút nước trong hầm. 

Mũi khoan trên đỉnh núi xuống, đường kính 11,6cm cũng tương tự, cung cấp ánh sáng, khí ô xy, đưa quần áo ấm cho 12 người bên trong. Nếu mũi khoan trên đỉnh sớm thành công, sẽ dùng máy bơm để hút nước ngược từ vị trí hầm sập thoát ra ngoài.

{keywords}
Bên trong đoạn hầm bị sập

“Tất cả đang chạy đua để duy trì sự sống cho các nạn nhân. Mục tiêu trước mắt là để cho các nạn nhân có thể tiếp nhận thức ăn, là sữa, cháo loãng, được ổn định sức khoẻ. Nhờ các mũi khoan và bơm nước, hiện mực nước trong hầm đã không tăng thêm nữa…”, thượng tá Việt khẳng định.

Rạng sáng 18/12, lực lượng công nhân của Công ty Than khoáng sản VN làm nhiệm vụ tại vị trí chính diện đường hầm cho hay, tiếp xúc với các nạn nhân thông qua đường ống đã thông, cũng là đường ống tiếp tế sữa, cháo loãng, các nạn nhân nói rất rõ: “Chúng tôi rất lạnh”, “nước đến ngang lưng”, “sức khoẻ mọi người yếu dần”…

Cũng theo các công nhân trên tiết lộ, 12 người mắc kẹt đều cố gắng cách ly khỏi mực nước trong hầm bị sập đang dâng cao bằng cách đứng lên trên 1 phương tiện cơ giới có bên trong hầm. Ngoài ra các nạn nhân này đều có trong người ĐTDĐ.

Tuy nhiên, theo các công nhân nắm thông tin nạn nhân, ĐTDĐ luân phiên nhau chỉ dùng được 1 chiếc, rất hạn chế, còn lại tắt nguồn. Mục đích sử dụng ĐTDĐ là tạo nguồn ánh sáng để bơi đến tìm vị trí ống nhựa bằng 1 ngón tay út mà lực lượng bên ngoài tiếp tế sữa, cháo loãng đưa vào…

Phương án giải cứu tối ưu nhất: đào…ngách chuột

Theo quan sát của P.V VietNamNet tại vị trí hầm bị sập, lực lượng cứu hộ - cứu nạn đang cố gắng gia cố bằng các thanh sắt chắc chắn, vít chặt trên mái hầm. Nước ở bên trên rò rỉ khá nhiều kèm theo cái lạnh khoảng 12 – 13 độ C của thời tiết tại địa phương, gây không ít khó khăn cho công tác cứu hộ - cứu nạn.

{keywords}
Phương án đào hầm theo phụ đang được triển khai. 

Theo đó có 2 phương án cố gắng thực hiện nhằm giải cứu 12 người bị mắc kẹt bên trong. Ông Đỗ Việt Phong – Chỉ huy lực lượng công binh tại hiện trường cho biết, phương án mũi khoan từ phía sau (hạ lưu), sẽ tiến hành song song với phương án đào…ngách chuột (đường hầm phụ) từ phía cửa vào đoạn hầm bị sập, tức phía thượng lưu. Tuy nhiên phương án đào đường hầm phụ được đánh giá là phương án tối ưu nhất.

Cụ thể 1 đường hầm nhỏ được lực lượng công binh phối hợp cùng lực lượng của Than khoáng sản đào ở bên phải vị trí hầm bị sập. Đường hầm này có chiều ngang khoảng 1,6m, cao khoảng 1,5m, dự kiến đào khoảng hơn 30m thì tiếp cận vị trí 12 nạn nhân bị mắc kẹt nhằm giải cứu họ.

Theo ông Phong, đường hầm này được đào theo kiểu “zích zắc”, vừa né đoạn hầm sập có địa chất yếu, đồng thời nếu khi đào gặp đá cũng phái lách. 1 tốp khoảng 10 người thay phiên nhau đào, theo ông Phong, ban đầu mỗi ca khoảng 2h nhưng càng vào sâu thì thời gian mỗi ca sẽ rút ngắn lại vì không khí vào sâu bên trong khá loãng.

{keywords}
 Mũi khoan được thực hiện từ trên đỉnh núi xuống vị trí 12 người mắc kẹt đến 4h sáng thì trở ngại, khi gặp phải đá cứng.

Những đoạn hầm phụ này vừa được đào xong lập tức được gia cố bằng các đoạn gỗ được chuyển từ ngoài vào. Theo dự kiến, việc đào đường hầm dài hơn 30m nói trên tiêu tốn ít nhất cũng 2 ngày.

Một kỹ sư tên Sâm có mặt tại hiện trường giải thích, đường hầm được đào theo kiểu “zích zắc”, đồng thời theo kiểu dốc lên, dốc xuống nhằm khi vừa thông hầm không phải đối diện với áp lực nước từ trong đoạn hầm bị sập tuôn ra, việc chuyển đất vừa đào xong cũng dễ dàng hơn…

{keywords}
 Túc trực để thay ca, sẵn sàn cứu hộ 

Được biết rạng sáng 18/12 lực lượng cứu hộ cứu nạn của Sở cảnh sát PCCC TP.HCM do đại tá Nguyễn Thanh Hưởng – Phó giám đốc sở trực tiếp chỉ huy đã có mặt tại Lâm Đồng. Lực lượng này di chuyển đến bằng 2 xe gồm: 1 xe chở 45 cán bộ chiến sĩ và 1 xe chở các máy móc thiết bị gồm: máy cắt thuỷ lực, mặt nạ chống độc, bình ô xy…

Sáng 18/12, lực lượng này sẽ có mặt tại hiện trường để phối hợp tổ chức cứu hộ - cứu nạn, sớm giải cứu cho 12 người mắc kẹt bên trong.

Đàm Đệ - Trùng Dương