Họ là những người gây ra tội lỗi, phải trả giá bằng sự lao động, cải tạo, phải cách li cộng đồng. Nhưng đối với mẹ, dù gây ra tội gì, dù xấu xa đến đâu, họ vẫn là những đứa con cần che chở. Trong môi trường cải tạo ở trại giam, nhiều người mới nhận ra, chẳng ai yêu mình bằng mẹ. Và họ đã thực sự ân hận, quyết tâm làm lại cuộc đời với những lá thư đẫm nước mắt gửi cho mẹ của mình, mong sao năm mới an lành hơn, hạnh phúc hơn, dẫu họ chưa được về…

Không ai cầm được nước mắt khi nghe phạm nhân Phạm Văn Bắc, Trại giam Suối Hai đọc bức thư gửi mẹ. Những lời của Bắc đã như nói hộ nỗi lòng cho nhiều phạm nhân khác cùng hoàn cảnh, cùng một nỗi ăn năn hối cải vì những lỗi lầm mình đã gây ra cho những người đã sinh thành dưỡng dục cũng như cho cộng đồng xã hội.

“Mẹ yêu của con! Mẹ ở nhà có khỏe không? Mỗi ngày mẹ đi làm về có mệt lắm không? Ở đây sao con nhớ mẹ nhiều quá. Suối Hai những ngày mưa trời se lạnh, con lại càng nhớ mẹ thật nhiều. Nhưng khi ngồi nhớ về mẹ như bây giờ con mới có cơ hội nhìn lại bản thân lúc trước: ngang ngược và luôn cãi lời mẹ, con sống buông thả… Con đã bỏ ngoài tai những điều mẹ nói vì con cứ nghĩ con đã 26 tuổi, đâu phải tất cả một mực nhất nhất theo ý mẹ để hôm nay con nhận được kết quả đắt quá mẹ ơi!.

{keywords}
Cán bộ trại giam Thanh Lâm hướng dẫn phạm nhân lao động

Nước mắt con lại rơi, hình ảnh mẹ mờ nhòa đi trong nước mắt của con và con đã không khóc nữa. Con dặn lòng vì mẹ đã phải vất vả thức dậy từ 3 giờ sáng đi chợ kiếm đồng tiền nuôi con trong thời gian con chấp hành án phạt tù nên con phải cải tạo cho thật tốt. Nếu có một điều ước, con ước thời gian quay lại để con sẽ trân trọng những ngày con được ở bên mẹ hơn, ăn những món mẹ nấu, nghe lời mẹ nhiều hơn, không làm mẹ buồn nữa. Cầu chúc cho mẹ yêu thật nhiều sức khỏe, sẽ không buồn và khóc nữa. Khi con hết án trở về, con sẽ làm cuộc sống của mẹ hạnh phúc hơn. Mẹ nhé!”.

Hôm Bắc và mẹ được gặp nhau, hai mẹ con ôm nhau khóc mãi không thôi. Bàn tay gầy guộc chai sạn của người mẹ đã ngoài 60 tuổi quanh năm dầm dãi nắng mưa siết chặt vai đứa con trai vạm vỡ. Mãi sau bà mới nghẹ ngào “mẹ tin con”.

Bắc là một trong hàng nghìn phạm nhân đã gửi đến đấng sinh thành của mình lời xin lỗi thật lòng, những cánh thư gửi mẹ khi mùa xuân đang đến thật gần không chỉ là sự sám hối thật lòng mà còn là sự quyết tâm vươn lên làm lại cuộc đời của những người từng vấp ngã…

Những nét chữ nguệch ngoạc nhưng đẫm nước mắt là những dòng tâm sự của phạm nhân Lê Thị Anh Đào ở Trại giam Thanh Xuân gửi mẹ. Mỗi chữ, mỗi câu là những gì cô dứt ruột ra sau gần 7 năm thi hành án.

Nhớ lại những ngày xưa, khi còn thơ bé, Đào ân hận, giá như. “Mẹ ơi! Khi con ở bên ngoài con biết mình là đứa cứng đầu thích làm theo những suy nghĩ của mình mà bỏ ngoài tai những lời khuyên hay nhắc nhở của người khác! Con đã mắc phải một lỗi lớn mà có lẽ cả đời này con không tha thứ cho chính bản thân mình. Cứ nghĩ giấu mẹ làm điều sai, mẹ không biết đâu và rồi cứ giấu hết lần này đến lần khác. Giờ đây mỗi lần nghĩ đến và tự kiểm điểm lại chính mình, con thật hối hận vô cùng, luôn dằn vặt bản thân trong tiếc nuối, hạnh phúc tự mình đánh mất đi. Tình thân cũng tự mình vứt nó. Cái mặc cảm tội lỗi không bao giờ xoa dịu được tâm hồn thế đấy mẹ ạ. Mẹ à! Cuộc sống trong môi trường này tuy khắc nghiệt nhưng nó đã dạy con trưởng thành và chín chắn hơn rất nhiều, con đi học cách sống tốt hơn, biết kìm chế ham muốn tầm thường để tìm đến một cái đích – Đó là sự tự do”.

