- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 cả nước sẽ có 2.500 km đường bộ cao tốc, Bộ GTVT đã tiến hành xây dựng Đề án đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc bằng những giải pháp cụ thể.
Năm 2020 có gần 2.700km đường cao tốc?
Tại cuộc họp chiều 25/2 xung quanh Đề án xây dựng 2.500 km đường bộ cao tốc vào năm 2020, ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc TCT đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết: Hiện VEC đã đề xuất với Bộ GTVT tham gia đầu tư xây dựng các dự án cao tốc trọng điểm theo hình thức BOT như dự án: Ninh Bình – Bãi Vọt, Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Hà Nội – Lạng Sơn với tổng chiều dài của các tuyến đường này vào khoảng gần 500 km. Dự kiến đến năm 2020, VEC sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.000km đường cao tốc.
Một đất nước phát triển thì phải có hệ thống đường cao tốc đồng bộ (Ảnh: Lê Anh Dũng). |
Để tiếp tục triển khai các dự án cao tốc tiếp theo, VEC sẽ cùng với các nhà đầu tư khác tiến hành đầu tư, khai thác. Trong đó, VEC đang xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể và CPH Tổng công ty, nâng vốn điều lệ của VEC lên 22.000 tỷ đồng.
“Khi vốn điều lệ tăng lên 22.000 tỷ đồng, đặc biệt là việc huy động thêm được 5.000 tỷ đồng từ bên ngoài từ dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây, VEC sẽ có đủ nguồn vốn đối ứng để tham gia các dự án cao tốc lớn”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.
Ông Dương Tuấn Minh - Tổng Giám đốc TCT Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long kiến nghị, cần bổ sung thêm các đoạn tuyến: TP.HCM – Mộc Bài, Bạc Liêu – Hà Tiên, Sóc Trăng – Châu Đốc, Mỹ Thuận – Cần Thơ…. vào hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2020.
Ông Nguyễn Hoằng - Vụ trưởng Vụ KH-ĐT cho biết: Theo kịch bản tăng trưởng thấp, các tuyến Quảng Ngãi – Quy Nhơn, Biên Hòa – Phú Mỹ - Cái Mép, Nha Trang – Phan Thiết, Dầu Giây – Tân Phú, Hạ Long – Mông Dương với tổng số 523km sẽ được thực hiện đầu tư. Theo kịch bản này, nếu nhà đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến thì đến 2020, cả nước sẽ có 2380km đường cao tốc được đưa vào khai thác.
Trong khi đó, với kịch bản tăng trưởng cao, ngoài việc thực hiện đầu tư các dự án ở trên, sẽ đầu tư thêm các đoạn tuyến: Mông Dương – Móng Cái, Phú Mỹ - Vũng Tàu, Tân Phú – Liên Khương, Vành đai 3 TP.TP.HCM với tổng chiều dài 318km. Nếu đầu tư theo kịch bản cao, đến năm 2020 sẽ có 2689km đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Quy mô đường “bám” nhu cầu thực tế
Về cơ chế thực hiện các dự án đường cao tốc theo hình thức BOT có hiệu quả, ông Mai Tuấn Anh cho rằng, cần giảm thiểu được thời gian trong đấu thầu và cho chỉ định thầu. Bởi, theo đấu thầu quốc tế VEC đã thực hiện ở các dự án cho thấy thời gian rất lâu, chứa đựng “rủi ro” và giá đấu thầu sau trúng thầu cạnh tranh rất lớn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
“Chỉ định thầu là cơ chế cần thiết để rút ngắn được thời gian và lựa chọn được các đơn vị thầu có năng lực. Thực tế khi tiến hành đấu thầu có nhà thầu hồ sơ thì đẹp nhưng thực chất khi làm bộc lộ rất nhiều yếu kém...”, ông Mai Tuấn Anh nêu thực tế.
Ông Dương Tuấn Minh cũng kiến nghị, trong quá trình đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn lưu thông của phương tiện để tránh tình trạng lãng phí trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp.
Ông Minh dẫn chứng thực tế, quy mô đường cao tốc 4 làn xe đảm bảo thông qua 45 - 50.000 xe/ ngày đêm, thế nhưng thực tế đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương sau gần 5 năm khai thác mới đạt 27.000 xe/ ngày đêm. Như vậy, đã phí gần 50% công suất sau gần 5 năm khai thác. Vì thế, nếu chúng ta cứ bám vào khái niệm đường cao tốc phải 4 làn xe thì một số dự án đường cao tốc không thể “khởi động” được.
Do vậy, ông Minh đề nghị với khả năng kinh tế của nhà đầu tư và khả năng hỗ trợ của Nhà nước cần phải có chủ trương cụ thể. Trong đó quy định, quy mô đường cao tốc phải theo thực tế nhu cầu khai thác phù hợp trong thời gian ít nhất 3 năm, trong quá trình đầu tư dựa theo nhu cầu khai thác tăng lên sẽ tìm các nhà đầu tư và tiếp tục mở rộng.
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng. Ảnh: Zing.vn |
Ông Phạm Hữu Sơn – TGĐ Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết: Về quy mô đường phải xem xét làm sao dự án đầu tư có hiệu quả, tránh tình trạng “quy mô càng to thì hiệu quả càng kém”.
Như dự án đường cao tốc Mông Dương – Móng Cái, trong khi lưu lượng xe không cao, nhưng vẫn muốn “hoành tráng” thiết kế rộng 16,5m với 4 làn xe thậm chí tỉnh còn yêu cầu thiết kế rộng 24m thì không thể làm được, trong khi dự án này hoàn vốn chủ yếu trông chờ vào thu phí....
Phát triển đường cao tốc là tất yếu
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: "Một đất nước phát triển thì phải có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, do vậy, chúng ta cần tập trung xây dựng hệ thống đường cao tốc tương đối hoàn chỉnh kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng miền và có tính đến việc kết nối với quốc tế.
Việc xây dựng hệ thống đường cao tốc không thể trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ mà phải huy động nguồn lực xã hội hóa bằng các hình thức, phương thức khác nhau. Những việc gì tư nhân, doanh nghiệp làm được thì để họ làm, Nhà nước chỉ làm những chỗ tư nhân không làm được để đến 2020, cả nước phải có 2.500km đường cao tốc".
Để đầu tư hệ thống đường cao tốc hiệu quả, Bộ trưởng Thăng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tiến hành khảo sát, chọn hướng tuyến đường cho hợp lý tránh khu dân cư, tránh được vùng đất yếu. Đầu tư khai thác cho đúng thiết kế; rà soát quy mô phân kỳ đầu tư...
Đối với các cầu đi trên các tuyến đường cao tốc tuyệt đối không thiết kế cầu dây văng để tránh lãng phí trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp; tránh tình trạng trên tuyến đường cao tốc cứ 10 km đường lại có 1 nút giao, mỗi nút giao mấy ngàn tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng giao TEDI xây dựng đề án tổng thể dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển đường cao tốc quy hoạch đã được duyệt. Trong đề án, Bộ trưởng lưu ý, TEDI cần ưu tiên kết nối hệ thống cao tốc Bắc - Nam (Dầu Giây – Phan Thiết, Ninh Bình – Thanh Hóa – Bãi Vọt...); khu vực Tây Nguyên và bổ sung thêm một số tuyến: TP.HCM – Mộc Bài, tuyến hàng lang ven biển phía Nam một số đoạn…
Vũ Điệp