- Cuốn sách có bìa được làm từ hai thanh gỗ, những trang “giấy” làm từ lá buông, chữ thì được viết bằng thứ mực tàu trộn với mật của một loại cá dưới suối. Trải qua hàng trăm năm, đến bây giờ cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn.

Hai cuốn sách lá hàng trăm tuổi của người Khùa hiện đang được ông Hồ Thoong (SN 1962), trú ở bản Hà Vi, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cất giữ như một vật báu gia truyền.

Cuốn sách có hình thù kì lạ

Theo chân Thượng úy Nguyễn Khánh Toàn, đội trưởng đội vận động sản xuất thuộc đồn Biên phòng Cha Lo, chúng tôi đến thăm nhà ông Hồ Thoong ở bản Hà Vy.

Khi được hỏi về cuốn sách lá có hình thù…không giống ai mà mình đang cất giữ, Hồ Thoong vào nhà trong xách ra một bó nhỏ vừa hai tay cầm có hai thanh gỗ hai bên.

{keywords}
Cuốn sách lá cổ của người Khùa

Khá bất ngờ với cuốn sách đặc biệt này vì bìa sách chính là hai thanh gỗ nhỏ và dài như ống tay người lớn. Giở những trang sách ra còn bất ngờ hơn, vì đó hoàn toàn được làm bằng các lớp lá có đục lỗ xếp chồng lên nhau.

Sờ tay lên đó, người xem có thể cảm nhận được đây không giống những cách viết chữ thông thường mà chữ viết ở đây được người xưa dùng vật nhọn để khắc.

Chính Hồ Thoong cũng không biêt cuốn sách được làm như thế nào, chỉ nghe bố kể lại rằng, người Lào gọi loại lá được dùng để viết sách là lá tan hay lá buông (trông giống lá cọ của người Việt Nam), khi cây này ra lá non, người ta phải buộc ngọn lá lại trong vòng một năm trời, không cho lá bung ra, có như thế lá mới cứng và có thể khắc được chữ.

{keywords}
Sách được viết bằng chữ Lào cổ

Sau khi lá được buộc một năm, người ta đưa về phơi khô, loại mực được dùng là mực tàu, trộn với mật của một loại cá chỉ sống ở khe suối.

Khi viết, người ta lấy một thanh sắt nhỏ, mài nhọn rồi nhúng vào mực, sau đó khắc lên từng lớp lá mỏng nhưng rất cứng.

Viết được một cuốn sách dày khoảng 150 đến 200 trang như thế này không phải dễ, ngoài những kiến thức tổng hợp, người viết phải vô cùng cần mẫn và cẩn thận.

Phải mất cả năm trời mới viết được một cuốn sách như thế này nên số sách lá chỉ được tính trên đầu ngón tay.

Vẫn còn là một bí ẩn

Quyển sách đang được Hồ Thoong cất giữ dài khoảng 50 cm có 150 trang với mỗi trang rộng chừng 5 cm, trên đó có viết 4 dòng dòng chữ viết.

Quyển thứ hai dài khoảng 60 cm có 200 trang, mỗi trang có 4 dòng chữ viết được ông Hồ Phoong giao nộp cho Đồn Biên Phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo tạm thu nhận nghiên cứu.

Những quyển sách như thế này được gọi là "Mạy mặc tàn" (tiếng Lào), tiếng Khùa gọi là "Phôộc năng xừ" (có nghĩa là sách lá). Sách thường được viết trên các loại lá như lá cây thốt nốt ở Campuchia, lá cây Bay lan (1 loài cây buông ở Lào).

Hồ Phoong nói: “Cuốn sách này do đời cố tôi để lại, lúc còn bé, tôi đã nhiều lần thấy ông nội lấy ra đọc rồi dạy lại cho bố tôi.

{keywords}
Nội dung cuốn sách đến nay vẫn là một ẩn sổ

Chiến tranh loạn lạc, bố tôi nhiệt tình tham gia cách mạng nên không còn nhớ đến việc phải dạy lại cho con cháu. Trước khi mất, bố tôi đã dặn lại con cháu phải cất giữ cẩn thận cuốn sách này”.

Theo lời kể của một vài cao niên trong bản thì cuốn sách là nơi ghi chép gốc tích, lịch sử, văn hóa, những phong tục tập quán của người Khùa.

Bên cạnh đó còn ghi chép điều hay lẽ phải, khuyên răn về đạo đức, các bài học kinh nghiệm về thời tiết, đất đai, trồng trọt, hái lượm mà cha ông muốn truyền lại cho con cháu.

Còn theo ông Hồ Kết (110 tuổi), ở bản Y Leng thì loại sách lá này ghi lại những bài tụng niệm trong các dịp tang lễ, cúng bái giống như các bài văn khấn tế của người Kinh.

Trải qua mấy thế hệ, đã bao lần lũ lụt, chiến tranh, chuyển nhà…nhưng cuốn sách hàng trăm năm tuổi vẫn nguyên màu mực.

Mặc dù cuốn sách đã được Ban dân tộc và Miền núi tỉnh Quảng Bình, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo…mượn để nghiên cứu nhưng cho đến nay, những câu chữ trong đó vẫn còn là một ẩn số.

“Tôi rất muốn xem cuốn sách nói gì, đời tôi không đọc được thì đời con, đời cháu, đời chắt tôi cũng được. Chúng tôi vẫn quyết tâm giữ gìn cuốn sách vì đó là tài sản lớn mà cha ông đã để lại cho chúng tôi”, Hồ Thoong nói.

Hải Sâm