- Cho đến bây giờ, mỗi khi ngồi nhớ lại chuyện xưa ông vẫn còn “tiếc” vì không trực tiếp phất lá cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ-cát-tơ-ri, và một chuyện làm ông không thể nào quên đó là cốc cà phê “lẫn mùi thuốc súng” của Đại tướng mời sau khi đánh trận đầu trên đồi A1.

Ông là Hoàng Văn Đồng (SN 1921) ở Thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Hai lần đánh đồi A1 và cốc cà phê ngon nhất trong đời

Ông đã 93 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, người nhà ông bảo, những ngày này ông toàn nói chuyện Điện Biên, chuyện được Đại tướng mời cà phê, chuyện đánh đồi A1.

Ông kể, tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền tại phủ Quảng Ninh, đến tháng 10 thì gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình. Ông là một trong những đội viên đầu tiên của Chi đội Lê Trực (tiền thân của Trung đoàn 18 sau này).

Đã từng tham gia rất nhiều trận đánh như trận đường 9 - Nam Lào rồi đánh dần ra Bắc đến Mường Xén, Kỳ Sơn, phía tây tỉnh Nghệ An nhưng trận đánh trên đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn là trận đánh mà ông không thể nào quên được.

{keywords}
Ông Hoàng Văn Đồng và vợ.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện xưa, ông cẩn thận đưa ra một tập vở học sinh được ghi chép cẩn thận, đó là những ghi chép về trận Điện Biên Phủ. Nhớ lại những ngày quần nhau với địch, nhớ tiếng hò reo làm rung chuyển đất trời của hàng vạn quân sĩ, nhớ lá cờ trắng bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát-tơ-ri, ông cười rung chòm râu bạc.

“Chúng tôi đánh cứ điểm đồi A1 mất đến 35 ngày đêm, lúc đó tôi giữ chức chính trị viên Đại đội 924, Trung đoàn 174, đánh cứ điểm đồi A1 lần thứ nhất bộ đội chỉ chiếm giữ được nửa đồi.

Sau đó tôi được mời lên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đã chuyển lời động viên cán bộ, chiến sĩ và hỏi thêm về vị trí bố trí hỏa lực của địch, kết thúc câu chuyện, Người mời tôi một cốc cà phê, đó không phải là cốc cà phê duy nhất mà tôi được uống, nhưng lại là cốc cà phê ngon nhất mà tôi được thưởng thức cho đến bây giờ”.

“Sáng 6/5/1954, Trung đoàn 174 của chúng tôi được lệnh rút khỏi đồi A1, bộ đội trong đội hình xung phong quanh đồi A1 được lệnh quay lưng về phía đồi, nhắm mắt, há mồm đề phòng sức ép của khối bộc phá ngàn cân.

Khi quay lưng lại, thấy lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ- cát-tơ-ri, khắp trận địa cờ trắng xin hàng xuất hiện ngày càng nhiều, lính Pháp cầm ngang súng hướng lên trời lũ lượt ra hàng là chúng tôi chỉ biết khóc òa trong chiến thắng”.

“Tôi là ông Điện Biên”

Sau khi miền Bắc giải phóng được hai năm, năm 1956, Đại đoàn 316 được Trung ương cử trở lại chiến trường xưa để xây dựng kinh tế. Ông về nhà bàn với vợ là Bà Đoàn Thị Ruy gửi các con lại đồng bằng rồi cùng nhau lên Tây Bắc.

“Chúng tôi cưới nhau vào năm 1941, lúc ấy cả tôi và ông ấy mới 20 tuổi, từ khi lấy nhau đến năm 1958, những lần ông ấy về phép, đi công tác tranh thủ ghé thăm nhà chúng tôi sinh được 3 người con”, bà Ruy kể.

Lúc ông ấy đi bộ đội, bà ở nhà cũng là một trong những đội viên sản xuất giỏi. Ngày ông quyết định gửi lại con để lên Tây Bắc bà không những không phản đối mà còn rất ủng hộ.

Lên lại Điện Biên, ông giữ chức vụ Chính ủy hậu cần Đại đoàn 316, cũng như bao cặp vợ chồng khác đi xây dựng kinh tế, vợ chồng ông cũng tham gia lao động sản xuất trong các nông trường, trồng chè, trồng lúa, sắn, ngô…

Tháng 9/1959, khi Đoàn 959 - Chuyên gia quân sự Việt Nam sang giúp nước bạn Lào (còn gọi là Ban công tác miền Tây) thành lập thì ông được điều sang làm Trưởng ban tổ chức Đoàn 959, bắt đầu hành trình 18 năm trên đất nước triệu voi. Năm 1978, ông trở về nước với cấp bậc Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày về, ông bà còn có thêm một người con trai là Hoàng Văn Biên.

Về quê, tưởng được nghỉ thì ông lại được dân bầu đủ việc, từ Bí thư Đảng ủy bộ phận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Chủ tịch hội Nông dân, ở cương vị nào ông cũng làm tốt vai trò của mình nên rất được tín nhiệm.

Mãi đến năm trong 80 tuổi ông mới được...nghỉ hưu.

“Ở cái Thị trấn này, người ta còn gọi tôi là “ông già Điện Biên””, nói rồi ông lại cười làm chòm râu bạc rung rung...

Hải Sâm