- Bị tạm giam từ lúc 22 tuổi, nay bị cáo đã gần tròn 30. Ngày mai (18/5), bị cáo lại ra tòa và đây là sẽ phiên tòa thứ 5… Con đường xác định sự thật của vụ án liệu có điểm dừng hay cứ thế kéo dài một cách bất tận?
 
Theo cáo trạng, ngày 12/11/2004, Lê Bá Mai được thuê đi rải phân trồng mì. Thấy hai cháu Thị Út (11 tuổi), Thị Hằng (9 tuổi) đang mót củ đậu gần đó, Mai đã chở Thị Út vào vườn mít và đòi giao cấu.

Thị Út không đồng ý nên Mai đã chặt vào gáy khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, bị cáo thực hiện hành vi hiếp dâm và dùng quần siết cổ nạn nhân cho đến chết. Ở cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vào năm 2005, Mai bị kết án tử hình về tội hiếp dâm, giết người.

Bị cáo Lê Bá Mai

Tử tù Lê Bá Mai sau đó đã có đơn kêu oan. Vụ án “vườn mít” đã gây nên mối quan tâm sâu sắc của dư luận. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có thư gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xem xét lại vụ án vì có rất nhiều mâu thuẫn, sai sót trong vụ án.

Ngày 12/12/2006, Viện trưởng VKSNDTC đã ra kháng nghị giám đốc thẩm thừa nhận việc tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Mai là “chưa có căn cứ vững chắc” và yêu cầu làm rõ một số vấn đề.

Ngày 5/2/2007, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ra quyết định giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại do có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng cũng như còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Ngày 13/7/2010, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lại vụ án từ đầu. Tuy nhiên, do còn nhiều mâu thuẫn trong các chứng cứ buộc tội nên lại một lần nữa HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ những vấn đề trên.

Ngày 1/11/2010, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Phước đã có bản kết luận điều tra bổ sung. Tuy nhiên, bản kết luận này vẫn không làm sáng tỏ thêm điều gì ngoài một số giải thích theo chủ quan của mình.

Vụ án Lê Bá Mai đặt ra một số vấn đề lớn liên quan đến pháp luật tố tụng hình sự của chúng ta, trong đó có vấn đề xét xử. Tòa án được trả hồ sơ và xét xử bao nhiêu lần? Nếu vẫn không bổ sung được thì xử lý ra sao? Lúc nào thì việc xét xử phải được kết thúc? Có giới hạn cho việc đó không hay là vụ án có thể kéo dài một cách vô thời hạn?

Vấn đề này dường như đã không được quy định cụ thể trong pháp luật tố tụng hình sự. Chính vì vậy, không có gì khó hiểu khi Lê Bá Mai bị tạm giam ròng rã bảy năm và vẫn chưa thể biết khi nào thì số phận của mình được định đoạt.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vấn đề quan trọng không phải ở chỗ cần phải quy định cụ thể thời hạn mà vấn đề nằm ở chỗ khác. Sẽ phi lý đến nhường nào khi buộc một nghi phạm (theo quy định, họ vẫn chưa phải là người có tội) phải chịu cảnh giam cầm một cách vô thời hạn để chờ đợi cho đến khi sự thật của vụ án được làm sáng tỏ.

Giả sử như sự thật vẫn không được làm sáng tỏ thì sao, chẳng lẽ cứ bắt họ phải chịu đựng như vậy? Để giải quyết vấn đề này, pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới đã đề ra nguyên tắc “thà bỏ sót tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”.

Kẻ phạm tội phải bị trừng trị thích đáng, tuy nhiên cũng có những trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng vì nhiều lý do không thể chứng minh được tội phạm.

“Không chứng minh được thì nghi phạm phải được tuyên vô tội”. Đây là một nguyên tắc tiến bộ rất cần được áp dụng trong xét xử các vụ án hình sự ở nước ta. Mặc dù chưa được thừa nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng thực chất nguyên tắc này đã được áp dụng trong không ít vụ án hình sự ở Việt Nam.

Việc áp dụng này không hề trái luật, ngược lại giải oan cho nhiều thân phận. Ví dụ như vụ án vườn điều (Bình Thuận), vụ án Nguyễn Minh Hùng (Tây Ninh), vụ án Phạm Thị Út (TP.HCM), vụ án Nguyễn Đình Chiến v.v… Để có được những quyết định như vậy đòi hỏi người cầm cân nảy mực không chỉ phải có bản lĩnh, năng lực mà còn phải có lòng dũng cảm và một tình yêu công lý thực sự.

  • Nguyên Tấn

Vụ án có rất nhiều mâu thuẫn trong các lời khai, chứng cứ. Cụ thể: Theo kết quả giám định, “không phát hiện thấy có vết tinh dịch và xác tinh trùng trong mẫu ghi thu dịch âm đạo của nạn nhân”.

Cháu Hằng, nhân chứng trực tiếp duy nhất thoạt đầu khai nhìn thấy “một thanh niên” chở Út đi, sau đó lại khai người chở Út đi là Mai. Còn bị cáo lúc đầu không nhận tội, sau lại thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội.

Hằng khai nghi phạm chở Út đi trên một chiếc xe máy, trên xe có một bình đựng nước đá màu đỏ. Trong khi, chủ trang trại nơi bị cáo làm thuê khai không hề có đồ vật nói trên.

Cơ quan khi thu giữ cũng không lập biên bản. Mai lúc thì khai nạn nhân mặc quần lửng màu xám, khi lại khai mặc quần lửng thun màu trắng đục. Trong khi đó, nhân chứng Hằng và Điểu Ky thì khẳng định Út mặc quần lửng màu xanh. Còn Biên bản khám nghiệm tử thi lại xác định “xiết quanh cổ nạn nhân là chiếc quần thun ống dài có hai túi”.

Hay chi tiết củ đậu được cho là của nạn nhân ăn dở tại hiện trường. Đây là củ đậu được phát hiện sau 5 ngày xảy ra vụ án (từ ngày 12 đến ngày 17/11/2004). Theo bản ảnh hiện trường, củ sắn có màu sắc còn tươi trắng. Trong khi đó, bản ảnh thực nghiệm của luật sư cho thấy củ sắn bị phân hủy và chuyển sang màu sẫm v.v…