HTML clipboard
– Vì thiếu thông tin và kiến thức về sức khỏe, khoa học y học nên nhiều người khi nghe quảng cáo đã lầm tưởng thực phẩm chức năng là “thần dược” thật sự. Bởi thế, họ từ chối sử dụng thuốc chữa bệnh theo phác đồ điều trị của bác sỹ và chỉ trung thành với thực phẩm chức năng. Đến khi bệnh không thuyên giảm, họ mới quay trở lại hướng điều trị là dùng thuốc thì đã muộn…

Bài 1: Lạ kỳ 'thần dược' trị ung thư lẫn phòng the
Nhiều loại thực phẩm chức năng đang “nổ tung trời” trong nội dung quảng cáo, dùng những lời có cánh để lừa người tiêu dùng khiến họ bị lạc trong mê cung thực phẩm chức năng, không biết đằng nào mà lần.


Điều trị bệnh muộn vì tin 'thần dược"

Hiện nay, chưa có một thống kê chính thức nào về việc đã có bao nhiêu bệnh nhân mắc bệnh nặng, mãn tính (như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, ung thư, vv…) sử dụng thực phẩm chức năng thay thế hoàn toàn cho thuốc chữa bệnh vì tin tưởng đó là “thần dược”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định “chắc chắn có chuyện này”.

Theo ông Phong, đây là hệ quả xấu nhất của việc quảng cáo thực phẩm chức năng quá tác dụng (nhất là khi quảng cáo tràn lan bằng các hình thức không chính thống như website, diễn đàn trực tuyến) như hiện nay.

Những nội dung quảng cáo trên trời vẫn khiến không ít người bệnh "tin sái cố" - (Ảnh minh hoạ: webstie dinhduong.com)

Đối với người bị bệnh, đáng ra họ phải được áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc càng sớm càng tốt thì bệnh sẽ khỏi (hoặc sẽ kéo dài được sự sống ở mức lâu nhất có thể). Tuy nhiên, đôi khi vì quá tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng (với những lời “có cánh” như đã đề cập ở bài 1) thì họ sẽ từ chối áp dụng điều trị bệnh bằng thuốc, thay vào đó họ sẽ mua thực phẩm chức năng về để chữa bệnh.

“Vì không phải thuốc nên chắc chắn một điều là bệnh không thể khỏi được. Lúc đó, họ quay lại điều trị bằng thuốc thì đã muộn mất rồi. Nhất là với bệnh nhân ung thư, nếu phẫu thuật hoặc xạ trị sớm thì có thể kéo dài cuộc sống, nhưng vì một số trường hợp tin vào thực phẩm chức năng quá nên cuối cùng không kéo dài thêm được bao lâu”, ông Phong nói.

Trên thực tế, với những mẩu quảng cáo được tung hô bằng lời lẽ mỹ miều như “tốt nhất”, “toàn diện nhất”, có thể người tiêu dùng cũng nhận ra rằng quảng cáo đang bị phóng đại lên. Nhưng không phải vì thế mà họ không mua sản phẩm, vì tâm lý người có bệnh là “vái tứ phương” đè nặng.

Không có cái gọi là “thần dược”

Hiện nay, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn một sản phẩm thực phẩm chức năng hợp lý bởi không làm sao mà kiểm chứng được những thông tin nhà cung cấp đưa ra.

Để giải quyết điểm này, ông Phong cho biết, mỗi sản phẩm khi được phép lưu hành đều phải đảm bảo điều kiện an toàn mà cơ quan quản lý đưa ra (về các chỉ số trong sản phẩm).

Vì thế, người tiêu dùng khi tiếp nhận thông điệp quảng cáo phải đọc kỹ thông tin trên nhãn mác sản phẩm, không thể tin ngay những gì quảng cáo nói (đặc biệt là quảng cáo truyền miệng). Những thông tin gắn trên nhãn mác sản phẩm đều đã được cơ quan y tế xác nhận và đảm bảo về chất lượng.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh: “Thực phẩm chức năng có những tác dụng nhất định đối với sức khỏe người dùng (như phòng ngừa các nguy cơ mắc bệnh và nâng cao sức đề kháng), nhưng nó không phải thuốc chữa bệnh, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, một khi đã mắc bệnh thì phải tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc mà các bác sỹ đưa ra”.

Ông Phong cũng cho biết, một trong những điểm quan trọng đối với thực phẩm chức năng là phải hiểu đúng – dùng đúng – làm đúng.

“Hiểu đúng” nghĩa là đừng nghĩ nó có thể chữa bách bệnh, đừng nghĩ thái quá về nó và chắc chắn là nó không thể thay thế thuốc chữa bệnh. “Dùng đúng” nghĩa là sử dụng sản phẩm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, đúng mục đích, nhu cầu nâng cao sức khỏe hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật của người sử dụng. “Làm đúng” là sản xuất đúng, cung ứng đúng và quảng cáo đúng về sản phẩm, v..v….

“Đây cũng là quan điểm trong quản lý thực phẩm chức năng. Chúng ta tuyên truyền đúng sự thật và không tẩy chay thực phẩm chức năng bởi trên thực tế là nó cũng có những tác dụng tích cực. Làm sao để thị trường thực phẩm chức năng phát triển lành mạnh, đúng pháp luật và quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo”, ông Phong nói.

Khuyến cáo đối với người tiêu dùng:

Hiện nay, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh chóng (20-30%/năm) và ngày càng được đa dạng hóa về chủng loại, nguồn gốc.

Trước đây chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu thì nay các công ty trong nước đã tham gia mạnh mẽ vào thị trường này.

Điều này giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn với giá cả cạnh tranh.

Để có được sự lựa chọn đúng đắn, ông Phong cho biết không nên tin vào tất cả các thông tin được quảng cáo khi mà những thông tin ấy chưa được thẩm định nội dung (đặc biệt là quảng cáo truyền miệng) mà cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về sản phẩm rồi mới quyết định mua.

Ông cũng đưa ra các khuyến cáo đối với người tiêu dùng:

- Đối với người đã có bệnh được kết luận bởi các bác sỹ chuyên ngành:

Cần phải điều trị theo hướng dẫn của các bác sỹ chuyên ngành, ngoài ra có thể dùng thực phẩm chức năng (cùng nhóm chức năng) để hỗ trợ điều trị thêm, tuyệt đối không thể lấy thực phẩm chức năng thay thế thuốc chữa bệnh.

- Đối với người khỏe mạnh, muốn sử dụng thực phẩm chức năng để dự phòng:

Phải nghiên cứu kỹ để mua được những loại thực phẩm chức năng đúng mục đích nhằm ngăn chặn các tác dụng phụ không tốt cho cơ thể.

Cần sử dụng sản phẩm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất đã in trên bao bì và đã được cơ quan chức năng xác nhận. Không quan niệm thực phẩm chức năng là “thần dược”.

Ngoài ra, cần duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để có sức khỏe tốt.

Cẩm Quyên

Bài 1: Lạ kỳ 'thần dược' trị ung thư lẫn phòng the
Nhiều loại thực phẩm chức năng đang “nổ tung trời” trong nội dung quảng cáo, dùng những lời có cánh để lừa người tiêu dùng khiến họ bị lạc trong mê cung thực phẩm chức năng, không biết đằng nào mà lần.