- Trong cuộc họp ngày 4/1 về sự cố sập giàn giáo dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Thăng đã cảnh cáo Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vì để mất an toàn giao thông, mất an toàn thi công.

Theo ông Trịnh Xuân Cường, chuyên gia Tổ tư vấn Bộ GTVT, tai nạn xảy ra do cấu tạo đà giáo không phù hợp, thi công không đúng bản vẽ thiết kế được duyệt.

Do vậy, ông Cường kiến nghị cần phải điều chỉnh thiết kế đà giáo đảm bảo an toàn trong thi công.

Tương tự, ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT cho biết đà giáo kém ổn định, kém liên kết, khả năng cấu tạo không thống nhất. Hệ đà giáo có khả năng chịu tác động ngang kém nên lệch tâm.

{keywords}

Sự chỉ đạo thi công thiếu trách nhiệm của Tổng thầu EPC Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến các vụ sập giàn giáo tại đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Trong khi đó, tư vấn và nhà thầu đã không giám sát chặt chẽ đã dẫn đến sự cố.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, Tổng thầu EPC đã thực hiện dự án không tốt nên đã xảy ra nhiều sự cố thời gian qua, điều này gây bức xúc và cả phẫn nộ trong nhân dân, khiến người dân đi qua hạng mục của dự án thấy lo sợ và ám ảnh.

Trước đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía Tổng thầu không chịu thực hiện.

Bộ trưởng Thăng đã cảnh cáo Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc trong việc triển khai dự án vì những lý do để mất an toàn giao thông, mất an toàn thi công.

“Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông không phải là nơi để Tổng thầu EPC Trung Quốc thí điểm đưa các cán bộ, kỹ sư thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm sang làm việc để rồi người dân Việt Nam phải chịu những tai nạn do thi công mất an toàn trong thời gian qua. Do vậy, Tập đoàn Cục 6 phải thay thế ngay Tổng chỉ huy công trường và tăng cường các kỹ sư, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm, lương tâm sang làm việc”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.

Ông Thăng cũng yêu cầu Hợp đồng với tư vấn giám sát cũng phải chấm dứt và thay mới bằng một đơn vị do Bộ GTVT chỉ định.

Người đứng đầu ngành giao thông đã chỉ ra rằng Tổng thầu đã ký quá nhiều hợp đồng với các nhà thầu phụ để chia lợi nhuận, trong khi các nhà thầu phụ này lại thiếu năng lực và thiếu kinh nghiệm. Do vậy, Tổng thầu cần chấm dứt toàn bộ các nhà thầu phụ hiện nay và ký hợp đồng trực tiếp với các Tổng công ty Xây dựng Giao thông (CIENCO) của phía Việt Nam.

Ngoài ra, Tập đoàn Cục 6 phải rà soát lại toàn bộ dự án, thống nhất lại toàn bộ quy trình thi công, giám sát, nghiệm thu và thanh toán trong tháng 1/2015.

Bộ GTVT sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để thẩm tra đánh giá lại toàn bộ chất lượng, tiến độ dự án này. Tổ công tác này sẽ mời các chuyên gia hàng đầu về giao thông vận tải dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm việc với Tổng thầu để lựa chọn tư vấn giám sát, đồng thời rà soát lại toàn bộ tiến độ, chất lượng cũng như quy trình thi công.

“Nếu Tập đoàn Cục 6 không chấp nhận phương án đó, tôi sẽ báo cáo Chính phủ chấm dứt hợp đồng và kiến nghị thay Tổng thầu khác. Đây là cơ hội cuối cùng để Tập đoàn Cục 6 khắc phục và sửa sai", Bộ trưởng Thăng nói.

Ông Thăng cũng khẳng định không chấp nhận bất cứ trường hợp sự cố hay tai nạn nào xảy ra nữa.

Theo ông Chu Hằng Vũ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 nói rằng, ông tôn trọng ý kiến của Bộ trưởng Thăng, sẽ nghiêm chỉnh chấp hành và có hình phạt nghiêm khắc với những người liên quan bên phía Tổng thầu.

Lãnh đạo Tập đoàn Cục 6 cũng cam kết sẽ làm lại quy trình, kiểm tra tư cách và năng lực nhà thầu phụ. Các nhà thầu phụ không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị thay thế.

Đồng thời, Tập đoàn Cục 6 cũng xin lỗi người dân Việt Nam sau khi xảy ra các sự cố trên công trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thời gian qua.

Video: Bộ trưởng Thăng cảnh cáo tổng thầu Trung Quốc

Bộ trưởng Thăng đã cảnh cáo Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc trong việc triển khai dự án vì những lý do để mất an toàn giao thông, mất an toàn thi công.

Vũ Điệp