- Sáng nay (7/1) nhiều tài xế Taxi Uber quây quanh lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở GTVT TPHCM để phản ứng gay gắt khi bị xử phạt các lỗi không gắn logo, phủ hiệu hãng xe, không có hợp đồng giữa hành khách và chủ xe.

Sáng 7/1, tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất (Q. Tân Bình, TPHCM), lực lượng TTGT đội 1 đã phối hợp với đội 8, thuộc Sở GTVT TPHCM tiến hành ra quân xử phạt xe taxi kinh doanh theo mô hình dịch vụ Uber.

{keywords}
Thanh tra giao thông xử phạt xe taxi chạy theo mô hình dịch vụ Uber ở sân bay Tân Sơn Nhất 

Ghi nhận của P.V VietNamNet, trong sáng 7/1 có khoảng 10 phương tiện bị lực lượng chức năng kiểm tra xử phạt.Hầu hết các phương tiện đều bị phạm các lỗi như không gắn logo, phù hiệu khi tham gia dịch vụ chuyên chở hành khách và không có hợp đồng giao kết giữa chủ xe với khách hàng.

Theo quan sát của P.V, dù vi phạm về hình thức kinh doanh dịch vụ Uber nhưng nhiều tài xế vẫn không hiểu, quây quanh thanh tra để phản ứng, khiến lực lượng TTGT mất rất nhiều thời gian giải thích.

{keywords}
Kiểm tra giấy tờ xe. 

Ông Đoàn Đức Nguyên (hành khách đi taxi Uber bị xử phạt trong sáng cùng ngày) cho biết: Sáng nay, do có việc gấp ông đăng ký dịch vụ Uber đi xe taxi từ Hồ Con Rùa (Q.3) vào đến sân bay Tân Sơn Nhất với giá 90.000VNĐ. Như vậy, giá cả đi lại xe taxi Uber rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống, tuy nhiên khi đến sân bay tài xế đã hối thúc ông mau xuống xe vì sợ bị thanh gia giao thông bắt xe.

“Xe vừa đến sân bay tài xế hốt hoảng bảo tôi xuống xe nhanh không thì bị bắt. Tôi quay lại hỏi xe taxi sao lại bị bắt thì được tài xế đáp là xe chạy trốn thuế. Kết quả, khi tôi vừa bước xuống, chiếc xe này đã bị TTGT giữ lại lập biên bản về lỗi không gắn logo và không có hợp đồng giao kết giữa chủ xe với khách hàng”- ông Đức cho biết.

Ông Đức nhìn nhận, tâm lý khách hàng ai cũng mong muốn được xử dụng dịch vụ giá rẻ. Tuy nhiên với kiểu kinh doanh như taxi Uber mà ông đi sáng nay thì không hay chút nào.

“Cách đây hơn 1 tháng, tôi từng đi taxi Uber và quên hành lý trên xe. Tôi có liên hệ thì họ không giải quyết, họ nói không ai quản lý tài xế đó. Sau đó tôi đến công an P.4, Q.10 để báo mất tài sản nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Vậy là tiền bạc hành lý của tôi đã mất hết” – ông Đức bức xúc       

Được biết Uber là dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Dịch vụ này được định giá lên tới 17 tỷ USD và đã xuất hiện tại 130 thành phố trên toàn thế giới. Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng.

{keywords}
Thanh tra xử phạt dù bị phản ứng từ giới tài xế.

Trước đó, ngày 25/12/2014, trong công văn trả lời Hiệp hội Taxi TP.Hà Nội, Hiệp hội Taxi TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Công ty Uber chỉ ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh về giấy phép, phương tiện, lao động…theo đúng quy định của luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã hoặc sẽ ký hợp đồng với Công ty Uber phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi cung cấp phương tiện, lái xe có sử dụng phần mềm Uber, đặc biệt là thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị thanh tra đột xuất và định kỳ, nếu không đảm bảo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Uber chịu trách nhiệm liên đới.

Tuấn Kiệt