Còn phạm nhân Hoàng Lan, ở Trại giam Đắc Trung gửi cho mẹ với tất cả sự ân hận thầm kín “Mẹ ơi! Lại một năm nữa sắp lặng lẽ trôi qua, là đêm dài con nhớ về mẹ, không biết nơi căn nhà từng đầy ắp tiếng cười của cả đại gia đình sum vầy sau những ngày lao động vất vả để mưu sinh mẹ đã được yên giấc chưa? Hay mẹ vẫn nghĩ đến con đứa con gái của mẹ đang phải nằm trong trại cải tạo ở tận phương trời xa lạ làm mẹ xót xa đau lòng không thể tìm đến giấc ngủ bình yên hả mẹ? Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ. Mẹ ơi!”.

Trong thư của mình, Lan nhớ về những ngày hạnh phúc, rồi những lỗi lầm đã gây ra cho cha mẹ mình, để rồi, khi Lan đi thi hành án, người cha đau lòng quá không vượt qua được bệnh tật, tuổi già đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, còn mẹ Lan – người đã cả đời vất vả, ngày càng héo hon vì lo lắng.

Sau gần 2 năm ở trại giam, được cán bộ quản giáo động viên, giáo dục, Lan đã hiểu ra tội lỗi của mình. Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức án 12 năm tù, Lan biết, mình đã đánh mất tất cả, từ công việc ổn định đến cả danh dự gia đình.

Lúc đầu, Lan chán nản, tiêu cực bởi đã làm xấu đi hình ảnh dòng tộc vốn có nhiều người làm cán bộ Nhà nước, bố đóng góp 1 phần xương máu ở chiến trường, được coi là gia đình mẫu mực tại địa phương. Nhưng được các cán bộ quan tâm, động viên, phân tích rõ đúng sai, Lan đã dần tiến bộ.

Có lẽ, thấm thía nỗi đau của mẹ nhất là phạm nhân Hà Minh Hiệp ở Trại giam Kênh 7 – người từng là cán bộ trong lực lượng vũ trang nhưng có tới 18 năm sống trong nghiện ngập.

Đến nay, Hiệp đã hiểu được rằng, vì ma túy mà mình đánh đổi tất cả danh dự, nhân phẩm, đạo đức, niềm tin và cả tương lai. Bất lực trước đứa con hư hỏng, bố mẹ Hiệp đành phó mặc cho số phận. Ngày Hiệp bị bắt, bố liệt giường vì tai biến, mẹ cũng quỵ ngã vì quá khổ đau. Vào trại, gặp lại những người bạn cũ, nay là điều tra viên, kiểm sát viên, Hiệp càng xấu hổ, tự ti hơn.

Trải qua hơn 2 năm chấp hành án tại Trại giam Kênh 7, được Ban Giám thị và cán bộ nơi đây giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho Hiệp và các phạm nhân khác tham gia lao động, học tập, cải tạo để từ đó an tâm tư tưởng. Nhận ra lỗi lầm, Hiệp đã gắng lao động, học tập cải tạo, phấn đấu sửa chữa để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Trong thư gửi mẹ, Hiệp viết “Con đã sai và có tội thì phải sửa chữa bằng hành động cụ thể, những việc làm thiết thực. Đó là quyết tâm trở thành phạm nhân tốt, đó cũng là con đường duy nhất và ngắn nhất để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Đợt giảm án trong dịp lễ 30/4/2014, con được giảm thời gian chấp hành án phạt tù là 5 tháng. Đây là niềm vui con kính đến ba mẹ và gia đình, và đây cũng là niềm hạnh phúc việc làm thiết thực nhất con có thể làm được trong vòng lao lý.

Giờ đây con thấy mình biết sống có ích, dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể làm được. Nếu sống không có ích cho mình, thì làm sao làm được những điều hữu ích cho mọi người. Điều con tâm đắc cho mình là chỉ có lao động chân chính, biết quý trọng những giá trị tốt đẹp đúng chuẩn mực, thì thành quả cho mình thụ hưởng mới bền vững…

Con viết thư này không chỉ để nhận lỗi, để mong được tha thứ mà còn là động lực tích cực để con phải ghi nhớ, quyết tâm hoàn lương phục thiện. Trong tận đấy lòng con rất kính yêu ba mẹ, yêu quý và nhớ thương gia đình. Tuy quá khứ của con toàn những cái xấu, điều ác nhưng con biết mình đang làm gì và đang ở đâu. Mãi mãi con khắc ghi những tấm lòng cao đẹp của mọi người đang cho con. Những nơi đã giúp cho con thấy được niềm tin hướng thiện. Niềm tin đó đang hồi sinh và sẽ lớn lên từ nỗ lực vượt lên chính mình và trong tình yêu thương của mọi người…”

Nhận được thư của con, những người mẹ tưởng chừng đã héo khô trong mỏi mòn, đau khổ dường như được tiếp thêm sức sống, bởi họ biết, dù gây tội nhưng con mình đã biết quay đầu. Như lời của bà Nguyễn Thị S, mẹ phạm nhân Phạm Văn Bắc nghẹ ngào: “Mẹ mừng quá con ơi, bao năm nay, giờ mẹ mới có cái Tết thực sự của cuộc đời…”.

(Theo Phương Thủy/Công an nhân dân số Tết Ất Mùi)