- Họ thích lấy trộm những đồ vật mà không vì mục đích sử dụng hay đem bán. Trong số họ nhiều người rất giàu và có điều kiện kinh tế dư dả.

Khổ vì mẹ thích trộm đồ tại nhà hàng 5 sao

Anh Nguyễn Đức Dũng, 43 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM rất khổ sở khi chia sẻ về trường hợp của mẹ mình.

Gia đình anh Dũng khá giả, bản thân mẹ ruột của anh trước khi về hưu cũng là giám đốc doanh nghiệp. Hiện nay, đã ở tuổi 70 nhưng bà vẫn khá minh mẫn và đang điều hành hai cửa hàng thuộc lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp.

Tuy nhiên, trong sinh hoạt thường nhật, anh Dũng đã nhiều lần khóc dở mếu dở về tật hay táy máy của mẹ mình.

“Cả nhà đi ăn ở một nhà hàng 5 sao, mỗi phần ăn có giá đến vài chục USD. Vậy mà tôi thấy mẹ hí hoáy quấn dao, nĩa của người ta vào trong vạt áo, giấu đem về. Nói ra thì sợ mẹ tự ái nhưng tôi rất xấu hổ, chỉ sợ nhân viên nhà hàng bắt quả tang thì… ôi mặt” – anh Dũng nói.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm  thần TP.HCM cho rằng, những trường hợp như trên có khả năng bị mắc căn bệnh Kleptomanie, tức là cơn xung động ăn cắp vặt điển hình.
Chưa hết, vợ chồng anh Dũng nhiều phen cãi vã đến mức suýt tan vỡ vì mẹ hay…giấu đồ: “Khổ lắm, cứ thấy con cái mua cái gì mới là bà cụ đem giấu hết, bà có dùng được đâu nhưng mà…thích thế. Có lần bà xã mua cho tôi đôi giày Italia, giá vài trăm USD, để trước cửa phòng, sáng ngủ dậy…mất tiêu. Hỏi mà cụ cứ bảo không biết. Đến cuối năm, tôi phụ vợ dọn dẹp nhà thấy đôi giày giấu ở gầm cầu thang”.

Anh Dũng và vợ vô cùng khổ tâm khi lâu lâu trong nhà lại xuất hiện lúc thì cái bếp lò cũ, lúc thì chén đĩa, tách cà phê in logo của nhà hàng, nhiều bữa mở tủ bếp phát hiện nguyên một ngăn toàn là đường và tăm đóng gói nhỏ , loại mà tiệm ăn hay để từng hũ trên bàn cho khách tiện sử dụng.

“Biết sao bây giờ, đây là vấn đề tế nhị, rất khó nói, mẹ mình thì mình phải chịu thôi!” – anh Dũng thở dài thườn thượt.

Nhiều lần muối mặt vì vợ

Tương tự trường hợp của anh Dũng, anh Nhiên, chủ tịch của một tập đoàn kinh doanh thiết bị tin học, ngụ tại quận 5 TP.HCM cũng muối mặt vì bà xã từng bị bắt quả tang trong lúc ăn cắp vặt.

Anh Nhiên kể: “Hôm đó, cả nhà tôi đi nghỉ dưỡng ở khu resort cao cấp tại Mũi Né. Giá phòng ở đó rất mắc, gần 200 USD/ngày. Khi trả phòng ra về, cô phục vụ báo lên lễ tân là thiếu một áo choàng tắm và gạt tàn thuốc lá. Lúc đó vợ tôi cứ chối bay chối biến. Rốt cục chúng tôi phải đền tiền cho hai món đồ nói trên. Trong bụng tôi tức lắm, nghĩ cái bọn này kinh doanh khách sạn cao cấp kiểu gì mà bị mất đồ rồi bắt khách phải đền. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau tôi ngã ngửa vì thấy chiếc áo choàng tắm kia được…mắc trong tủ quần áo của vợ mình”.

Đặc biệt, việc đó không chỉ xảy ra với anh Nhiên một lần mà lặp đi lặp lại.

Anh Nhiên nhăn nhó: “Khổ thế, tại sao cô ấy phải làm như vậy? Nhà tôi có thiếu thứ gì đâu, mỗi tháng tôi đưa cho cô ấy cả vài chục triệu để tiêu xài. Tự dưng tôi có cái nhìn khác về vợ, rất sợ sau này con cái học theo cái tính đó của mẹ”.

Cách đây không lâu, Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.HCM cũng tiếp nhận một phụ nữ tên Nguyễn Thị T. T., sinh năm 1976, quê Long An.

Cô này bị bắt giữ vì tội chiếm đoạt nhiều máy tính xách tay về để…ngắm.

T. đã từng được bác sĩ yêu cầu phải điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán, TP.HCM.

Trao đổi với PV VietNamNet, Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm  thần TP.HCM cho rằng, những trường hợp như trên có khả năng bị mắc căn bệnh Kleptomanie, tức là cơn xung động ăn cắp vặt điển hình.

Đây là một bệnh lý, nhiều khi bản thân người bệnh không thể tự điều khiển được hành vi của mình. Những đối tượng mắc phải bệnh Kleptomanie rất đa dạng, đa phần rơi vào tầng lớp giàu có.

Đặc điểm của bệnh nhân mắc Kleptomanie là xuất hiện cơn xung động ăn cắp để thỏa mãn thích thú cá nhân. Có thể nói họ nghiện ăn cắp và chẳng cách nào dứt ra được dù biết việc đó là không đúng đắn.

Những trường hợp này rất khó điều trị, bởi không chỉ bản thân người bệnh mà gia đình họ xấu hổ, không dám đưa bệnh nhân đi khám để bác sĩ tư vấn.

Đáng tiếc, thân nhân của người bị Kleptomanie không nghĩ họ mắc bệnh mà cho đó là tật xấu.

Các bác sĩ khuyến cáo, để điều trị, trước tiên gia đình phải thông cảm với người bệnh, tế nhị giải thích cho họ hiểu, đừng sĩ diện mà hãy đưa họ đi khám để tránh hậu quả đáng tiếc.

“Ăn cắp là hành vi phạm pháp, chưa kể nếu bị phát hiện có thể sẽ bị người ta đánh đập chứ đâu cần biết bạn bị bệnh hay không…” – bác sĩ Quang nói.

Để điều trị bệnh Kleptomanie, các bác sĩ chuyên khoa Tâm lý, tâm thần sẽ dùng liệu pháp hành vi tác phong kết hợp với thuốc Nalfrexone chống tái nghiện.

Thuốc này có khả năng ngăn chặn tương tác thần kinh trong não, giảm sự hưng phấn khi ăn cắp, từ đó bệnh nhân sẽ không muốn ăn cắp nữa.

Ngọc Nhi