- Nhu cầu làm đẹp là chính đáng, tuy nhiên, nếu chăm sóc sắc đẹp không đúng cách chẳng những phản tác dụng mà còn có nguy cơ bị lây các bệnh nhiễm nguy hiểm.

Khách có yêu cầu mới sử dụng kìm riêng

Trong vai người đi làm đẹp, chúng tôi ghé vào một cửa tiệm có dịch vụ massage, uốn tóc, hút mụn…tên N. nằm trên địa bàn phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM. 

Cửa tiệm khá sang trọng, bật máy lạnh mát mẻ với những cô nhân viên trẻ măng mặc váy ngắn, chân dài trắng muốt.

Thông thường khách sẽ được lấy da móng tay, chân bằng kìm chung của tiệm - Ảnh: Ngọc Nhi

Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ khiến chúng tôi không khỏi ghê răng. Tiếng nhạc ghi ta cổ điển réo rắt, nhẹ nhàng mà lòng đứa nào đứa nấy cứ lo nơm nớp.

Tôi thử nghiệm dịch vụ làm móng tay, chân. Cô nhân viên trải chiếc khăn trắng ngà, loang lổ màu sơn lên cặp đùi trần trắng nõn, khéo léo nâng bàn chân của khách đặt lên.

Sau đó, cô ta dùng một loại kem làm mềm da, bôi vào các đầu ngón chân. Nhanh như chớp, cô nhặt một chiếc kìm bằng thép để trong rổ.

Thấy vậy tôi vội vàng ngăn lại: “Không em, chị có đem kìm theo, em làm bằng kìm riêng cho chị”.

Trong lúc chăm sóc bàn chân cho khách, cô nhân viên thủ thỉ: “Chị kỹ tính đấy, chứ nhiều khách vẫn làm chung kìm ở tiệm tụi em. Tụi em đôi khi cũng lấy kìm đó cắt da, có thấy bị bệnh gì đâu ạ, chẳng may có chảy máu thì tụi em rửa lại kìm bằng nước sôi!”.

Ống hút mụn sử dụng nhiều lần cho nhiều khách

 
Sau khi chăm sóc xong bộ móng chân, tay, tôi bèn chạy lên xem tình hình cô bạn đang sử dụng dịch vụ massage và hút mụn ra sao.

Cô bạn tôi nằm trên chiếc giường bọc simili trải khăn lông trắng toát, trên đầu là một chiếc đèn chụp rọi thẳng vào mặt.

Ngồi bên cạnh bạn tôi, cô nhân viên tên H. chuẩn bị quy trình…hút mụn, chậm rãi giải thích cho khách về những việc mình sắp làm:

Những ống thủy tinh hút mụn được sử dụng nhiều lần cho nhiều khách hàng - Ảnh: Ngọc Nhi

"Trước tiên em sẽ cắm máy xông hơi để những lỗ chân lông trên mặt chị nở ra. Tiếp theo em dùng ống thủy tinh nối với máy, tạo áp lực hút những mụn lớn ra trước. Đối với mụn cám em sẽ dùng kim lể ra sau”.

Tôi làm bộ hỏi: “Em ơi, mấy cái ống thủy tinh này chắc mắc tiền lắm nhỉ, dùng xong thì vứt bỏ luôn, uổng ghê!”.  

Nghe tôi nói vậy, H. mau mắn trả lời: “Không có chuyện dùng xong vứt bỏ đâu chị. Ống này có giá mấy chục ngàn một cái đó. Sau mỗi đợt khách tụi em chỉ nhúng nước sôi rửa sạch rồi dùng lại”.

“Ôi, thế không đảm bảo vô trùng, lây bệnh thì sao em, chưa kể lúc hút mụn sẽ bị chảy máu?” – nghe tôi ái ngại hỏi, H. đáp chắc như đinh đóng cột rằng nhúng vào nước sôi đến người…còn chết huống chi là vi trùng.

Cô bạn tôi đau đớn, sau khi hút mụn mặt mũi sưng vêu. Tuy nhiên, cô ấy vẫn còn muốn trải nghiệm thêm màn…massage mặt.

Trước khi sử dụng máy massage, cô nhân viên thoa lên mặt bạn tôi một thứ thảo dược rồi ra sức xoa, bóp, ấn huyệt…

“Em ơi, để có trình độ ấn huyệt siêu thế chắc em phải học hành kỳ công lắm nhỉ?” – cô bạn tôi trầm trồ.

Ngay lập tức cả hai đứa tôi té ngửa vì câu trả lời hết sức thật tình: “Ôi, dễ lắm chị, nghề dạy nghề ý mà. Quan trọng là mình phải biết cách để ý và bắt chước giỏi. Thông thường chỉ vài ngày là có thể làm được như thế”.

Tiếp đến, H. thao thao bất tuyệt kể cho chúng tôi nghe về các dịch vụ chăm sóc da mặt bằng máy, dùng vitamin C để làm da săn chắc, trẻ hóa…

Khi ra về, chúng tôi thực sự rất băn khoăn về chất lượng của các dịch vụ làm đẹp. Khách hàng chủ yếu chỉ biết tin tưởng vào người làm nghề. Ngoài việc cố gắng lựa chọn những cửa tiệm lớn, sạch sẽ thì họ gần như…mù tịt về tác dụng cũng như quy trình của việc chăm sóc sắc đẹp.Trên thực tế cho thấy vì trót “trao thân gửi phận” cho những cơ sở làm đẹp không đảm bảo mà nhiều quý bà, quý cô tiền mất, tật mang.

Cần có chứng chỉ đào tạo

Trao đổi với PV VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Phó trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, tại Bệnh viện Da Liễu cũng có phòng chăm sóc da. Tuy nhiên, các kỹ thuật viên làm việc tại đây phải có chứng chỉ đào tạo qua một số khóa học chăm sóc da ngắn hạn.

Chăm sóc da không đúng rất dễ gặp phải những hậu quả như dị ứng mỹ phẩm hoặc bị lây nhiễm bệnh tật do quy trình thực hiện không đảm bảo, kém vệ sinh.

“Kỹ thuật viên chăm sóc da cần được đào tạo để có kỹ năng nhận biết đúng về loại da. Đối với da nhờn mà lại dùng mỹ phẩm cho da khô sẽ làm tình trạng bệnh nặng nề hơn, người bệnh có thể bị nổi mụn. Ngược lại, với da khô mà lại sử dụng sản phẩm cho da nhờn sẽ làm da bị bong tróc…” – bác sĩ Hào nói.

Theo bác sĩ Hào, dụng cụ sử dụng cho nhiều người có sang chấn phải đảm bảo tuyệt đối vô trùng (chỉ sử dụng cho một người/lần.).

Việc điều trị mụn trứng cá cũng hết sức phức tạp, nếu lấy mụn không đúng cách làm vi khuẩn đi sâu hơn, động tác nặn sẽ làm vỡ mạch máu gây thương tổn, để lại sẹo xấu, thâm cho người bệnh.

Bác sĩ Hào khuyên chỉ nên massage da mặt 1 tuần/lần.

“Làm móng tay chân sử dụng chung dụng cụ có thể lây truyền một số bệnh như mụn cóc, nấm móng. Đặc biệt trong quá trình lấy da mà chảy máu có khả năng bị lây nhiễm HIV”.

Ngọc Nhi