- Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2015 (từ ngày 16/12/2014 đến 15/02/2015) cả nước xảy ra 4.115 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 1.567 người, làm bị thương 3.771 người.

317 người chết vì TNGT trong 9 ngày nghỉ Tết
9 ngày Tết, hơn 6.000 người nhập viện vì đánh nhau

So với cùng kỳ năm 2014 giảm 713 vụ (-14,77%), giảm 251 người chết (-13,81%), giảm 970 người bị thương (-20,46%).

Trong đó, TNGT đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 1.814 vụ, làm chết 1.527 người, bị thương 1.094 người. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 184 vụ (-9,21%), giảm 246 người chết (-13,87%), giảm 221 người bị thương (-16,81%).

Va chạm giao thông xảy ra 2.257 vụ, làm bị thương nhẹ 2.668 người. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 526 vụ (-18,9%), giảm 747 người bị thương  21,87%).

TNGT đường sắt xảy ra 25 vụ, làm chết 20 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 8 vụ (-24,24%), giảm 12 người chết (-37,5%), giảm 4 người bị thương (-40%).

TNGT đường thuỷ xảy ra 19 vụ, làm chết 20 người, bị thương 3 người. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 5 vụ (35,71%), tăng 7 người chết (53,85%), tăng 2 người bị thương (200%).

2 tháng đầu năm 2015 cả nước không xảy ra TNGT hàng không và hàng hải.

{keywords}
Ùn tắc giao thông vẫn là nỗi ám ảnh với người dân Hà Nội và TP.HCM trong dịp trước và sau Tết. (Ảnh: Phạm Hải)

Có 11 địa phương có số người chết từ 10-13 nguời trong 9 ngày nghỉ Tết gồm: Hưng Yên, Tiền Giang, Đắk Lắk, Nghệ An (chết 13 người); Hải Dương, Bến Tre, Bình Định (chết 12 người); Hà Nội (chết 11 người); Hòa Bình, Vĩnh Long, TP.Hồ Chí Minh (chết 10 người).

Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, mặc dù tình hình trật tự ATGT 2 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực nhưng số người chết do TNGT trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Mùi lại tăng cao so với cùng kỳ; xảy một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Thanh Hóa, Gia Lai, Đắk Lắk, Lai Châu, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các địa phương có số người bị thương cao: Cà Mau (52 người), Bình Dương (34 người), Đắk Lắk (31 người), Kiên Giang (28 người), Bình Định (24 người), Sóc Trăng (22 người), Vĩnh Long (21 người), Quảng Bình (18 người), Hòa Bình (13 người), Tiền Giang (12 người).

Về tình trạng ùn tắc giao thông, trong 9 ngày (từ 27 đến mùng 5 Tết), tình hình trật tự ATGT trên toàn quốc cơ bản được bảo đảm; tại các thành phố lớn không có ùn tắc giao thông kéo dài.

Các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP.HCM, Hà Nội xảy ra hiện tượng ùn ứ vì phương tiện tham gia giao thông khá đông đúc.

Ngày 14/2, đường trên cao đoạn Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến bị tắc dài, nguyên nhân là do mật độ lưu thông quá lớn, các phương tiện phía dưới ùn ứ dẫn đến tình trạng các điểm xuống từ đường trên cao kẹt cứng.

Trên QL1A xảy ra 2 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào ngày 15/2 (tức 27 Tết) tại khu vực Thị trấn Cai Lậy (Tiền Giang) và  từ Km 1650 đến Km 1655 QL1, thuộc địa bàn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận do nhu cầu giao thông tăng cao, người tham gia giao thông còn thiếu ý thức nhường đường.

Trong những ngày cuối tháng 1 và trước Tết Nguyên đán (ngày 14-15/2), một số đoạn tuyến QL 1A, một số tuyến đường trục chính ra vào TP. Hà Nội và TP. HCM còn xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài.

Tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định tăng giá vé ô tô khách quá mức quy định còn diễn ra, một số nhà xe tăng 100 - 150% so với giá vé ngày thường; chưa có phương án hiệu quả để đáp ứng dịch vụ vận tải công cộng kết nối tới các khu vực vui chơi, lễ hội và tại địa bàn nông thôn trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

Lực lượng tuần tra kiểm soát tại khu vực ngoài đô thị và nông thôn còn mỏng, chưa xử lý có hiệu quả tình trạng người uống rượu, bia vẫn lái xe, người tham gia giao thông bằng mô tô xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định.  

Gia Văn