- “Nếu vàng cứ tiếp tục tăng hoặc giữ nguyên như mức hiện tại thì không biết bao giờ mình mới lấy vợ được. Đành đợi nó giảm xuống thấp hơn một ít nữa rồi tính sau, chỉ khốn khổ cho cái đám cưới 3 lần bị hoãn thôi”-  T.Hùng (24 tuổi - Nghệ An) hài hước nói.

 

Đành đợi "nó" xuống!

 

Thị trường vàng mấy tháng gần đây biến đổi thất thường khiến cho những người “ngoại đạo” cũng phải xoay chóng mặt. Cứ sau khi ngủ dậy là mọi người lại xuýt xoa vì giá vàng lên xuống như nhảy múa. Và sự biến động này không chỉ ảnh hưởng đến những người kinh doanh vàng, mà còn chi phối đến cả túi tiền của những đôi uyên ương đang dậm dịch chuẩn bị cưới xin.

 

Và sự biến động này không chỉ ảnh hưởng đến những người kinh doanh vàng, mà còn chi phối đến cả túi tiền của những đôi uyên ương đang dậm dịch chuẩn bị cưới xin - Ảnh: Sơn Lâm
T.Hùng (24 tuổi – Nghệ An) nói: “Mình mới ra trường, đồng lương nhà nước thì ba cọc ba đồng, người yêu cũng thế mà bố mẹ hai bên thì đã phải vắt kiệt sức lo cho các con rồi. Giờ lấy vợ phải tự lo lấy thôi. Mấy tháng gần đây cứ sáng ra việc đầu tiên mình làm là lên mạng xem tình hình giá vàng thế nào sau đó mới yên lòng để làm những việc khác”.

 

Kết luận cuối cùng của cậu bạn này là: “Nếu vàng cứ tiếp tục tăng hoặc giữ nguyên như mức hiện tại thì không biết bao giờ mình mới lấy vợ được. Đành đợi nó giảm xuống thấp hơn một ít nữa rồi tính sau, chỉ khốn khổ cho cái đám cưới 3 lần bị hoãn thôi”.

 

Có những người đã cho rằng, trước kia thì “một túp lều tranh hai trái tim vàng” là có thể sống được, nhưng ở thời đại hiện này, e rằng "hai chỉ tim vàng" vẫn chưa ổn. Vì cuộc sống không đơn thuần chỉ có vàng và tình yêu, mà đồng nghĩa với nó còn có trăm nghìn giá cả các loại hàng hóa cũng theo vàng mà tăng lên. Cho nên, để làm được một đám cưới ở mức trung bình cũng khiến không ít gia đình phải lao đao.

 

Ăn ngủ không yên vì vàng

 

Áp lực tâm lý ngày càng đè nặng lên những bạn trẻ chỉ biết dựa vào sức mình là chính, do bố mẹ không có điều kiện để giúp đỡ.

 

N.Hoành (27 tuổi - Tuyên Quang) tâm sự: “Dạo giờ mình cứ bị hình ảnh của đôi nhẫn cưới ám ảnh mãi. Bố mẹ ở quê thì cứ giục cưới vợ đi không lớn tuổi rồi, nhưng đi làm thuê mấy năm mà cũng chỉ đủ ăn, trong khi vàng đang ở thời kì “bão giá”. Chẳng lẽ lấy vợ không mua nổi đôi nhẫn cưới thì nói gì đến việc sau này gánh vác cả một gia đình? Nhưng tình hình này chắc mình cưới bằng... nhẫn cỏ mất”.

 

Có những người đã cho rằng, trước kia thì “một túp lều tranh hai trái tim vàng” là có thể sống được, nhưng ở thời đại hiện này, e rằng "hai chỉ tim vàng" vẫn chưa ổn!
Cùng chung "số phận", H.Yến (23 tuổi – Hà Nội) nói: “Nửa đêm đang ngủ ngon thì bạn trai gọi điện thông báo vàng lại tăng giá và đám cưới trong mơ dự kiến được tổ chức vào cuối năm sẽ bị hoãn lại là điều tất nhiên”. Ngán ngẩm, cô bạn này nói tiếp: “Cả đời cũng chỉ có một lần bước chân về nhà chồng, nếu không có gì thì xem sao được. Đành cố gắng làm thêm một thời gian nữa, chỉ mong giá vàng giảm xuống hoặc giữ giá chứ đừng tăng thêm”.

 

Ngược lại với những trường hợp trên, M.Thắng (Hưng Yên) lại rơi vào tình huống đặc biệt hơn. Có được cô người yêu ưa hình thức, sĩ diện trong đầu lúc nào cũng nghĩ: “Ngày cưới cô dâu phải đeo thật nhiều vàng: vàng cổ, vàng tay, vàng tai, lắc vàng… thì như thế người ta mới coi trọng mình, đồng thời người ngoài nhìn vào sẽ đánh giá được sự hạnh phúc của mình hơn người khác ở chỗ nào”.

 

Cho nên, từ lúc nhận lời yêu nhau, M.Thắng đã phải kí vào một "bản cam kết" ảo với nhiều điều khoản liên quan đến vật chất, trong đó có liên quan đến vàng thì mới cưới được vợ xinh. Mặc dù làm cho một công ty nước ngoài, lương tháng cao hơn nhiều người, nhưng so với giá cả thị trường hiện nay, thì cũng không khác gì như “muối bỏ bể”.

 

Làm một phép tính đơn giản để đáp ứng được yêu cầu của bạn gái từ nhà cửa, xe cộ đi lại, và tổ chức một đám cưới thật hoành tráng thì ít nhất cậu phải thêm khoảng chục năm nữa mới lấy được vợ.

 

N.Oanh (Hải Dương) mới tổ chức đám cưới cách đây 2 tháng trước, đi nghỉ tuần trăng mật về thấy mặt mũi phờ phạc. Mọi người trong cơ quan xúm lại hỏi thăm mới ngã ngửa ra “lại vì vàng”. Hóa ra, khi tổ chức đám cưới, vợ chồng N.Oanh đã vay vàng.

 

Ngay đêm đầu tiên khi hai vợ chồng đang hạnh phúc thì chuông điện thoại reo. Cậu bạn thân của chồng gọi điện hỏi thăm vấn đề "lời lãi" sau đám cưới và thẳng thắn nhắc đến việc... vàng đang lên giá mạnh. Những ngày sau, đôi uyên ương này luôn nhận được điện thoại hỏi thăm về giá vàng. Cuối cùng, cả hai quyết định kết thúc tuần trăng mật trước 3 ngày về nhà lo giải quyết vụ vay nợ.

 

Và những cách giải quyết thức thời

 

Trước những khó khăn do... vàng gây ra, nhiều cặp đôi đã tìm đến những giải pháp được cho là hữu hiệu nhất hiện nay. Người “thức thời” thì giảm nhẹ gánh nặng cho mình bằng cách chuyển từ vàng ta xịn 100% sang “vàng non”. Thậm chí, nhiều đôi còn chuyển sang mua vàng trắng hoặc trang sức cưới mạ vàng.

 

Với cậu bạn N.Hoành thì: “Mặc dù như thế thì cũng không được vui lắm, nhưng "méo mó có hơn không", với lại quan trọng là tình cảm để sống với nhau cả đời”.

 

Riêng với M.Thắng, sau khi thỏa thuận với người yêu thì cả hai đã quyết định đi thuê bộ trang sức bằng vàng cho ngày cưới. Như thế, sẽ giải quyết được hai vấn đề vừa tiết kiệm mà người yêu vẫn được hình thức.

 

Tiểu Phương