- Nhiều DN vận tải không chịu giảm giá cước hoặc giảm chưa tương ứng với giá xăng dầu, khi bị lực lượng chức năng “sờ gáy” đã tỏ ra băn khoăn vì không biết mình bị phạt dựa vào điều luật nào?!

Ông Nguyễn Trọng Hài - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho biết về công tác kiểm tra rà soát việc hạ giá cước vận tải theo giá xăng dầu tại địa phương.

Truy đến cùng DN không chịu giảm giá cước!

Ông Nguyễn Trọng Hài cho biết: Đến thời điển này toàn tỉnh Lào Cai có 47/52 đơn vị vận tải ô tô cố định liên tỉnh giảm giá cước vận tải theo giá xăng.

8/9 DN vận tải taxi cũng đồng loạt giảm giá cước. Tuy nhiên, các tuyến vận tải cố định hoạt động trong tỉnh chỉ có 30/62 DN và Hợp tác xã vận tải giảm giá cước.

{keywords}
DN vận tải không chịu giảm giá cước  theo giá xăng dầu sẽ kiểm tra xử lý ? (Ảnh minh họa)

Việc giảm của các DN vận tải trong toàn tỉnh Lào Cai được ông Hài cho biết, chỉ dừng ở mức từ 3-12,5%.

Để chấn chỉnh các DN, theo ông Hài, hiện nay lực lượng liên ngành Sở Tài chính và GTVT đang tiếp tục tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị không giảm giá cước nếu vi phạm.

Theo Bộ GTVT: Từ ngày 15/1/2015 Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines - Vasco,) triển khai bổ sung chính sách giảm giá trên các đường bay kinh tế - xã hội cho các hành khách có hộ khẩu thường trú; quân nhân, công nhân viên chức Nhà nước làm việc tại Côn Đảo, Cà Mau, Pleiku.

Theo đó, giá vé đường bay TP.HCM - Côn Đảo được giảm giá thêm 5%, nâng tổng mức giảm là 30% so với giá vé thông thường, tương ứng giảm từ 1.550.00 đồng/ vé chiều tối đa là 1.085.000 đồng/vé một chiều.

Giá vé đường bay TP.HCM - Cà Mau và Đà Nẵng - Pleiku đều được giảm giá 15% so với giá vé thông thường, tương ứng mức giảm tối đa là 1.550.000 đồng/vé một chiều còn 1.317.500 đồng/vé một chiều.

Trong khi đó, 2 hãng Jetstar Pacific và Vietjet đều không tham gia khai thác trên các đường bay kinh tế - xã hội. Do thị trường cạnh tranh, Jetstar Pacific đã thực hiện giảm giá vé trên hầu hết các đường bay từ tháng 5/2014; Vietjet Air cũng thực hiện giảm giá hạng vé skyboss trên hầu hết các đường bay.

"Với những DN vận tải đã giảm giá cước, khi rà soát, kiểm tra lại thấy mức giảm chưa phù hợp cũng sẽ bị xử phạt nghiêm”, ông Hài cho khẳng định.

Trong khi đó, kết quả kiểm tra giá cước vận tải tại 2 DN taxi lớn nhất ở Hà Nội ngày 23/1 vừa qua, được đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội tiết lộ: cả 2 đơn vị này đều giảm giá cước chưa thỏa đáng, mức giảm còn khá thấp so với giá xăng dầu.

Từ thực tế này, Sở Tài chính đã yêu cầu 2 đơn vị taxi này phải cam kết giảm giá cước trước ngày 28/1, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm.

Trước đó, tại Nghệ An, hôm 21/1 vừa qua, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản xử lý tại 1 đơn vị vận tải tuyến cố định 10 triệu đồng do có sai phạn trong đăng ký, kê khai, niêm yết giá cước tại bến xe.

Tại Hải Phòng, trong năm 2013 và 2014, Sở GTVT đã kiểm tra và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối vơi 9 đơn vị kinh doanh vận tải liên quan đến việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải. Tổng mức tiền xử phạt khoảng 45 triệu đồng.

Vì sao xử phạt DN?

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết: Theo quy định, khi lực lượng liên ngành (Sở Tài chính và GTVT) đi kiểm tra, nếu DN vận tải không chịu giảm giá cước, hoặc nếu không kê khai giá cước… sẽ bị phạt theo điều 11 Luật giá (Nghị định 109/2013/ NĐ- CP của Chính phủ). 

Tùy theo mức độ vi phạm DN vận tải có thể bị phạt từ 5 đến 30 triệu đồng. Mức phạt cao nhất cộng dồn có thể lên tới 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Liên cũng cho hay, thực tế hiện nay có tình trạng DN vận tải không chịu giảm giá cước hoặc giảm chưa tương ứng với giá xăng dầu, khi bị lực lượng chức năng “sờ gáy” đã tỏ ra băn khoăn vì không biết mình bị phạt dựa vào điều luật nào?!

Các DN vận tải đưa ra lý do, khi ban hành Nghị định về Luật giá, 'họ không được tuyên truyền rộng rãi', chỉ đến khi bị phạt mới “tá hỏa”.

Liên quan đến thắc mắc của DN, bà Phạm Thị Thu Hiền - Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT) thông tin: Những DN vận tải không kê khai giảm giá cước theo giá xăng dầu sẽ bị xử phạt theo điều 11 Nghị định 109/2013/ NĐ- CP của Thủ tướng Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí…

Mức phạt này đã được Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày sau khi giá xăng giảm 1.900 đồng/lít, về mức 15.670 đồng/lít hôm 21/1 vừa qua.

Văn bản Bộ Tài chính gửi nêu rõ: Các đơn vị không thực hiện kê khai giá theo quy định sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

"Các đơn vị đã kê khai giảm giá cước thì yêu cầu tiếp tục tính toán lại để kê khai lại theo đúng quy định. Nếu các đơn vị cố tình kê khai giảm giá chưa phù hợp, tùy theo tình hình, có thể tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá của các đơn vị và xử lý theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn" - bà Hiền cho hay.

Điều 11, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kê khai giá sai so với mẫu văn bản kê khai giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng các mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân quy định khi đăng ký giá không đúng với hướng dẫn về phương pháp tính giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ tiền chênh lệch giá do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều này do đăng ký giá không đúng với hướng dẫn về phương pháp định giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Vũ Điệp